Nikki Haley sinh ra ở Ấn Độ là đại sứ đầu tiên của chính quyền Donald Trump tại Liên Hợp Quốc. Bà mô tả trong cuốn sách mới “With All Due Respect” (Với tất cả sự tôn trọng) ông Rex Tillerson là người “khiến người khác mệt mỏi kiệt sức” và kiêu ngạo, còn John Kelly thì luôn nghi ngờ bà tiếp xúc riêng với ông Trump.
Giống như nhiều cuốn hồi ký đã hoặc sắp được xuất bản, cuốn sách mới của Nikki Haley một lần nữa cho thấy sự rối loạn và tranh chấp bên trong Nhà Trắng.
Cuốn hồi ký của bà Nikki Haley chưa phát hành đã gây chấn động dư luận
|
Không phải là “không tuân theo”?
Theo Associated Press, cuốn hồi ký của bà Nikki Haley mà họ có được vào ngày 10/11 cho thấy hai quan chức là John Kelly, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng và cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson đã tìm cách vận động bà Nikki Haley chống ông Trump. N. Haley kể lại, bà đã “đóng cửa nói chuyện” với hai người trong hơn một giờ đồng hồ. Trong suốt thời gian đó, bà cảm thấy “sốc” và thẳng thừng từ chối yêu cầu của hai người về việc liên kết để chống lại Tổng thống.
“Kelly và Tillerson tiết lộ với tôi rằng, họ đối đầu với Tổng thống, không phải là không vâng lời, mà chỉ là cố gắng để cứu vớt đất nước này. Họ nói rằng quyết sách của họ chứ không phải của Tổng thống mới phù hợp với lợi ích của nước Mỹ nhất”.
Nhưng theo quan điểm của bà Nikki Haley, hai người “nên trực tiếp nói với Tổng thống về sự bất đồng”, thay vì “kéo tôi vào nhóm”; nếu họ không thích những gì Tổng thống làm, họ có thể từ chức. Bà cho rằng, rõ ràng, phá hoại ngầm trong bóng tối “rất nguy hiểm, vi phạm Hiến pháp và đi ngược ý nguyện của người dân Mỹ”.
Bà Nikki Haley trên cương vị Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc.
|
Theo AFP, bà Nikki Haley đã từ chức Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc vào cuối năm ngoái và “tạm biệt một cách thân thiện” với ông Trump. Mấy tuần sau đó John Kelly cũng đã rời khỏi chức vụ, khi đó ông gần như không thể nói chuyện được với ông Trump; còn Rex Tillerson thì bị ông Trump sa thải thông qua mạng xã hội “Twitter” vào tháng 3 cùng năm.
Ông Tillerson đã không đáp lại những gì viết về ông trong cuốn sách mới của Nikki Haley. Còn John Kelly thì biện bạch rằng ông chỉ đưa ra cho ông Trump những lời khuyên “tốt nhất, cởi mở nhất, hợp với pháp luật và đạo đức”, “để ông ấy đưa ra quyết định sáng suốt “, chứ “không phải chống lại Tổng thống”.
Không cần phải có việc luận tội
The Washington Post cũng có được trước cuốn sách mới của bà Nikki Haley. Theo The Washington Post, bà Nikki Haley năm nay 47 tuổi, cựu thống đốc bang Nam Carolina, luôn được coi là ứng cử viên tiềm năng cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa. Bà đã nhiều lần tìm cách khắc phục sự khác biệt về quan điểm chính trị của ông Trump, đồng thời giữ khoảng cách với lĩnh vực mà bà đã nhận định là Tổng thống đã “vượt quá giới hạn”.
Tổng thống Donald Trump và bà Nikki Haley thống nhất nhau trong nhiều chính sách đối ngoại lớn.
|
Nikki Haley tiết lộ trong cuốn sách, bà tán thành phần lớn các chính sách đối ngoại đã gây ra tranh cãi và bị nhiều người tìm cách ngăn cản hoặc gây chậm trễ của ông Trump, trong đó có việc rút khỏi Hiệp định toàn diện về vấn đề hạt nhân với Iran và “Hiệp ước Paris” (về vấn đề khí hậu), cũng như việc di dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem.
Đồng thời, bà đã bày tỏ lo ngại riêng với Donald Trump về việc ông gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan năm 2018. Bà cũng phản đối phản ứng ban đầu của ông Trump không mạnh mẽ lên án cuộc bạo loạn đẫm máu của những kẻ theo chủ nghĩa “người Da Trắng thượng đẳng” ở thành phố Charlottesville, bang Virginia hồi năm 2017.
Khi nhận lời trả lời phỏng vấn của The Washington Post tại New York, bà Nikki Haley đã nói về cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Trump của đảng Dân chủ đang diễn ra. Bà cho rằng ông Donald Trump tìm kiếm sự hỗ trợ điều tra chính trị của thế lực nước ngoài khi gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là thực sự không phù hợp, nhưng không đủ để cấu thành việc luận tội và phế truất ông.
Bà nói: “Ông Trump (khi gọi điện thoại) không đòi hỏi mạnh mẽ phải thực hiện những gì. Vì vậy, tôi rất khó hiểu, toàn bộ cuộc điều tra luận tội đến từ đâu, bởi vì những điều mà mọi người cố gắng chống lại đều cơ bản không hề xảy ra”. Nikki Haley nhấn mạnh rằng khoản “trao đổi tương đương” gần 400 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã được chuyển tới tay, nhưng người Ukraine “không hề tiến hành cuộc điều tra” theo yêu cầu của ông Trump như cáo buộc.
“Sự không hợp ý giữa Nikki Haley với Donald Trump chỉ là trao đổi riêng chứ bà không bao giờ công khai bày tỏ ý kiến phản đối (ông Trump)” – The Washington Post viết.
Bà Nikki Haley được coi là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
|
Tái xác nhận “Nhà Trắng hỗn loạn”
Cuốn hồi ký của Nikki Haley mang tên “With All Due Respect” (Với tất cả sự tôn trọng), nhằm đáp lại lời cáo buộc bà “có thể tạm thời làm nhầm lẫn quyết sách của chính phủ Donald Trump” của giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow. Bà muốn khẳng định: “Với tất cả sự tôn trọng, tôi chưa bao giờ hồ đồ!”.
Trong cuốn sách của mình, Nikki Haley đã kể lại chi tiết về sự việc. Theo bà, hồi tháng 4 năm ngoái, theo yêu cầu của Nhà Trắng bà tuyên bố trên truyền hình rằng chính phủ Mỹ đã xác nhận Nga là đồng phạm trong vụ tấn công vũ khí hóa học của Syria và chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Vào thời điểm đó, đó là thông tin mới nhất có được và ông Trump lẽ ra phải nhanh chóng tuyên bố các biện pháp trừng phạt trừng phạt đối với Nga.
Ông Trump sau đó đã thay đổi, nhưng không ai thông báo cho bà. Các quan chức Nhà Trắng do John Kelly đứng đầu dự định để Nikki Haley “một mình gánh tội”, từ chối ra tuyên bố đính chính cho bà. Lời lẽ của ông Kudlow đã khiến Nikki Haley tức giận, vì vậy bà đã bỏ qua sự ngăn cản của các trợ lý và sử dụng phương tiện truyền thông để đập lại Kudlow.
Các phương tiện truyền thông khi đó đưa tin nói, vụ việc này khiến mâu thuẫn nội bộ của chính phủ Trump hiếm hoi bộc lộ trước công chúng. Theo The Guardian của Anh, cuốn sách mới của Nikki Haley một lần nữa miêu tả một Nhà Trắng “chức năng chồng chéo, tranh chấp và hỗn loạn”. Bob Woodward, một nhà báo liên quan đến vụ Watergate và Michael Wolf, tác giả của cuốn “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (Lửa và giận dữ: Bên trong Nhà Trắng của Trump), đều đã miêu tả những tình hình tương tự.
Còn một cuốn sách mới khác, dự kiến ra mắt vào ngày 19/11, cũng lật tẩy nhưng “thứ đen tối” của Nhà Trắng. Tác giả sách là một quan chức chính phủ giấu tên, năm ngoái từng công bố trong bài đăng ở chuyên mục trên The New York Times, cho biết các quan chức Nhà Trắng từng dự định dùng hành vi cực đoan từ chức tập thể để gây nên sự chú ý của thế giới bên ngoài về hành vi của ông Donald Trump.
Theo Haiwai