Sau khi bang Missouri của Mỹ chính thức khởi kiện chính phủ Trung Quốc, truyền thông Anh ngày 23/4 đã tiến hành phân tích việc khởi kiện từ góc độ pháp lý.
Trang tin Đa Chiều dẫn tin hãng BBC (Anh) ngày 23/4 cho biết, tiểu bang Missouri của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã khởi tố chính phủ Trung Quốc vào ngày 22/4, cho rằng việc họ kiểm soát kém dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại kinh tế lớn cho cư dân của bang. Hiện nay, tại Mỹ có ít nhất 7 vụ tố tụng khởi tố Trung Quốc về dịch bệnh và Missouri là chính phủ tiểu bang duy nhất trong số các nguyên đơn. Những vụ kiện này đều cáo buộc Trung Quốc có hành động cố ý hoặc bỏ bê nhiệm vụ, dẫn đến việc lây lan dịch bệnh COVID-19.
Các nhân sĩ giới pháp luật cho rằng cho các chính phủ nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ pháp lý tại Mỹ, nên các vụ kiện tương tự không thể đạt được kết quả thực tế. Ông Jonathan Turley, Giáo sư luật tại Đại học George Washington, phân tích quy tắc “miễn trừ chủ quyền nước ngoài”, dự luật sửa đổi mới của Quốc hội Mỹ và khả năng Mỹ buộc tội Trung Quốc tại tòa án quốc tế.
Chợ thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán - nơi được cho là điểm bùng phát dịch đầu tiên (Ảnh: AFP).
|
“Miễn trừ chủ quyền nước ngoài” là gì?
Năm 1976, nước Mỹ đã đặt ra "Quy định về miễn trừ chủ quyền nước ngoài", dành cho chính phủ nước ngoài quyền miễn trừ rộng rãi.
Ông Turley nói: “Nếu Trung Quốc có thể bị kiện ở Mỹ, Mỹ cũng có thể bị kiện ở Trung Quốc, vì vậy quốc gia thường có khuynh hướng ủng hộ quy tắc miễn trừ chủ quyền”. Tòa án địa phương ở Missouri rất có thể nhận định rằng vụ kiện liên quan đến Hoa Kỳ và một quốc gia có chủ quyền khác, tòa án không có quyền đưa ra các phán quyết tư pháp về các vấn đề như thế, nên không thụ lý.
Ngoài ra, mặc dù chính phủ Mỹ nhấn mạnh “có rất nhiều chứng cứ cho thấy Trung Quốc đã lừa dối và sơ suất đối phó với dịch bệnh”, nhưng tỷ lệ thành công của việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm thông qua tố tụng dân sự là rất thấp.
Các ngoại lệ đối với "miễn trừ chủ quyền"
Một ngoại lệ phổ biến đối với quyền miễn trừ chủ quyền là kiện tụng xoay quanh hành vi thương mại của các chính phủ nước ngoài. Do đó, ông Eric Schmitt, Tổng chưởng lý bang Missouri, người khởi xướng vụ kiện, nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong những bị cáo, là phía không có hành vi chủ quyền, do đó không được bảo vệ bởi “quyền miễn trừ chủ quyền”. Các đối tượng bị bang Missouri cáo buộc bao gồm chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Y tế và sức khỏe quốc gia Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán.
Tuy nhiên, ông Turley cho rằng định nghĩa về các ngoại lệ đối với các quy định miễn trừ là rất hẹp, rất hiếm khi được các tòa án Hoa Kỳ áp dụng và các điều khoản của điều ước rõ ràng không khuyến khích các vụ kiện chống lại chủ quyền nước ngoài như thế. Rất khó để tách biệt Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc về mặt pháp lý. “Để chứng minh bị cáo phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh, cuối cùng cần phải trở lại điểm bị cáo đại diện cho chính phủ Trung Quốc”.
Tổng thống Donald Trump nhiều lần cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch bệnh và phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của dịch bệnh (Ảnh: AP).
|
Mức yêu cầu bồi thường cao liệu có thực hiện được?
Tổ chức bảo thủ Freedom Watch của Mỹ cũng đã khởi xướng một vụ kiện ở vang Texas, tuyên bố rằng virus corona mới ban đầu được Trung Quốc thiết kế dùng cho vũ khí sinh hóa, yêu cầu Trung Quốc bồi thường 20 nghìn tỷ USD, tương đương với 1,5 lần tổng sản phẩm quốc gia (GDP) năm 2019 của Trung Quốc.
Ông Turley chỉ ra rằng cả các chuyên gia y tế công cộng và các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đều không ủng hộ quan điểm nói Trung Quốc có ý định tạo ra virus. Ngay cả khi Hoa Kỳ thành công trong việc truy cứu trách nhiệm chính phủ Trung Quốc; tòa án thường sẽ không ủng hộ các yêu cầu bồi thường với quan hệ nhân quả khá yếu. Tòa án gần như không thể yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD và hàng chục ngàn người chết trên toàn thế giới.
Ông Turley lấy ví dụ, Trung Quốc gây nên đám cháy, vụ cháy lan sang các nước khác, vậy Trung Quốc phải chịu trách nhiệm bồi thường đến đâu? “Hỏa hoạn do Trung Quốc gây ra, nhưng nhân tố cháy lan rất nhiều, chính phủ các nước cũng phải là một trong các nhân tố”.
Hoa Kỳ sẽ tước đoạt quyền miễn trừ chủ quyền của Trung Quốc?
Nhiều thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã đề xuất sửa đổi "Quy định về quyền miễn trừ chủ quyền nước ngoài" để người Mỹ có thể đòi bồi thường dịch bệnh COVID-19 từ chính phủ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Josh Hawley, đảng Cộng hòa bang Missouri, đã đề xuất một dự luật mới kêu gọi tước quyền miễn trừ chủ quyền của Trung Quốc. Thượng nghị sĩ bang Arkansas Tom Cotton và Hạ nghị sĩ bang Texas Dan Crenshaw cũng đề xuất tăng thêm một ngoại lệ mới đối với dịch bệnh COVID-19 trong Quy định miễn trừ chủ quyền nước ngoài.
Giáo sư Turley cho rằng trước sự phẫn nộ về việc Trung Quốc che giấu dịch bệnh đang âm ỉ tại Hoa Kỳ, Quốc hội không thể thông qua dự luật để bãi bỏ quyền miễn trừ chủ quyền của Trung Quốc.
Giáo sư J. Turley cho rằng Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ thông qua dự luật bãi bỏ quyền miễn trừ chủ quyền của Trung Quốc để người Myc có thể đòi Trung Quốc bồi thường (Ảnh: National Review).
|
Tổng thống Mỹ liệu có thể can thiệp?
Nếu Quốc hội Hoa Kỳ can thiệp vào luật pháp, vụ tố tụng chống lại Trung Quốc nói trên có thể tiếp tục được thúc đẩy. Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyền phủ quyết dự luật mới của Quốc hội và tiếp tục dành quyền miễn trừ chủ quyền cho Trung Quốc, thì Quốc hội vẫn có thể bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống.
Đã có tiền lệ cho các chính phủ nước ngoài bị kiện ở Hoa Kỳ, khi đó Quốc hội và Tổng thống cũng đã trải qua một số cuộc đối đầu. Trường hợp được biết đến nhiều nhất là gia đình của các nạn nhân trong “sự kiện ngày 11/9” đã khởi tố chính phủ Arab Saudi tài trợ cho kế hoạch tấn công của bọn khủng bố và yêu cầu bồi thường hàng tỷ USD.
Khi đó, ông Trump có thể phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Một mặt, bản thân ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch bệnh và phải chịu trách nhiệm về sự lây lan của dịch bệnh, những tiếng nói trong nước Mỹ truy cứu Trung Quốc cũng đang dâng cao; mặt khác, Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc vào nguồn vật tư y tế của Trung Quốc và thậm chí bỏ qua quyền bãi miễn chủ quyền, cũng rất khó để có được bồi thường từ Trung Quốc thông qua kiện tụng dân sự ở Hoa Kỳ.
Mỹ có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế?
Nếu Mỹ hoặc các quốc gia khác khởi xướng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hai bên có thể đối mặt tại Tòa án Quốc tế Hague hoặc trọng tài quốc tế khác.
Tuy nhiên, để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Bắc Kinh có thể từ chối giao nộp bằng chứng, nhân chứng và không phối hợp điều tra. Một chuyên gia luật quốc tế khác chỉ ra rằng, Trung Quốc có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có ảnh hưởng đáng kể trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi thống lĩnh ứng phó dịch bệnh toàn cầu. Khả năng các trường hợp tương tự được đưa ra tòa trọng tài quốc tế là thấp.
Cuộc đấu về pháp lý Mỹ - Trung xung quanh dịch bệnh COVID-19 sẽ diễn ra kịch liệt (Ảnh: Đa Chiều).
|
Giáo sư Turley cũng cho rằng: “Rất khó để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, chưa kể đến việc yêu cầu bồi thường về mặt tài chính”.
Việc một số nhà lập pháp Hoa Kỳ yêu cầu điều tra và tuyên bố chống lại sự che giấu dịch bệnh của Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo vào ngày 22/4 rằng những cáo buộc như vậy không có sự thực và cơ sở pháp lý, rất vô lý. Ông cho rằng, đây là một vài chính khách Mỹ “phát tán virus chính trị”. Cảnh Sảng nói các vụ kiện hoàn toàn là lạm dụng ác ý, vi phạm các nguyên tắc pháp lý cơ bản. Ông ta cho rằng, “cách làm đúng nhất của Hoa Kỳ bây giờ là loại bỏ các vụ kiện bừa bãi”.
Dù không đòi Trung Quốc bồi thường về mặt kinh tế, những vụ kiện như thế này cũng khiến Trung Quốc mất đi cả hình ảnh, danh tiếng lẫn uy tín trên trường quốc tế mà họ đang cố xây dựng sau khi kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước.