Tại sao nói phải, làm phải nhưng “củ cải” vẫn không nghe?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi Đảng, Nhà nước đưa ra các quyết sách động viên nguồn lực vật chất, tinh thần chống dịch thì xuất hiện các đối tượng đả phá...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, cảm ơn em Lê Đức Hiếu (15 tuổi), học sinh Trường Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, cảm ơn em Lê Đức Hiếu (15 tuổi), học sinh Trường Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi Đảng, Nhà nước đưa ra các quyết sách đúng đắn, quyết liệt, động viên nguồn lực vật chất và tinh thần của toàn dân khống chế dịch bệnh thì xuất hiện các đối tượng đả phá, chia rẽ nhân tâm.

Mới đây nhất, sau khi Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ ra mắt và thu được hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ thì cũng xuất hiện rất nhiều luận điệu xuyên tạc, vu khống. Họ quy chụp việc huy động nhân dân đóng góp là bản chất của Nhà nước, chế độ ở Việt Nam. Họ cho rằng, dân đóng góp tiền là để cho quan chức tham nhũng. Một số trang web có máy chủ ở nước ngoài đặt câu hỏi, Chính phủ Việt Nam tuyên bố không thiếu tiền mà tại sao lại huy động tiền dân mua vaccine? Họ phê phán cách làm của Việt Nam đi ngược với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tiêm vaccine miễn phí cho dân mới là chính quyền thực sự lo cho dân. Thậm chí có tờ báo nước ngoài còn thông tin: Chính phủ gây “khó xử” đối với một số doanh nghiệp để phải đóng góp cho quỹ vaccine; Việt Nam gửi tin nhắn “xin” người dân góp tiền mua vaccine...

Thực chất, những quan điểm phê phán trên không xuất phát từ thành ý tốt đẹp, thực tiễn lịch sử, truyền thống văn hóa người Việt và tỏ ra thiếu tôn trọng cách làm của Nhà nước Việt Nam. Thậm chí đó là những phê phán có dụng ý chia rẽ tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng và truyền thống yêu nước ở Việt Nam.

Như chúng ta đã rõ, ngay từ khi có bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm SARS-Cov-2, Đảng ta đã ra chỉ thị về việc tổ chức phòng, chống dịch. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện. Trong hơn một năm qua, dù trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19 với cường độ tăng mạnh nhưng Việt Nam vẫn đứng vững, không chỉ khống chế, kiểm soát được dịch mà Việt Nam còn tăng tốc phát triển kinh tế. Kết quả này đã được bạn bè thế giới, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Truyền thông quốc tế xem Việt Nam là “ngôi sao” sáng trong phòng, chống dịch COVID-19 rất đáng học tập.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19.

Còn nhớ, tại Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu đã bàn thảo và thống nhất quyết định: "Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng...", coi đây là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện ngay sau đại hội. Với quyết định đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm có chủ trương tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho toàn dân.

Bởi tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Song theo tính toán của các chuyên gia, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, “sống chung với dịch bệnh” trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vaccine lại không kéo dài, việc tiêm vaccine phải tiến hành định kỳ.

Để thực hiện chủ trương trên, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn. Trong khi nguồn lực của Chính phủ và Nhà nước còn hạn hẹp, thì việc huy động nguồn lực của toàn dân là không có gì đáng phàn nàn, bởi nó phù hợp với truyền thống lịch sử, đạo lý văn hóa của người Việt.

Lịch sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam hàng nghìn năm gắn liền với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và phòng, chống thiên tai, trị thủy.

Từ trong gian khó, tinh thần “nhường cơm xẻ ảo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người Việt đã trở thành truyền thống và đạo lý sáng ngời.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân Việt Nam đồng lòng, tự nguyện đóng góp trong "tuần lễ vàng", “hũ gạo kháng chiến”...

Trong thời bình, nhất là khi bị thiên tai, lũ lụt thì tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” được nhân lên gấp bội. Hằng năm, rất nhiều loại quỹ được mọi tầng lớp nhân dân thiết lập, đóng góp, ủng hộ.

Ngay ở vùng sâu, vùng xa, tuy đời sống còn thiếu thốn, dù trong điều kiện không có dịch bệnh, thiên tai, bão lũ song nhiều người vẫn bớt lại gạo hoặc tiền mua khẩu phần ăn hằng ngày để thiết lập “hũ gạo tình thương”, tặng những gia đình khốn khó.

Tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn lời Bác Hồ căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.

Thế nên không hề lạ lẫm khi Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 được nhân dân tin tưởng, ủng hộ nhiệt tình đến vậy.

Người Việt Nam thường có câu “nói phải củ cải cũng nghe” khi trách ai đó bảo thủ, cố chấp và hay cãi thậm chí là phản biện thiếu luận chứng, luận cứ, luận điểm khoa học. Đó là câu trách đầy văn hóa và đáng yêu.

Ở đây, dù Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ ra đời là đúng đắn, kịp thời; là giải pháp căn cơ để thực hiện chủ trương lớn chăm lo, bảo vệ dân nhưng vẫn bị nhiều thế lực xuyên tạc bằng nhiều cách thức. Điều đó chẳng khác nào, nói phải, làm phải những “củ cải” chẳng thèm nghe!