Sau dịch, người Hồ Bắc bị kì thị, Tòa án tối cao Trung Quốc phải lên tiếng

VietTimes -- Mặc dù tình hình ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc đã dần trở lại bình thường, nhưng dân Hồ Bắc đã bị phân biệt đối xử vì nơi họ sinh ra. Tòa án Tối cao Trung Quốc ngày 23/4 đã phải họp bàn giải quyết vấn đề này.
11 triệu người quê tỉnh Hồ Bắc phải đi làm ăn ở tỉnh khác nhưng lại hứng chịu sự kì thị vì họ sinh ra ở nơi bùng phát dịch bệnh (Ảnh:Reuters).
11 triệu người quê tỉnh Hồ Bắc phải đi làm ăn ở tỉnh khác nhưng lại hứng chịu sự kì thị vì họ sinh ra ở nơi bùng phát dịch bệnh (Ảnh:Reuters).

Theo Đa Chiều ngày 24/4 dẫn tin truyền thông Trung Quốc, Tòa án tối cao Trung Quốc ngày 23/4 đã họp đảng ủy bàn chuyên đề yêu cầu nghiêm trị các loại tội phạm ảnh hưởng đến việc chống dịch bệnh COVID-19 và giữ ổn định xã hội; đồng thời nghiêm cấm kỳ thị người lao động quê tỉnh Hồ Bắc.

Cuộc họp nhấn mạnh rằng tất cả các loại vụ án liên quan đến dịch bệnh cần được xét xử đúng theo luật pháp để bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân, khôi phục hoàn toàn trật tự kinh tế và xã hội; nghiêm cấm kỳ thị lao động quê tỉnh Hồ Bắc, kiên quyết uốn nắn điều chỉnh hành vi kì thị sai trái của một số công ty, xí nghiệp từ chối không nhận hoặc vô cớ sa thải lao động quê tỉnh Hồ Bắc, thiết thực bảo vệ quyền có việc làm công bằng cho họ.

Cuộc họp cũng kêu gọi củng cố và mở rộng liên tục các thành tựu của việc tăng tốc và đa dạng hóa toàn diện xây dựng tòa án thông minh trong tình hình dịch bệnh, mở rộng thành quả; hướng dẫn và khuyến khích tố tụng trực tuyến theo pháp luật và có trật tự; sắp xếp hợp lý các phiên tòa và các hoạt động khác trong điều kiện phòng chống dịch bệnh.

Nhiều người lao động quê tỉnh Hồ Bắc khi ra ngoài làm ăn bị từ chối và khuyến cáo quay về quê (Ảnh: Toutiao).
Nhiều người lao động quê tỉnh Hồ Bắc khi ra ngoài làm ăn bị từ chối và khuyến cáo quay về quê (Ảnh: Toutiao).

Tỉnh Hồ Bắc đã được bỏ phong tỏa vào ngày 8/4, nhưng có tin nhiều tỉnh vẫn ngăn người quê Hồ Bắc nhập cảnh. Một số lượng lớn công nhân từ tỉnh Hồ Bắc đến tỉnh Quý Châu đã được yêu cầu tự cách ly bằng chi phí cá nhân.

Báo chí Trung Quốc đưa tin, hiện tại có rất nhiều người từ Hồ Bắc đang cố gắng trở lại Quý Dương để tiếp tục công việc; nhưng khi người Quý Dương mới nhìn thấy Giấy chứng minh số đầu 42 (tỉnh Hồ Bắc) liền xua đuổi

Sau khi đến Quý Dương, vợ chồng Lý Loan Anh ở Hồ Bắc không thể đạt được thỏa thuận với chính quyền địa phương về việc cách ly, như có thể được cách ly ở nhà hay không, ai sẽ trả chi phí cách ly... Cả hai đã bị sắp xếp cách ly bằng chi phí tự trả tại khách sạn và được xét nghiệm axit nucleic dù họ có mã QR xanh (an toàn) của tỉnh Hồ Bắc; sau khi kiểm tra cho kết quả âm tính việc cách ly mới được bãi bỏ.

Một công dân tên Tề Thành đã phản ánh, khi anh ta lái xe đến Quý Dương vào ngày 22/3, anh đã được yêu cầu đo nhiệt độ, xuất trình mã QR sức khỏe và giấy chứng nhận tiếp tục làm việc. Khi đến trạm thu phí trên đường cao tốc, anh ta lại được yêu cầu lấy nhiệt độ, sau đó được đưa vào một khách sạn để cách ly. Sau khi nhận được sàng lọc virus và chụp cắt lớp vi tính, chỉ sau khi có kết quả âm tính Tề Thành mới có thể quay lại với công việc bình thường.

Nơi tá túc trong những ngày dịch bệnh của Trần Húc Đông (Ảnh: Caijing).
Nơi tá túc trong những ngày dịch bệnh của Trần Húc Đông (Ảnh: Caijing).

Theo trang Caijing (Tài Kinh), do quá trình quay trở lại làm việc lại rườm rà và điều kiện cách ly ở các địa phương khác nhau, nhiều người ở Hồ Bắc đã bị yêu cầu quay trở về quê; hoặc do điều kiện cách ly không rõ ràng, họ không thể trở lại làm việc như dự kiến được, dẫn đến khó khăn kinh tế. Ông Lý đến từ Ứng Thành, Hồ Bắc nói với các phóng viên rằng khách sạn nơi ông ở cách ly 60 đến 70 người, tất cả đều đến từ Hồ Bắc, bao gồm cả người lao động và sinh viên đại học, tất cả đều phải cách ly bằng chi phí của cá nhân tự trả.

Cũng theo Tài Kinh, Trần Húc Đông, một lao động quê tỉnh Hồ Bắc đến Thấm Quyến làm thuê đã hơn 1 năm, vốn định về quê ăn Tết, nhưng do đường xa, để tiết kiệm tiền, anh chọn cách ở lại Thâm Quyến ăn Tết. Trước Tết, anh ta thuê một căn phòng để ở. Từ cuối tháng 2 khi dịch bệnh lan ra khắp nước, chủ nhà khi biết Đông là người tỉnh Hồ Bắc liền đuổi, không cho thuê nữa. Anh ta đành dọn đồ đi thuê phòng khách sạn để ở, nhưng họ xem giấy tờ thấy Đông quê tỉnh Hồ Bắc liền từ cối. Bất lực, Húc Đông phải đến đồn cảnh sát nhờ giúp đỡ. Cảnh sát chỉ cho Đông tới Trạm cứu hộ người lang thang cơ nhỡ, nhưng người ở trạm cũng từ chối với lý do “hết chỗ rồi”. Thế là Húc Đông phải lang thang khắp chốn để tìm các quầy hàng cạnh phố, những nhà đổ nát không có người ở để làm nơi trú ngụ...

Tranh biếm mô tả tình cảnh hiện nay của những người quê tỉnh Hồ Bắc khi đi xin việc (Ảnh: Toutiao).
Tranh biếm mô tả tình cảnh hiện nay của những người quê tỉnh Hồ Bắc khi đi xin việc (Ảnh: Toutiao).

Rồi, hết dịch, Húc Đông cùng một người đồng hương khác tìm đến một công ty xin việc làm. Lúc đầu, chủ xưởng đồng ý, chỉ cần cách ly 14 ngày, được bao ăn ở; nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, họ được thông báo là “không cần người nữa”. Lý do: vì họ là người quê tỉnh Hồ Bắc!

Gần đây tại Giang Tây, một cuộc xung đột quy mô lớn đã nổ ra vì chính quyền địa phương không cho phép công dân quê Hồ Bắc từ trung tâm của khu vực dịch bệnh đi vào địa phương dù chính quyền đã bỏ phong tỏa.

Tại Quế Lâm, Quảng Tây, một trạm dịch vụ đường cao tốc gần đây đã thiết lập một khu vực “nhà vệ sinh chuyên dùng cho người Hồ Bắc” để sử dụng riêng. Biện pháp này khiến hành khách quê tỉnh Hồ Bắc cảm thấy bị phân biệt đối xử.

Theo tin của trang Đông Phương, một người đàn ông Hồ Bắc đã khởi hành từ Hồ Bắc đến Nam Ninh, Quảng Tây vào thứ Bảy tuần trước (14/4). Khi qua Trạm dịch vụ đường cao tốc Vĩnh Phúc, Quế Lâm dừng chân nghỉ ngơi, anh ta phát hiện ra rằng có buồng vệ sinh công cộng có đề “chỗ dùng cho người tỉnh Hồ Bắc”. “Tôi không thấy hiện tượng này trong các trạm dừng chân khác tôi vào dọc đường, chỉ có ở đó, khi đó tôi đã rất tức giận”.

Trạm nghỉ chân Vĩnh Phúc trên đường cao tốc Quế Lâm nơi quy định riêng nơi đi vệ sinh cho người Hồ Bắc (Ảnh: DF).
Trạm nghỉ chân Vĩnh Phúc trên đường cao tốc Quế Lâm nơi quy định riêng nơi đi vệ sinh cho người Hồ Bắc (Ảnh: DF).

Người này cho rằng Hồ Bắc đã có nhiều đóng góp và hy sinh bởi dịch bệnh. Cách làm trên giống như phân biệt đối xử với người dân địa phương. Các nhân viên của Ủy ban Y tế và sức khỏe quận Vĩnh Phúc nói,  mỗi nơi có các biện pháp riêng. Đây là một biện pháp xử lý đặc biệt được thực hiện trong thời kỳ đặc biệt, sẽ căn cứ vào tình huống cụ thể để quyết định có nên tiếp tục thực hiện hay không.

Bà Lưu Diễm Hồng, Giám đốc Sở Nhân lực Xã hội tỉnh Hồ Bắc cho biết, toàn tỉnh có tới 11 triệu người lao động ra ngoại tỉnh làm ăn, hơn 70% về quê ăn Tết. Nay hết dịch quay trở lại làm việc, áp lực có việc làm ổn định rất lớn.