Quyết tâm hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc bắt nguồn từ “nỗi hổ thẹn” năm 1996?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Làm gián đoạn GPS có chủ đích của Mỹ được cho là nguyên nhân mà quân đội Trung Quốc “mất” 2 tên lửa trong cuộc thử nghiệm 25 năm trước, và Bắc Kinh quyết không để điều này tái diễn.
Chiến đấu cơ Đài Loan bám đuôi máy bay ném bom của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan trong năm 2020 (Ảnh: Handout)
Chiến đấu cơ Đài Loan bám đuôi máy bay ném bom của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan trong năm 2020 (Ảnh: Handout)

Sự đối địch kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó có nhiều thập kỷ đối đầu xung quanh vấn đề Đài Loan, đã trở thành động lực để quân đội Trung Quốc (PLA) đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa, xây dựng một hạm đội hải quân hiện đại và phát triển một mạng lưới điều hướng hàng hải bằng vệ tinh trên toàn cầu; theo các nhà quan sát.

Mặc dù Bắc Kinh từ lâu đã nhận thức rằng địch thủ chính của họ là Mỹ - bên quyết tâm bảo vệ Đài Loan – nhưng một bước thụt lùi trong cuộc thử nghiệm tên lửa ở eo biển Đài Loan vào năm 1996 càng khiến họ nhận rõ về sự cần thiết phải hiện đại hóa hải quân và học hỏi từ chính địch thủ của mình.

“Trung Quốc không chỉ muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ, mà còn muốn giành được lợi thế để tập trung phát triển các loại vũ khí thế hệ tiếp theo” – Lu Li Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Kaohsiung, nói – “Là bên nhập cuộc muộn, Bắc Kinh nhận thức rõ sự cần thiết phải tập trung vào phát triển công nghệ vũ khí thế hệ tiếp theo”.

“Mục tiêu cuối cùng của PLA không chỉ là hiểu các chiến lược chiến đấu và chiến thuật của Mỹ, mà còn tránh cho đối thủ nắm được kế hoạch của họ”, vị chuyên gia nói thêm.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và không loại trừ lựa chọn sử dụng vũ lực để “tái thống nhất” nó.

Mặc dù Bắc Kinh đã chuẩn bị suốt nhiều thập kỷ cho khả năng sử dụng quân lực để “giành lại” Đài Loan, nhưng họ đã phải hứng chịu một đòn giáng vào năm 1996.

Trong năm đó, Mỹ cử một hạm đội hải quân tới eo biển Đài Loan giữa lúc mà Trung Quốc đang thực hiện một vụ thử nghiệm tên lửa ở vùng biển gần căn cứ quân sự Keelung của Đài Loan. Trong cuộc thử nghiệm này, 2 tên lửa của PLA đã biến mất khỏi các hệ thống theo dõi, và có một số ý kiến cho rằng lỗi này xảy ra là do quân đội Mỹ chủ ý làm gián đoạn Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS).

Các nguồn tin quân sự nói rằng, nỗi hổ thẹn trong vụ thử năm đó đã trở thành động lực để Bắc Kinh phát triển hệ thống định vị hàng hải của riêng họ - Beidou – được hoàn thiện bằng vụ phóng vệ tinh cuối cùng vào tháng 6/2020.

PLA giờ có thể sử dụng hệ thống này để dẫn đường cho tên lửa mà không lo bị địch thủ làm gián đoạn.

PLA đã chuẩn bị cho viễn cảnh đánh chiếm Đài Loan trong suốt nhiều thập kỷ (Ảnh: Navy.81.cn)

PLA đã chuẩn bị cho viễn cảnh đánh chiếm Đài Loan trong suốt nhiều thập kỷ (Ảnh: Navy.81.cn)

Cùng với Beidou, quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc còn bao gồm sự phát triển một chương trình không gian, mẫu máy bay, chiến hạm thế hệ tiếp theo, tên lửa siêu thanh và drone.

Hải quân Trung Quốc hiện là lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Nó sở hữu 350 tài và tàu ngầm, trong đó bao gồm hơn 130 tàu chiến đấu mặt nước cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện sở hữu 293 tàu.

Trung Quốc hiện cũng sở hữu 2 hàng không mẫu hạm đã đưa vào biên chế là Liêu Ninh và Sơn Đông – cả hai đều được chế tạo dựa trên tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô. Ban đầu được trang bị hơn 10 hệ thống tên lửa chống hạm P-700 Granit, nhưng sau các tên lửa này được gỡ bỏ để có chỗ chứa thêm máy bay.

Andrei Chang, chủ biên chuyên trang quân sự Kanwa Defence Revire trụ sở ở Canada, nói rằng điều này là do PLA quyết tâm học theo Mỹ.

“Ngày nay, tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đều chỉ là những nền tảng cất cánh và hạ cánh cho chiến đấu cơ, giống như các tàu sân bay của Mỹ, nhưng thiết kế gốc của tàu lớp Kuznetsov là một tàu tuần dương có khả năng tấn công trên biển và trên không cực mạnh” – ông nói.

Trung Quốc giờ sở hữu 2 tàu sân bay đang hoạt động (Ảnh: CCTV)

Trung Quốc giờ sở hữu 2 tàu sân bay đang hoạt động (Ảnh: CCTV)

Căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan vẫn tiếp diễn dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong hôm đầu tuần trước, 25 máy bay của PLA ồ ạt đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, trong vụ xâm phạm được coi là lớn nhất mà Đài Bắc từng ghi nhận. Ngày 7/4, khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS John S. MCCain của Mỹ băng qua Eo biển Đài Loan chỉ vài giờ sau khi phi cơ do thám Ep-3E của họ thực hiện chuyến bay tuần tra kéo dài 2 giờ đồng hồ trong khu vực.

Tháng 3 năm nay, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS John Finn, thuộc nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Mỹ, đã thực hiện pha băng qua Eo biển Đài Loan.

Ông Lu Li Shih nhận định rằng những động thái trên đều là cơ hội để quân đội Mỹ và Trung Quốc học chiến thuật của nhau.

“Cả quân đội Mỹ lẫn PLA đều đang tận dụng xung đột để huấn luyện, trong khi họ đang cố gắng thử thách giới hạn cùng sức mạnh thực chiến của nhau” – ông nói.

Song Zhongping, một cựu giáo quan của PLA, nói rằng sự đối đầu giữa PLA và quân đội Mỹ ở Eo biển Đài Loan có thể xem như sự phản ánh lại thế đối đầu trong quân sự và công nghệ giữa hai nước.

“Người Mỹ đang tăng thêm sức ép với Trung Quốc, không chỉ về vấn đề Đài Loan, mà cả trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, vấn đề Tân Cương và nhiều vấn đề khác, khiến cho PLA phải tăng cường sức mạnh của mình” – ông Song nói – “PLA sẽ sử dụng cách thức hữu hiệu và rẻ nhất để giải quyết vấn đề Đài Loan, và chi phí đó sẽ giảm trong lúc PLA đang muốn trở thành một lực lượng vũ trang hiện đại sẵn sàng chiến đấu”.