Sáu quốc gia thành viên bị Liên Hợp Quốc tước quyền bỏ phiếu vì...không đóng hội phí

VietTimes -- Cuối năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã gặp phải cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 10 năm gần đây và bây giờ đã đến lúc Liên Hợp Quốc yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp hội phí hàng năm còn thiếu, nếu không sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng tổ chức quốc tế quan trọng này.
Sáu quốc gia Yemen, Venezuela, Cộng hòa Trung Phi, Gambia, Lesotho và Tonga sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQc năm nay vì thiếu nợ hội phí (Ảnh: UN)
Sáu quốc gia Yemen, Venezuela, Cộng hòa Trung Phi, Gambia, Lesotho và Tonga sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQc năm nay vì thiếu nợ hội phí (Ảnh: UN)

Thứ Sáu tuần trước (10/1), sau khi Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng các quốc gia nợ tiền đóng góp đã bị tước mất quyền bỏ phiếu, Lebanon đã ngay lập tức nộp bổ sung khoản tiền còn thiếu để khôi phục quyền biểu quyết trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nhưng cho đến ngày 13/1, Liên Hợp Quốc cho biết 6 quốc gia vẫn chưa nộp các khoản đóng góp năm 2019 của họ và sẽ mất quyền bỏ phiếu, là Yemen, Venezuela, Cộng hòa Trung Phi, Gambia, Lesotho và Tonga.

Đáng chú ý là Lebanon đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Venezuela đang phải đối mặt với siêu lạm phát, nhưng Ngoại trưởng nước này đã lên án các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã chặn “các kênh tài chính” của nước này để thực hiện cam kết. Yemen trong những năm gần đây cũng đã bị tàn phá bởi chiến tranh; Liên Hợp Quốc cũng đã dự đoán Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới nếu chiến tranh tiếp diễn. Nền kinh tế của các quốc gia chưa đóng góp hội phí như Trung Phi và Lesotho cũng đang bị suy thoái...

Lebanon đã xoay xở được tiến trả nợ hội phí để thoát khỏi bị trừng phạt (Ảnh: Reuters)
Lebanon đã xoay xở được tiến trả nợ hội phí để thoát khỏi bị trừng phạt (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, ngay từ đầu năm mới, Armenia, Bồ Đào Nha, Ukraine và Ấn Độ đều đã nộp đủ những khoản đóng góp của họ được phân bổ theo dự toán của Liên Hợp Quốc năm 2020.

 Hôm thứ Hai (ngày 13/1), Liên Hợp Quốc đã ra thông cáo báo chí nói, tính đến cuối năm 2019, chỉ có 146 trong số 193 quốc gia thành viên đã đóng góp đầy đủ hội phí. Tính đến ngày 9/1, vẫn còn 10 quốc gia thành viên còn thiếu hội phí nên đã mất quyền bầu cử; đó là Cộng hòa Trung Phi, Comoros, Gambia, Lesotho, Sao Tome và Principe, Somalia, Tonga, Venezuela, Yemen và Lebanon.

Điều 19 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rằng nếu một quốc gia thành viên nợ Liên Hợp Quốc một khoản tiền bằng hoặc nhiều hơn số tiền phải nộp trong hai năm trước đó, thì sẽ mất quyền bỏ phiếu trong Đại hội đồng. Theo các quy định trên, chỉ có quyền biểu quyết của Comoros, Sao Tome và Principe và Somalia còn được duy trì cho đến khi kết thúc phiên họp thứ 74 vào tháng 9 năm sau.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của LHQ (Ảnh: UN)
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của LHQ (Ảnh: UN)

Tuy nhiên, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc trưa ngày 13/1 nói rằng Lebanon vừa mới thanh toán khoản nợ hội phí vào buổi sáng cùng ngày; do đó, quyền bỏ phiếu của Lebanon đã được khôi phục. Ngoài ra, ông Dujarric cũng tuyên bố rằng Armenia, Bồ Đào Nha, Ukraine và Ấn Độ đã thanh toán đầy đủ các khoản đóng góp của họ cho ngân sách thường xuyên của Liên Hợp Quốc năm 2020.

Theo Reuters, vào ngày 13/1, ông Dujarric tuyên bố: “Trong vài tuần qua, Ban thư ký đã liên lạc với Phái đoàn thường trực của Lebanon tại Liên Hợp Quốc để hỗ trợ ... Họ đã trả hết số tiền cần thiết. Chúng tôi nhận thấy Lebanon gần đây đã xảy ra một số vụ việc gây ra một số thách thức đối với hệ thống ngân hàng (của nước này) và do đó (đôi khi) có sự chậm trễ trong một số khoản tài chính”. Nhưng không rõ tổng số tiền mà Lebanon nợ là bao nhiêu.

Ngay từ thứ Sáu (10/1), ông Dujarric đã công bố 7 quốc gia sẽ mất quyền bỏ phiếu. Bộ Ngoại giao Lebanon ngày 11đã ra một tuyên bố, nói rằng quyết định của Liên Hợp Quốc có thể “làm tổn hại lợi ích, danh dự và uy tín của Lebanon” và kêu gọi sớm tìm ra một giải pháp. Bộ Tài chính Lebanon sau đó nói rằng khoản nợ của nước này sẽ được trả trước ngày 13/1.

Ngoại trưởng Jorge Arreaza: lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ chủ đạo đã chặn “các kênh tài chính” của Venezuela khiến nước này không thể thực hiện các cam kết (Ảnh: albertonews)
Ngoại trưởng Jorge Arreaza: lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ chủ đạo đã chặn “các kênh tài chính” của Venezuela khiến nước này không thể thực hiện các cam kết (Ảnh: albertonews)

Điều đáng chú ý là Reuters đưa tin rằng Lebanon đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc nội chiến từ năm 1975 đến năm 1990. Do thiếu USD, đồng Bảng của Lebanon đã mất giá mạnh. Đồng thời, ngân hàng đang kiểm soát chặt chẽ dòng chảy tiền mặt và ngăn chặn chuyển vốn ra nước ngoài. Kể từ khi Thủ tướng Lebanon Sadr Hariri tuyên bố từ chức vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Lebanon đã hoạt động không ổn định. Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Lebanon Jan Kubis đã phê phán tình hình này, nói rằng họ “ngày càng thiếu trách nhiệm”.

Venezuela, một thành viên khác đang bị truy thu, cũng đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Kể từ năm 2013 đến nay, tổn thất GDP tích lũy của Venezuela đã lên tới 62,2%.

 Cuối năm ngoái Liên Hợp Quốc đã ra thông cáo báo chí nói rằng kể từ năm 2015, Venezuela đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế và đã ngày càng đi xa hơn trên con đường này. Năm 2019, ở nước này xảy ra hơn 16.000 cuộc biểu tình, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng, tiền tệ mất giá mạnh, người dân không đủ tiền mua thực phẩm cơ bản và khoảng 4,7 triệu người chạy trốn ra nước ngoài.

Venezuelan Analysis ngày 13/1 đưa tin, Venezuela được yêu cầu mỗi năm phải nộp 21,8 triệu USD cho Liên Hợp Quốc, nhưng nước này đã không đưa ra bất kỳ khoản thanh toán nào kể từ năm 2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, ông Jorge Arreaza, đã chĩa mũi giáo vào các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ chủ đạo, nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã chặn “các kênh tài chính” của Venezuela để thực hiện các cam kết.

Nội chiến liên miên tàn phá khiến Yemen có thể trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới (Ảnh: AFP)
Nội chiến liên miên tàn phá khiến Yemen có thể trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới (Ảnh: AFP)

Trong những năm gần đây, Yemen cũng đã bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột vũ trang và tỷ lệ người nghèo ở nước này đã tăng từ 47% vào năm 2014 lên 75% vào cuối năm 2019.

 Vào tháng 10 năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã viết trong một báo cáo rằng “Nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến năm 2022, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo nhất thế giới. 79% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ và 65% dân số là cực kỳ nghèo khó”.

Ngoài ra, năm ngoái, cuộc khủng hoảng tài trợ của Liên Hợp Quốc tiếp tục nhận được sự chú ý. Tổng thư ký LHQ António Guterres nói rằng do một số quốc gia thành viên không thực hiện các khoản đóng góp, LHQ đã phải chịu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Trong số đó, Mỹ nợ khoản đóng góp lớn nhất lên tới 1,055 tỷ USD, bao gồm 674 triệu USD thiếu trong năm 2019 và 381 triệu đô la Mỹ bị truy thu cho những năm trước. Người phát ngôn của Ban thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, mặc dù Mỹ đã nộp 563 triệu USD vào tháng 11 năm ngoái, nhưng đó chỉ là một nửa số tiền họ còn nợ.