Sự sụp đổ của SVB gây tác động lây lan tới thị trường nợ mạo hiểm (Ảnh: TechCabal) |
Lời cảnh báo thành sự thật
“Nhiều người chơi đến rồi đi trong thị trường vốn mạo hiểm, bởi vậy hãy đảm bảo rằng bất cứ ai mà các bạn nói chuyện cùng đều là những đối tác dài hạn. Khi đến một ngày, một ngân hàng quyết định rằng họ không còn hứng thú với cho vay mạo hiểm nữa, điều đó sẽ khiến doanh nghiệp của các bạn sụp đổ”, Phó Chủ tịch của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - SVB) Armando Argueta viết trong một bài đăng trên website của nhà băng này.
Đó như lời cảnh báo sớm tới các nhà sáng lập startup đang muốn vay vốn từ những ngân hàng kém danh tiếng. Sau khi SVB sụp đổ, nhiều startup đã nhận ra rằng những lời nói đó trần trụi đến mức nào, theo Financial Times.
SVB từng là một ngân hàng đi tiên phong và là trụ cột của thị trường nợ mạo hiểm giúp cho các startup có nguồn vốn thay thế mà không cần phải hy sinh cơ cấu sở hữu của mình hay chịu định giá thấp hơn.
Trên khắp nước Mỹ, SVB chịu trách nhiệm khoảng 1/10 tất cả các khoản nợ mạo hiểm được phát hành trong năm, tính đến thời điểm hiện tại. Tại 'cứ điểm' California, ngân hàng này chiếm tới hơn 60% tất cả các thoả thuận rót vốn trong năm nay, theo dữ liệu từ Preqin.
Theo Financital Times, các nhà sáng lập startup và nhà đầu tư lo ngại rằng sự sụp đổ của ngân hàng được ưa chuộng trong giới công nghệ sẽ gây tác động lây lan và dẫn tới sự sụp đổ của nhiều công ty trong môi trường huy động vốn đầy khó khăn.
Sự sụp đổ của SVB "sẽ gây ra tác động huỷ diệt đối với hệ sinh thái,” Alessandro Chesser, giám đốc điều hành startup Dynasty, nói. “Những công ty lớn dựa vào nợ mạo hiểm đang gặp rắc rối ngay lúc này. Trừ khi mọi thứ đảo chiều nhanh chóng, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều startup có giá trị cao ngừng hoạt động.”
Nợ mạo hiểm thường được cung cấp cho những công ty đã huy động vốn ở vòng thứ 2 hoặc thứ 3, và trước đó nhận được sự hậu thuẫn của các bên đầu tư mạo hiểm giúp củng cố niềm tin của các bên cho vay.
Các công ty công nghệ tư nhân hiện nay có xu hướng dựa dẫm nhiều hơn vào các khoản nợ mạo hiểm này nếu so với trước đây, nguyên nhân là do lãi suất tăng cao làm giảm lượng vốn huy động từ bán cổ phần của các startup.
Một báo cáo được hãng tư vấn và đầu tư công nghệ GP Bullhound công bố trong tuần này chỉ ra rằng phát hành nợ mạo hiểm cho các công ty công nghệ châu Âu trong năm 2022 đã tăng lên 30,5 tỉ euro so với năm 2021.
Nợ mạo hiểm chiếm khoảng 30% tổng vốn mạo hiểm được huy động trong lĩnh vực công nghệ ở châu Âu trong năm 2022, theo dữ liệu của Dealroom, trong khi con số này chỉ là 16% trong 6 năm trước. Các công ty cleantech và fintech nằm trong số những bên vay mượn lớn nhất.
Olya Klueppel, người đứng đầu phòng tín dụng tại GP Bullhound, nói rằng mức tăng này phản ánh làn sóng những nhà đầu tư vốn cổ phần rút khỏi lĩnh vực công nghệ, trong khi các công ty săn lùng những hợp đồng sáp nhập tìm cách hưởng lợi từ các startup bị định giá thấp hơn.
“Những điều khoản giờ thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho bên cho vay” bà nói.
SVB đi đầu trong hoạt động cho vay đối với các startup ở khu vực Bờ Tây nước Mỹ (Ảnh: FT) |
Thị trường nợ mạo hiểm thu hẹp
Ở Mỹ, trong năm ngoái thị trường nợ mạo hiểm cung cấp “phao cứu sinh” cho nhiều công ty khi mà nguồn vốn mạo hiểm sẵn có bị thu hẹp. Tổng lượng nợ mạo hiểm trong năm 2022 là 32 tỉ USD, ngay cả khi vốn mạo hiểm giảm mạnh từ 345 tỉ USD trong năm 2021 xuống còn 238 tỉ USD, theo dữ liệu từ PitchBook.
Thị trường nợ mạo hiểm cũng là cách để những startup như Veracity Selfcare mua thêm chút ít thời gian hoặc tiết kiệm tiền trong những thời khắc khó khăn.
“Chúng tôi tiếp nhận nợ mạo hiểm như một lựa chọn phụ, và chúng tôi muốn duy trì điều đó bởi môi trường hiện nay rất bất trắc. Đảm bảo được thứ gì thì hay thứ đó,” Allie Egan, nhà sáng lập Veracity Selfcare, nói.
Sau khi SVB chịu sự tiếp quản của các cơ quan liên bang và hiện đang được đem bán, nhiều nhà sáng lập startup lo ngại rằng khả năng tiếp cận nợ mạo hiểm của họ sẽ không còn và những khoản nợ hiện hữu cũng có thể chịu sức ép lớn hơn.
“Chắc chắn nợ mạo hiểm sẵn có sẽ không được như trước nữa. Các bạn có thể tìm đến những ngân hàng mới như Mercury, nhưng điều khoản cho vay lại tồi tệ hơn và chưa chắc đã an toàn hơn,” Egan nói. “Đáng buồn là môi trường đã thay đổi đáng kể, rất khó để có thể đổi mới.”
SVB nổi tiếng trong giới startup là nhờ vào mối quan hệ gần gũi giữa họ với những nhà đầu tư vốn mạo hiểm, và cũng thể hiện được sức cạnh tranh mạnh mẽ xét về chi phí, theo bà Klueppel. “Nhiều công ty công nghệ tìm đến SVB cũng là nó cung cấp một cơ sở giống ngân hàng, nơi mà họ có thể rút tiền trong khoảng thời gian rất dài,” bà nói.
Giờ những startup từng dàn xếp với sVB về cơ sở đó bắt đầu lo lắng. “Nhiều công ty lo ngại về điều sẽ xảy ra trong vài tháng tới, liệu những cơ sở đó có tiếp tục hoạt động hay không. Nhiều công ty đang tìm cách đa dạng hoá,” bà Klueppel nói.
Sự lo lắng này hiện hữu ở cả nước Anh, nơi mà chi nhánh SVB UK đã được bán cho HSBC, và ở Mỹ, nơi mà quy trình bán đang diễn ra.
Dù có kiếm được bên mua, SVB cũng khó có thể hoạt động như trước (Ảnh: DigFin) |
Startup mất đi một chỗ dựa
Đối với SVB – ngân hàng chuyên hỗ trợ các startup và những bên đầu tư mạo hiểm đứng đằng sau các startup – cho các nhà sáng lập startup vay vốn với mức lãi suất khá thấp là một hoạt động kinh doanh thiết yếu – bởi khoản vay thường đi kèm điều kiện là các công ty phải gửi tiền tại ngân hàng này. Để đổi lấy khoản nợ mạo hiểm với lãi suất được coi là “hào phóng” nếu so với các đối thủ, SVB thường nhận những chứng quyền có thể chuyển đổi sang cổ phiếu một khi công ty rút lui, và hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi với cả startup lẫn bên đầu tư mạo hiểm của startup đó.
Những cũng chính vì những mối quan hệ này mà giờ không ai biết được khoản nợ mạo hiểm 6,7 tỉ USD mà SVB tung ra giờ còn bao nhiêu giá trị. Phần lớn khoản vay này được đổ tới những startup “có dòng tiền khiêm tốn hoặc âm, và không có ghi chép về hoạt động mang lại lợi nhuận,” theo báo cáo thường niên của công ty.
SVB cung cấp những khoản vay cho các công ty được nhà đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn và kỳ vọng rằng khoản vay của họ sẽ được trả lại khi những công ty này huy động được nguồn vốn mới hoặc được niêm yết. Nhưng trên thị trường hiện tại, cả hai trường hợp trên đều không được bảo đảm.
Sổ sách cho vay của SVB vẫn chưa tìm được người mua mặc dù FDIC đã mở rộng cuộc bán đấu giá và cả danh sách những bên tham gia. Kể cả khi có bên mua, rất ít khách hàng của SVB ở mỹ hay ở châu Âu dám kỳ vọng rằng hoạt động của ngân hàng này sẽ suôn sẻ như trước kia.
Thiếu đi nguồn cung cấp nợ mạo hiểm, ngày càng có thêm nhiều công ty phải dựa dẫm hoàn toàn vào bên đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn họ, theo Maelle Gavet, giám đốc điều hành của Techstars, một trong số những hãng đầu tư lớn nhất thế giới trong giai đoạn đầu của startup, nói.
SVB phá sản cảnh báo sớm về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ?
Cú sập của Credit Suisse, SVB và 'lỗ hổng' trong hệ thống tài chính toàn cầu
Giới đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á lo thiếu vốn sau cú sập SVB
Theo Financial Times