Cú sập của Credit Suisse, SVB và 'lỗ hổng' trong hệ thống tài chính toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Credit Suisse đã phải đối mặt với những rắc rối tài chính trong nhiều năm và sự việc được đẩy lên sau cú sập của SVB và Signature Bank.

Sự sụp đổ của SVB đã làm tăng mối lo ngại đối vói Credit Suisse vốn đã gặp khó khăn trong thời gian dài (Ảnh: CNN)
Sự sụp đổ của SVB đã làm tăng mối lo ngại đối vói Credit Suisse vốn đã gặp khó khăn trong thời gian dài (Ảnh: CNN)

“Những sự kiện như SVB và Credit Suisse cho thấy có rất nhiều lỗ hổng với quy mô, mức độ và vị trí khác nhau trong hệ thống tài chính ở Mỹ và trên phạm vi toàn cầu", ông Dennis M. Kelleher - Giám đốc điều hành của Better Markets - nói với CNN.

“Những sự kiện xảy ra liên tiếp này một lần nữa cho thấy quy định và giám sát của các tổ chức tài chính lớn nhất ở Mỹ, và trên thực tế là trên toàn cầu, tiếp tục là không đủ, phần lớn là do hoạt động vận động hành lang thành công của ngành tài chính", vị này chia sẻ.

Thật khó để nói quá mức độ nghiêm trọng của tin đồn bên bờ vực phá sản của Credit Suisse – ngân hàng khổng lồ 167 tuổi lớn thứ nhì châu Âu với tài sản trị giá nửa nghìn tỷ USD và hơn 50.000 nhân viên trên khắp thế giới.

Credit Suisse được thành lập vào năm 1856, là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới và được phân loại là “ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống toàn cầu”, cùng với chỉ 30 ngân hàng khác, bao gồm JP Morgan Chase, Bank of America và Bank of China.

Trong khi đó, sự sụp đổ vào tuần trước của Silicon Valley Bank (SVB) and Signature, hai ngân hàng nhỏ hơn nhiều so với quy mô của Credit Suisse, vốn đã làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Capital Economics, viết: Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn nhất ở châu Âu, “có mối liên kết với nhiều ngân hàng nhỏ khác hơn bên ngoài Thuỵ Sĩ bao gồm cả Mỹ - với mức độ quan hệ ở phạm vi toàn cầu. Credit Suisse không chỉ là vấn đề của Thuỵ Sĩ mà còn là vấn đề toàn cầu.”

Credit Suisse được biết đến như một “ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống toàn cầu” (hay “G-SIB”). Khi một trong những ngân hàng lớn đó gặp rắc rối, mọi người bắt đầu tự hỏi điều gì đang xảy ra với hệ thống và suy đoán xem ngân hàng kế tiếp nào sẽ sụp đổ.

Về cá nhân Credit Suisse và SVB vốn dĩ không có bất kì sự kết nối nào về mặt kĩ thuật. Tuy nhiên “tâm lý đám đông” là một thứ quyền lực rất lớn trong thế giới chuyển động nhanh của thị trường tài chính.

Credit Suisse đang phải đối mặt với những vấn đề không liên quan đã âm ỉ trong nhiều năm và chỉ tình cờ leo thang đúng lúc SVB và Signature phải nhờ chính quyền Mỹ giải cứu.

Và tất cả khiến cho thế giới đặt ra câu hỏi về sức khoẻ của hệ thống tài chính ở cả hai bờ Đại tây dương.

Sự sụp đổ của SVB không phải là lý do khiến Credit Suisse gặp biến cố, tuy nhiên nó góp phần làm cho ngân hàng Thụy Sĩ bị giám sát chặt chẽ hơn và cũng có thể đã đẩy mạnh đợt bán tháo khiến Credit Suisse nằm bên bờ vực phá sản.

Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với các yếu tố môi trường kinh tế vĩ mô tương tự. Sau nhiều năm lãi suất cực thấp (và trong trường hợp của Châu Âu, thậm chí là âm), lợi suất trái phiếu chính phủ bao gồm cả Kho bạc đã tăng vọt, làm xói mòn giá trị tài sản cơ bản của các ngân hàng.

Sẽ còn trường hợp tương tự SVB và Credit Suisse?

Cổ phiếu của đã Credit Suisse giảm 24% trong phiên giao dịch hôm 15/3 và chi phí mua bảo hiểm trước rủi ro vỡ nợ (CDS) của Credit Suisse đạt mức cao kỷ lục mới, theo S&P Global Market Intelligence.

Sự sụp đổ đã lan sang các cổ phiếu ngân hàng châu Âu khác, với các ngân hàng Pháp và Đức như BNP Paribas, Societe Generale, Commerzbank và Deutsche Bank giảm từ 8% đến 12%. Các ngân hàng Ý và Anh cũng sụt giảm.

Từng là một Ngân hàng có vị thế lớn ở Phố Wall, Credit Suisse đã vướng phải một loạt sai lầm trong vài năm qua. Điều này đã làm tổn hại danh tiếng của ngân hàng này với khách hàng và nhà đầu tư, đồng thời khiến một số giám đốc điều hành hàng đầu mất việc.

Khách hàng đã rút 123 tỷ franc Thụy Sĩ (133 tỷ USD) từ Credit Suisse vào năm ngoái - chủ yếu là trong quý IV - và ngân hàng đã báo cáo khoản lỗ ròng hàng năm gần 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD), mức lỗ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Vào tháng 10, ngân hàng này đã bắt tay vào một kế hoạch tái cơ cấu “triệt để” bao gồm cắt giảm 9.000 việc làm toàn thời gian, tách khỏi ngân hàng đầu tư và tập trung vào quản lý tài sản.

Johann Scholtz, một nhà phân tích ngân hàng châu Âu tại Morningstar, cho biết Credit Suisse có thể không còn đủ vốn để bù lỗ vào năm 2023 vì chi phí huy động vốn đang trở nên quá cao.

Để cứu vãn, hôm 16/3, Credit Suisse vừa ra thông báo sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,68 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ dưới dạng công cụ cho vay có bảo đảm và công cụ thanh khoản ngắn hạn, theo Bloomberg.

Bên cạnh khoản vay từ ngân hàng trung ương, Credit Suisse cũng cho biết họ đã mua lại hàng tỷ USD nợ của chính mình để quản lý các khoản nợ và chi phí trả lãi, bao gồm 2,5 tỷ USD trái phiếu đô la Mỹ và 500 triệu euro (529 triệu USD) trái phiếu euro.

Nguồn tham khảo: CNN, Bloomberg