Tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc mang lại lợi thế ra sao trên eo biển Đài Loan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc rất có thể sẽ sẵn sàng chiến đấu trong 6-8 năm tới, tạo thêm sức mạnh cho quân đội nước này trong trường hợp xung đột với Đài Loan.
Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của PLA được thiết kế và chế tạo trong nước (Ảnh: Weibo)
Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của PLA được thiết kế và chế tạo trong nước (Ảnh: Weibo)

Wang Hongliang, chuyên gia phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia thuộc ĐH Shanghai Jiao Tong, nói rằng phải mất thêm 3-4 năm để tàu sân bay Phúc Kiến đi vào hoạt động. Việc cho ra mắt con tàu sân bay thứ ba và cũng là tàu sân bay tối tân nhất của quân đội Trung Quốc (PLA) vào ngày 17/6 vừa qua được xem như một bước tiến của Bắc Kinh tới gần hơn với mục tiêu xây dựng một “Hải quân biển xanh” (Blue Water Navy), có khả năng hoạt động cách xa đại lục.

Trước đây, tàu sân bay USS Gerald R. Ford – tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ - phải mất tới 9 năm tính từ lúc hạ thủy năm 2013 mới có thể sẵn sàng chiến đấu vào tháng 4 năm nay, mặc dù đã được biên chế từ năm 2017, ông Wang nhấn mạnh.

Để so sánh, tàu USS H.W. Bush – siêu tàu sân bay lớp Nimitz – chỉ mất có hơn 4 năm. Điều này là bởi “thiết kế tổng thể và hệ thống lõi của nó có độ hoàn thiện cao” so với tàu USS Gerald Ford, vốn được áp dụng nhiều công nghệ mới hết sức tinh vi, ông Wang viết trên The Paper, website tin tức của Thượng Hải.

Khoảng thời gian từ lúc hạ thủy cho đến lúc sẵn sàng chiến đấu của tàu Phúc Kiến có thể nằm ở mức giữa của 2 tàu sân bay Mỹ, ông Wang nói.

Tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử USS Gerald Ford hiện là con tàu đi đầu của lớp tàu sân bay sẽ thay thế cho lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.

Tàu Phúc Kiến đã đạt được một bước nhảy vọt công nghệ, bởi vậy mà “cũng kéo theo mức độ rủi ro công nghệ nhất định”, ông Wang nói, thêm rằng Trung Quốc có thể học được nhiều bài học từ Hải quân Mỹ và Nga để tìm cách rút ngắn khoảng thời gian chờ đợi.

Tàu sân bay 80.000 tấn Phúc Kiến – được đặt tên theo tỉnh của Trung Quốc nằm đối diện với Đài Loan – là tàu sân bay đầu tiên của PLA được thiết kế và chế tạo trong nước. Nó cũng là tàu sân bay thứ hai trên thế giới – sau tàu USS Gerald Ford – sử dụng hệ thống phóng tiên tiến cho phép các chiến đấu cơ cất cánh thường xuyên hơn và mang theo lượng đạn dược lớn hơn.

Tàu USS Gerald Ford mất tới 8 năm mới đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: AFP)

Tàu USS Gerald Ford mất tới 8 năm mới đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: AFP)

Trong khi chờ đợi trạng thái sẵn sàng chiến đấu, vai trò của tàu Phúc Kiến sẽ được quyết định tùy thuộc vào môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc và nhu cầu thực tế của 3 hạm đội lớn của Hải quân nước này, ông Wang nói.

Hạm đội Đông Hải, có nhiệm vụ tuần tra eo biển Đài Loan, một trong số ba hạm đội, hiện vẫn chưa sở hữu một tàu sân bay.

Việc hạ thủy tàu Phúc Kiến diễn ra ngay trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tăng dần với Mỹ, và căng thẳng tiếp diễn trên eo biển Đài Loan. PLA thường xuyên điều chiến đấu cơ đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh lên tiếng ủng hộ hòn đảo này.

Mặc dù tàu sân bay có thể không phải là vũ khí phù hợp nhất khi tham gia một cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan, nhưng tàu Phúc Kiến có thể cung cấp cho PLA thêm nhiều lựa chọn chiến thuật bằng cách yểm trợ trên không và hỗ trợ các đội hình chiến đấu lưỡng cư, ông Wang nói.

Nhiệm vụ chính của Hạm đội Đông Hải nên là đối phó với mối đe dọa đến từ “Đài Loan độc lập” và tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư, phía Nhật Bản gọi là Senkaku, ông nói.

Do cả Đài Loan và Điếu Ngư/Senkaku đều có vị trí sát đường bờ biển của đại lục, các lực lượng bờ biển ở miền Đông Trung Quốc có thể thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát trên biển và trên không ở đó, ông Wang nói. Thêm nữa, PLA cũng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và tàu ngầm...để có thể tấn công tầm xa.

“Giá trị chiến đấu của một sân bay nổi di động sẽ được chứng minh trên eo biển Đài Loan,” ông Wang nói.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã tăng cường sức mạnh chiến đấu lưỡng cư của Hạm đội Đông Hải – một sự ưu tiên trong lúc chuẩn bị cho khả năng xung đột với Đài Loan – bằng việc triển khai tàu tấn công đổ bộ lớp Type 075 có tên Quảng Tây, một tàu đa chức năng lớp Type 071 và hơn một chục tàu đổ bộ lớp Type 072.

“Nhu cầu về tàu sân bay trong nhiệm vụ ở eo biển Đài Loan không quá cấp thiết, bởi vậy có thêm các phương tiện chiến đấu trong thời chiến lúc nào cũng tốt,” ông Wang viết. “Nếu cần thực hiện các chiến dịch lưỡng cư ngoài bờ biển phía Đông của Đài Loan, sự yểm trợ trên không và hỏa lực từ một tàu sân bay sẽ cung cấp cho PLA thêm nhiều lựa chọn chiến thuật.”

Các lực lượng không quân của PLA có đủ tầm xa hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ như vậy, nhưng Đài Loan sở hữu mật độ tên lửa phòng không dày đặc cùng sức mạnh đánh chặn đáng gờm, nên cần tính toán kỹ lưỡng, ông Wang nói.

“Nếu lực lượng không quân bờ biển của PLA trực tiếp bay qua eo biển để đến Đài Loan trong một cuộc chiến…họ sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn. Còn nếu bay đường vòng để đến Đài Loan, thời lượng chiến đấu của họ sẽ bị rút ngắn,” ông Wang nói. “Trong khi các máy bay cất cánh từ tàu sân bay lại không phải đối mặt với những vấn đề như vậy.”

Theo SCMP