Mỹ ra tay hỗ trợ Philippines như thế nào trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Philippines và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung thường niên Balikatan (Vai kề vai) nhằm phô diễn lực lượng trước các tuyên bố chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Lính Mỹ và Philippines trong một nội dung tập trận chung hồi tháng 10/2019 (Ảnh: US Marine Corps)
Lính Mỹ và Philippines trong một nội dung tập trận chung hồi tháng 10/2019 (Ảnh: US Marine Corps)

Mặc dù phiên bản cuộc tập trận năm nay đã bị giảm về quy mô do đại dịch COVID-19, nhưng Balikatan vẫn có sự tham gia của gần 1.000 binh sĩ từ cả hai bên, đánh dấu sự duy trì cam kết đối với hiệp ước phòng thủ chung của Manila và Washington. Tập trận Balikatan những năm trước đó quy tụ tới 7.600 binh sĩ. Năm ngoái sự kiện này bị hủy do quan ngại về COVID-19.

Cuộc tập trận chung được nối lại trùng thời điểm mà Mỹ và Trung Quốc có đợt triển khai quân lực chưa từng có tiền lệ tới khắp các vùng biển của châu Á, trong đó bao gồm Biển Đông, trong lúc hai siêu cường bước vào giai đoạn đối địch hết sức nguy hiểm.

Trong suốt tháng trước, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã ồ ạt tiến vào nhiều khu vực ở Biển Đông. Để đáp lại, Philippines triển khai nhiều chiến đấu cơ và tàu tuần tra hải quân tới khu vực, trong khi hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc bao vây bãi Ba Đầu, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Philippines gọi theo tên quốc tế là Whitsun) và các bãi đất khác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin mới đây cảnh báo rằng đất nước ông sẽ gửi công hàm phản đối “mỗi ngày cho đến khi con tàu cuối cùng rời khỏi, nếu nó thực sự là đang đánh bắt cá”.

Trung Quốc thì liên tục khẳng định rằng những con tàu này là những tàu đánh cá của họ đang hoạt động trên “các ngư trường truyền thống”, một tuyên bố mà Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mới đây cho là “sai sự thực trắng trợn”.

Ngoại trưởng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu khép lại cuộc tập trận chung Mỹ-Philppines hồi tháng 5/2017 (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu khép lại cuộc tập trận chung Mỹ-Philppines hồi tháng 5/2017 (Ảnh: AFP)

Hồi đầu tuần này, có ít nhất 9 tàu Trung Quốc vẫn lởn vởn xung quanh Nhóm đảo Kalayaan (KIG) của Philippines. “Đã đến lúc rời đi”, ông Locson viết trên Twitter. “Mặc dù nó có thể là ngư trường đánh cá truyền thống của Trung Quốc, nhưng truyền thống cũng chịu thua trước pháp luật”, ông nói thêm.

Trong hôm 13/4, Philippines đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh tại Manila tới để thúc ép các tàu Trung Quốc lập tức rời khỏi bãi Whitsun.

Bất chấp việc Tổng thống Rodrigo Duterte có nỗ lực thế nào để duy trì quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh, nhưng sự kiên nhẫn chiến lược của các tướng lĩnh quân đội và thành viên chóp bu trong nội các của ông đã cạn kiệt.

Trong những năm gần đây, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc mỗi năm gây thiệt hại về hệ sinh thái lên tới 100 triệu USD trong các vùng biển của họ, trong lúc mà Bắc Kinh tăng cường việc cải tạo trái phép cùng các hoạt động đánh bắt cá trên khắp Biển Đông.

Cùng lúc, Tổng thống Duterte trong năm ngoái đã “giáng đòn” vào nước Mỹ khi đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA), vốn là nền tảng cho phép binh sĩ và trang thiết bị quân sự Mỹ hiện diện ở Philippines. Động thái này là nhằm đáp trả việc Mỹ chỉ trích vấn đề nhân quyền của chính phủ ông Duterte. Kể từ sau đó, VFA đã 2 lần được gia hạn, mặc dù ông Duterte kêu gọi Mỹ chi thêm tiền để tiếp tục duy trì thỏa thuận này.

Trong cú điện đàm hôm Chủ nhật tuần trước giữa Ngoại trưởng Lorenzena và Ngoại trưởng Mỹ Lloyd Austin, ông Austin nhắc lại tầm quan trọng của VFA, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Philippines. Ông Lorenzana cam kết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Duterte.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đường cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong một bức ảnh tư liệu (Ảnh: AFP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đường cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong một bức ảnh tư liệu (Ảnh: AFP)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gửi đi tính hiệu mạnh mẽ về việc bảo vệ đồng minh Manila. Cũng trong hôm Chủ nhật tuần trước, một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm dẫn đầu bởi tàu USS Theodore Roosevelt đã băng qua eo biển Malacca để vào Biển Đông.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin cũng đang dịch chuyển tới biển Hoa Đông. Cùng thời điểm, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John McCain thực hiện chuyến đi băng qua Eo biển Đài Loan “như thường lệ”.

Hải quân Trung Quốc đã đáp trả bằng cách triển khai tàu sân bay Liêu Ninh đi qua Eo biển Miyako, vùng biển ngoài khơi Tây Nam Nhật Bản, để thực hiện “huấn luyện theo lịch trình” ở Tây Thái Bình Dương. Đáng chú ý nhất là các cuộc tập trận của Trung Quốc ở gần Đài Loan nhằm “thử nghiệm hiệu quả huấn luyện binh sĩ, và nhằm cải thiện khả năng bảo vệ chủ quyền, sự an toàn và các lợi ích phát triển của đất nước”.

Để phô trương sức mạnh, tàu sân bay của Trung Quốc được hộ tống bởi khu trục hạm tối tân lớp Renhai, Type 055, một chiến hạm đồ sộ có trọng tải hơn 12.000 tấn, giúp nó trở thành con khu trục hạm có sức mạnh đứng vị trí thứ 2 trên thế giới.

Những động thái trên đã tạo nên những làn sóng chính trị ở Manila. Thượng nghị sĩ Philippines Risa Hontiveros mới đây chỉ trích Trung Quốc là “kẻ bắt nạt trong khu vực” và là một bên cơ hội “đang gây ra nhiều sự việc” trên các vùng biển của Philippines ngay trong lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.

“Điều này chỉ cho thấy Trung Quốc sẽ làm thứ mà họ muốn vì lợi ích cá nhân của họ, bất chấp việc đó đe dọa hòa bình hay ổn định của khu vực” – Hontiveros nói trong một tuyên bố đưa ra hồi đầu tuần.

Mỹ ra tay hỗ trợ Philippines như thế nào trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông? ảnh 3

Hạm đội tàu Trung Quốc neo tại bãi Ba Đầu (Whitsun) suốt nhiều tuần lễ (Ảnh: AFP)

Tờ thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc sau đó đưa ra cảnh báo Philippines “chớ nên hành động hấp tấp…bằng không, Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ”.

Chính quyền Biden từng cảnh báo rằng mọi “đòn tấn công vũ trang” nhằm vào tài sản của Philippines trong khu vực sẽ “kích hoạt những cam kết của chúng tôi theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines”.

“Một đòn tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, các tàu dân sự hay máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, sẽ kích hoạt những cam kết theo Hiệp ước Mỹ-Philippines” – phát ngôn viên Ned Price của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố - “Chúng tôi luôn sát cánh với các đồng minh và đứng lên vì trật tự luật pháp quốc tế”.

Và Mỹ không chỉ nói suông, mà bằng hành động. Ngay sau khi triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới khu vực hồi tuần trước, Mỹ cũng tuyên bố sẽ sớm cử thêm cả tàu ngầm tấn công lớp Virginia, USS Illinois.