Đức tăng tốc tái vũ trang, sẵn sàng cho kịch bản xung đột với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Berlin yêu cầu tăng tốc tái vũ trang, phát triển năng lực tấn công tầm xa và chiến tranh điện tử trong bối cảnh lo ngại mối đe dọa từ Nga

Tổng thanh tra quân đội Đức Carsten Breuer tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/4. Ảnh: Getty.
Tổng thanh tra quân đội Đức Carsten Breuer tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/4. Ảnh: Getty.

Quân đội Đức đã nhận được chỉ thị phải chuẩn bị cho khả năng tiến hành các chiến dịch tấn công từ nay đến năm 2029 – thời điểm Berlin dự đoán có thể đối mặt với mối đe dọa từ Nga, theo một tài liệu do hãng tin Reuters tiếp cận.

Chỉ thị có tên "Ưu tiên củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu", được ký ngày 19/5 bởi Tướng Carsten Breuer – Tổng thanh tra của Bundeswehr (quân đội liên bang Đức). Văn bản này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách quốc phòng của Đức, vốn lâu nay duy trì tư thế phòng thủ.

Mặc dù Moscow nhiều lần phủ nhận có ý định gây hấn với các quốc gia NATO và cho rằng phương Tây đang “hù dọa” để biện minh cho quá trình quân sự hóa ngày càng tăng ở châu Âu, nhưng Berlin dường như đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Theo Reuters, Tướng Breuer yêu cầu quân đội ưu tiên mua sắm các hệ thống phòng không tân tiến và năng lực tấn công chính xác tầm xa trên 500 km. Ngoài ra, chỉ thị cũng nhấn mạnh việc tăng cường tích trữ nhiều loại đạn dược, phát triển năng lực tác chiến điện tử, cũng như các hệ thống không gian phục vụ cả mục tiêu phòng thủ và tấn công.

Trong một động thái khác cho thấy sự cứng rắn ngày càng tăng, Thủ tướng Friedrich Merz hôm 26/5 tuyên bố chính phủ của ông đã dỡ bỏ giới hạn về tầm bắn đối với các loại vũ khí mà Đức có thể chuyển giao cho Ukraine. Đây được xem là tín hiệu cho thấy Berlin có thể sẵn sàng cung cấp tên lửa tầm xa Taurus – loại vũ khí mà chính phủ tiền nhiệm từng từ chối chuyển giao.

Hồi tháng 3, Quốc hội Đức đã sửa đổi luật ngân sách quốc gia để loại trừ chi tiêu quốc phòng khỏi "phanh nợ công" – quy định giới hạn mức vay nợ của chính phủ. Thủ tướng Merz đề xuất tăng chi tiêu an ninh lên tới 5% GDP vào năm 2032, so với mức khoảng 2% hiện nay. Ông khẳng định khoản đầu tư này sẽ biến Bundeswehr thành lực lượng quân sự mạnh nhất châu Âu.

Kế hoạch tái vũ trang cũng kéo theo yêu cầu tăng quân số. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng liên minh cầm quyền đang xem xét áp dụng mô hình nghĩa vụ quân sự giống Thụy Điển, chấm dứt hệ thống quân đội hoàn toàn tình nguyện hiện nay, có thể ngay từ năm sau.

Tuy nhiên, các sáng kiến quân sự này lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Đức đang gặp nhiều khó khăn, với nguy cơ mất năng lực công nghiệp và tăng trưởng trì trệ. Tờ Bild hôm Chủ nhật tuần trước đưa tin tập đoàn công nghiệp lâu đời ThyssenKrupp – biểu tượng hơn 200 năm tuổi của ngành công nghiệp Đức – đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu rộng, có thể dẫn tới việc giải thể trên thực tế.

Cụ thể, ThyssenKrupp sẽ cắt giảm nhân sự tại trụ sở chính từ 500 người xuống còn 100, chuyển giao mảng luyện thép cho tỷ phú người Séc Daniel Kretinsky, bán công ty đóng tàu chiến Thyssenkrupp Marine Systems (TKMS) ra thị trường, và thanh lý phần lớn các mảng kinh doanh còn lại.

Những diễn biến này cho thấy nước Đức đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, khi nỗ lực phục hồi sức mạnh quân sự truyền thống trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng và nội bộ kinh tế gặp nhiều sóng gió.