Cuộc thanh trừng nội bộ đối với những cá nhân không trung thành với ông Erdogan tiếp tục mở rộng khi hôm thứ Ba vừa rồi (19/7), hàng loạt giáo viên, trưởng khoa các trường đại học và hàng loạt cơ quan truyền thông bị “sờ gáy”.
Chính phủ của ông Erdogan tuyên bố những người bị sa thải có dính lứu, tiếp tay giáo sĩ Fethullah Gulen trong cuộc đảo chính bất thành cuối tuần vừa rồi.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói trước Quốc hội rằng “Gulen đã tiến hành một cuộc khủng bố” và “Chúng ta phải nhổ tận rễ chúng”.
Cơ qua truyền thông Thỗ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những con số cụ thể trong đợt thanh trừng này: 15.200 giáo viên và cán bộ giáo dục bị sa thải; 1.577 chủ nhiệm khoa các trường đại học phải từ chức; 8.777 công nhân của Bộ Nội vụ, 1.500 nhân viên trong Bộ Tài chính, 257 người làm việc trong văn phòng của thủ tướng cũng trong tình cảnh bị trừng phạt tương tự.
Cơ quan quản lý truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thu hồi giấp phép của 24 kênh phát thanh, truyền hình được cho là dính lứu với ông Gulen.
Ngoài ra, 6000 binh sỹ cũng đã bị bắt giữ, 9000 cảnh sát bị sa thải, 3000 quan tòa, thẩm phán cũng bị đình chỉ công tác.
Việc loại bỏ hàng chục ngàn quan chức của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khiến quốc tế lo ngại, Liên Hợp Quốc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phải duy trì sự cai trị của pháp luật và bảo vệ quyền con người.
Một quan chức cấp cao của Đức lo sợ sẽ có "một sự chia rẽ sâu sắc" ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra tình trạng bất ổn trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức.
"Bạo lực leo thang giữa những người ủng hộ Erdogan và những người chống đối đã tăng lên ở Đức, điều này gây ra sự nguy hiểm cho an toàn xã hội nước Đức", Bộ trưởng Nội vụ Bavarian Joachim Herrmann nói với báo Berliner Zeitung.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành "trả thù" không khoan nhượng các đối thủ chính trị.
Ông cũng cho biết một cuộc tranh luận xung quanh việc khôi phục lại án tử hình "vô cùng đáng lo ngại" đang được Thổ Nhĩ Kỳ tính đến. EU đã cảnh báo động thái này sẽ đóng lại cánh cửa để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối.
Thông tin từ Nhà Trắng tiết lộ, trong cuộc nói chuyện điện thoại giữa Tổng thống Erdogan và người đồng cấp ở Nhà Trắng hôm thứ Ba, Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc Mỹ dẫn độ giáo sỹ Gulen về nước.
Việc có hay không dẫn độ giáo sỹ Gulen về Thỗ Nhĩ Kỳ sẽ được quyết định theo một hiệp ước giữa hai nước, Josh Earnest, phát ngôn viên của Nhà Trắng, cho hay.
Hôm thứ Tư vừa qua, ông Erdogan đã làm chủ tọa phiên họp của Hội đồng an ninh quốc gia, khi lần đầu tiên ông Erdogan trở lại Ankara sau cuộc đảo chính.
Cuộc họp là cơ hội để ông Erdogan nói chuyện trực tiếp, thẳng thắn với các thành viên chủ chốt của chính phủ và lực lượng vũ trang, phóng viên Nick Thorpe của BBC đưa tin từ Ankara.
Nhiệm vụ của ông Erdogan thời điểm hiện tại là tái ổn định đất nước đang hỗn loạn sau đảo chính. Trấn an các nước láng giềng, các đồng minh, nhân dân rằng ông là một nhà chính trị ôn hòa.
Lầu Năm Góc cho biết, đã có cuộc hội đàm diễn ra hôm thứ Ba giữa Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ, Ash Carter, và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về các căn cứ quân sự Mỹ đang sử dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam.