Trong những tháng cuối năm 2020, 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, Vinaphone, MobiFone đã đua nhau kinh doanh thử nghiệm dịch vụ 5G. Điều này đưa Việt Nam vào những nước tiên phong triển khai công nghệ 5G trên toàn thế giới.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) công bố chính thức khai trương kinh doanh thương mại thử nghiệm 5G từ chiều 30/11/2020. Khách hàng sử dụng máy 5G ở khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng có thể trải nghiệm dịch vụ 5G của Viettel. MobiFone cũng công bố bắt đầu thử nghiệm 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặt mục tiêu phủ sóng 5G toàn bộ khu vực quận 1 trong tháng 12/2020. Trước đó, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên công bố kinh doanh thương mại thử nghiệm mạng 5G tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, cùng với việc ra mắt dịch vụ 5G, 3 nhà mạng chiếm trên 96% thị phần viễn thông Việt Nam đang cung cấp cả bốn dịch vụ 2G, 3G, 4G và 5G. Các nhà mạng không thể cùng một lúc duy trì bốn công nghệ di động vì điều này gây tốn kém tài nguyên, chi phí. Do đó, việc dừng công nghệ cũ hơn là hợp lý, giúp nhà mạng tập trung nguồn lực, dành băng tần cho công nghệ mới.
Hiện tại, theo số liệu của Cục Viễn thông, Việt Nam vẫn còn khoảng 24 triệu thuê bao 2G, chiếm 20% trên tổng số 130 triệu thuê bao di động. Trong số đó có khoảng 630.000 người trên 70 tuổi sử dụng feature phone - loại điện thoại “cục gạch” chỉ cho phép nghe và gọi. Giá cả của smartphone mặc dù đã rẻ đi nhưng vẫn là rào cản cho những người lao động thu nhập thấp và không có nhu cầu dữ liệu cao.
Viettel đã triển khai hơn 100 trạm gốc 5G để phát thử nghiệm thương mại tại Hà Nội |
Trước đây Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất mục tiêu tắt sóng 2G nhưng Chính phủ đề nghị đổi thành đề án phát triển smartphone giá rẻ khi cân nhắc đến những hoàn cảnh nêu trên.
Ngày 16/11/2020, Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (Tập đoàn Vingroup) chính thức ra mắt điện thoại Vsmart Bee Lite, mẫu điện thoại thông minh giá chỉ 600.000 đồng, được trang bị tính năng 4G. Sản phẩm được VinSmart đồng trợ giá với Viettel và phân phối qua mạng viễn thông Viettel Telecom với mức giá thấp chưa từng có nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin - Truyền thông về việc thúc đẩy mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh vào năm 2025 tại Việt Nam.
2G là tên viết tắt của công nghệ mạng viễn thông di động thế hệ thứ hai. Mạng 2G được triển khai thương mại dựa trên chuẩn tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan vào năm 1991, cách đây gần 30 năm. Cuối năm 1993 và đầu năm 1994, mạng GSM được thiết lập và chính thức cung cấp dịch vụ tại một số thành phố lớn ở Việt Nam. Như vậy 2G cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cũng được 26 năm.
Với công nghệ Dịch vụ Vô tuyến Gói tổng hợp (GPRS), mạng 2G cung cấp tốc độ truyền tối đa theo lý thuyết là 50 kbit/s. Với công nghệ EDGE (Enhanced Data Rates for GSM Evolution), tốc độ truyền tối đa theo lý thuyết là 1 Mbit/s (500 kbit/s trên thực tế). Tuy nhiên so sánh với tốc độ các mạng sau này 3G, 4G và bây giờ là 5G thì rõ ràng 2G là công nghệ cũ, thoái trào và ngày càng trở nên lỗi thời trước các công nghệ tiên tiến hơn.
Cũng theo đánh giá của cơ quan lý, tắt sóng 2G sẽ đẩy nhanh đề án chuyển đổi số, cũng như thúc đẩy kinh tế số, xã hội số khi người dân chuyển sang sử dụng thiết bị hỗ trợ từ 3G trở lên.
Theo lộ trình, đến quý I/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu tắt sóng viễn thông 2G. Điều này đồng nghĩa với việc những người dân đang sử dụng điện thoại "cục gạch" sẽ bị ảnh hưởng.
Ủy ban Truyền thông và Viễn thông Quốc gia Thái Lan (National Broadcasting and Telecommunications Comission - NBTC) đã phê duyệt ngày 31/10/2019 là ngày ngừng mạng di động 2G trên toàn quốc. Theo NBTC, việc ngừng hoạt động mạng 2G sẽ tăng hiệu quả cho các nhà khai thác mạng và mở ra cánh cửa cho dịch vụ băng thông rộng 5G vào năm 2020. Các nhà mạng sẽ chuyển người dùng 2G của họ sang các dịch vụ 3G và 4G. Chính quyền các tỉnh sẽ hỗ trợ thông báo cho người dùng 2G về việc chuyển đổi này. NBTC sẽ ngừng các tiêu chuẩn 2G và thông báo cho các nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu thiết bị di động về việc mạng 2G sắp bị đóng.
Vào năm 2018, AIS, True Move và Dtac đã kiến nghị với NBTC nhằm chấm dứt các mạng 2G để sử dụng phổ tần cho các dịch vụ khác. Đó cũng là lý do của việc ngừng dịch vụ 2G như dự kiến vào tháng 10/2019.
Nhưng gần đến ngày đóng cửa, các nhà khai thác ở Thái Lan đã suy nghĩ lại và bỏ kế hoạch ngừng hoạt động mạng 2G của họ, kiến nghị với cơ quan quản lý NBTC rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ để tránh các vấn đề rắc rối tiềm ẩn cho khách hàng.
Ngày 12/11/2019, Bankok Post dẫn lời Takorn Tantasith, Tổng thư ký NBTC, cho biết hội đồng quản trị NBTC vào tháng 1/2019 đưa ra một nghị quyết ngừng hoạt động hệ thống di động 2G trên toàn quốc vào tháng 10/2019, nhưng nay đã quyết định loại bỏ nó vì:
"Các nhà khai thác mạng viễn thông đã đồng ý tiếp tục cung cấp dịch vụ 2G cho những người dùng còn lại, mặc dù trước đó họ đã thúc giục NBTC ban hành nghị quyết (ngừng hoạt động)".
Số người dùng 2G ở thời điểm dự kiến ngưng cung cấp dịch vụ 2G là 3 triệu người trên 3 nhà mạng của Thái Lan, chiếm 3,5% trên tổng số 81,7 thuê bao di động củaThái Lan. Pisut Ngamvijitwong, một nhà phân tích cấp cao của Kasikorn Securities, cho biết ông rất ngạc nhiên trước động thái của các nhà khai thác viễn thông, và lưu ý rằng dịch vụ 2G chỉ mang lại cho nhà mạng 100 baht (3.3 USD) mỗi tháng. Một mối lo ngại khác là có thể có phản ứng dữ dội từ các nhóm bảo vệ người tiêu dùng trên mạng xã hội vì người dùng 2G vượt quá 3 triệu người.
Ngoài ra, AIS sử dụng băng tần 900MHz, Dtac và True Move đều sử dụng băng tần 1800MHz để cung cấp 2G. Mặc dù việc tái phân bổ dải tần cho băng thông rộng 5G sau khi ngừng 2G sẽ mang lại hiệu quả sử dụng cho các nhà khai thác, nhưng tất cả các nhà mạng Thái Lan đã chịu ít áp lực hơn trong việc giải phóng băng tần sử dụng cho 2G sau khi mua được hai dải băng 10MHz của băng tần 700MHz trong phiên đấu giá hồi tháng 6/2019.
Tổng thư ký NBTC Takorn Tantasith nói với Bangkok Post rằng các nhà khai thác có khả năng sẽ xem xét lùi kế hoạch ngừng 2G trong một vài năm, lưu ý rằng họ sẽ phải chuẩn bị chuyển khách hàng sang mạng 3G và 4G.
Châu Á
Đông Á đang dẫn đầu về chuyển đổi mạng 2G. Ở một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản, Ma Cao, Singapore và Hàn Quốc, đã không còn sử dụng mạng 2G nào cả. Tại Đài Loan, các nhà khai thác mạng lớn đã loại bỏ dịch vụ 2G. Một số các nhà mạng của các quốc gia châu Á vẫn cung cấp dịch vụ 2G trong một thời gian hạn định và dự định ngừng dịch vụ trong 5 năm 2020-2025 tới đây.
Bảng 1: Lộ trình ngừng mạng 2G một số nước Châu Á (nguồn Emnify) |
Châu Đại Dương
Các nhà mạng của Australia và New Zealand đã chấm dứt cung cấp dịch vụ mạng từ 30/6/2018.
Bảng 2: Lộ trình ngừng mạng 2G Châu Đại dương (nguồn Emnify) |
Bắc Mỹ
Từ năm 2021, không còn mạng 2G nào hoạt động ở các nhà khai thác của Mỹ và Canada.
Bảng 3: Lộ trình ngừng mạng 2G Bắc Mỹ (nguồn Emnify) |
Châu Âu
Một số quốc gia Bắc Âu, quốc gia nhỏ như Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, Lichtenstein, Thụy Sĩ đã có đặt ra lộ trình ngưng 2G như bảng sau:
Bảng 4: Lộ trình ngừng mạng 2G ở một số nước Châu Âu (nguồn Emnify) |
Ngoài các nhà khai thác Vodafone, Deutsche Telekom hoặc Telefonica còn chưa có lộ trình tắt sóng 2G, ở một số quốc gia châu Âu có những trường hợp mà 2G thậm chí có thể tồn tại lâu hơn 3G (UMTS). Công ty MNO Telenor của Na Uy đã thông báo tắt 3G vào năm 2020 - trước 5 năm so với kế hoạch tắt 2G.
Vodafone đã tuyên bố sẽ loại bỏ dần các mạng 3G trên toàn châu Âu vào năm 2020 và 2021 trong khi Deutsche Telekom có kế hoạch tiếp tục 3G cho đến cuối năm 2020.
Mạng 2G đơn thuần là nghe gọi, chủ yếu là thoại, 3G cung cấp cả thoại và data, còn 4G chủ yếu là data, tất nhiên vẫn còn thoại. Về data, tốc độ tải của mạng 4G tốt hơn 3G rất nhiều nên có thể thay thế rất tốt cho 3G. Trên thực tế, những thuê bao mới bắt đầu sử dụng data hiện nay cũng đều lựa chọn 4G thay vì 3G. Bên cạnh đó, một số lượng không nhỏ thuê bao dùng 3G đã và đang thực hiện chuyển đổi lên 4G. Do vậy, thuê bao 4G sẽ ngày một tăng lên, ngược lại, thuê bao 3G sẽ tiếp tục giảm, thậm chí sẽ giảm mạnh trong thời gian tới do không thể đáp ứng tốc độ về data như 4G mang lại.
Những nguyên nhân trên khiến nhiều nhà khai thác mạng của Châu Âu và một số nơi trên thế giới quyết định tắt 3G trước khi tắt 2G.
Quyết định về việc nên tắt mạng nào trước (2G hoặc 3G) và cách thức thực hiện, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, có thể thay đổi tùy theo từng nhà cung cấp viễn thông và khu vực địa lý.
Theo 1oT (công ty cung cấp IoT- https://1ot.mobi) và NEA (End-to-end consulting services- https://nae.global) , một số yếu tố ảnh hưởng đến quyết định dừng mạng 2G và 3G có thể kể đến:
1. Vùng phủ sóng: Việc dừng mạng 2G và 3G có thể dẫn đến diện tích phủ sóng nhỏ hơn, điều này sẽ khiến người dùng không có dịch vụ và nhà mạng bị mất thuê bao. Tác động này phải được phân tích chi tiết trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
2. Thiết bị/thuê bao: Một yếu tố khác liên quan là một loạt thiết bị hiện tại và các công nghệ được hỗ trợ.
Các thiết bị máy-tới-máy M2M (Machine to Machine), chẳng hạn như thiết bị đầu cuối thanh toán điểm bán, chủ yếu dựa vào mạng 2G. Vì các thiết bị này khó chuyển sang công nghệ mới, các mạng cung cấp các dịch vụ này có tập khách hàng quan trọng đang chọn duy trì mạng 2G ở các nơi dịch vụ M2M đã được triển khai.
Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, số người dùng thiết bị di động chỉ hỗ trợ 2G hoặc 3G còn cao.
3. Dịch vụ thoại: Các nhà mạng thường cần duy trì mạng 2G/3G để hỗ trợ dịch vụ thoại, vì về lý thuyết, công nghệ 4G không hỗ trợ dịch vụ này ở chế độ chuyển mạch kênh.
Để giải quyết vấn đề này, công nghệ VoLTE (Voice over LTE - 4G) cung cấp giải pháp hiệu quả hơn cho các dịch vụ thoại so với công nghệ 2G/3G. Tuy nhiên, VoLTE chưa khả dụng trên nhiều mạng 4G (khoảng 25 - 30% nhà mạng chưa bắt đầu hoặc đang trong giai đoạn triển khai ban đầu), điều đó có nghĩa là mạng 2G/3G vẫn phải duy trì cho các dịch vụ thoại.
4. Các yếu tố quản lý: Trong một số trường hợp nhất định, các yêu cầu mang tính pháp lý có thể đóng vai trò trong việc duy trì hoặc tắt mạng 2G/3G. Mỗi quốc gia có các quy định riêng về phổ tần và dịch vụ di động do không có khung pháp lý toàn cầu.
5. Cạnh tranh và các dịch vụ khả dụng ở mỗi quốc gia: Thực tế việc một số nhà mạng bắt đầu “đóng cửa” các mạng cũ để nhường chỗ cho các công nghệ mới, và do đó các dịch vụ mới, có thể gián tiếp buộc các nhà mạng khác phải hành động tương tự.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc thảo luận dừng dịch vụ 2G hay 3G là muộn, bởi các nước trên thế giới đã công bố việc tắt 2G hay 3G từ 10 năm, nhất là các nước châu Âu thì còn công bố từ mười mấy năm trước.
Theo quan điểm của tác giả, một người hoạt động trong lĩnh vực tư vấn viễn thông trên 25 năm thì quyết định tắt 2G hay 3G cần phải xem xét dưới 3 góc độ: khách hàng, nhà khai thác và cơ quan quản lý quốc gia. Khách hàng có lợi gì hay thiệt hại gì khi ngưng dịch vụ cũ, nhà khai thác có lợi ích gì và dưới góc độ quốc gia thì tắt sóng sẽ tác động ra sao với xã hội và phải phù hợp với chiến lược phát triển chung.
Cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Đó là điều không bàn cãi, nhưng điều đáng bàn là tắt 2G hay 3G, tắt cái nào trước và lộ trình?
Tắt sóng 2G hay 3G cần nghiên cứu kỹ |
Theo Lê Thị Thanh Hoa, Chuyên viên chính phòng Cấp phép thị trường của Cục Viễn thông, 2 phương án sau có những điểm chính:
“Phương án tắt sóng 3G có ưu điểm là chi phí thấp hơn vì số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ cao nhất là 3G ít hơn số lượng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G nên xét trên toàn thị trường, chi phí bù thiết bị đầu cuối khi dừng công nghệ 3G là ít hơn. Bên cạnh đó, 3G là công nghệ truyền dữ liệu chưa hoàn thiện, có tốc độ truyền dữ liệu cao hơn 2G nhưng chưa hỗ trợ các dịch vụ tương tác tốc độ cao như truyền hình, video, streaming như công nghệ 4G. Nhược điểm của phương án này là không tạo ra sự phát triển đột phá trong xã hội hướng tới mục tiêu xã hội số, kinh tế số mà Đảng và Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy.
Phương án tắt sóng 2G khó khăn hơn khi tác động mạnh đến xã hội và còn nhiều thuê bao đang sử dụng thiết bị đầu cuối di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G. Nếu tắt công nghệ này chi phí bù thiết bị đầu cuối cho người sử dụng sẽ lớn hơn. Nhưng tắt sóng 2G sẽ thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn. Đây chính là điểm rất quan trọng để lựa chọn tắt sóng công nghệ cũ.”
Có vẻ như cơ quan quản lý nhà nước sau khi xem xét đã nghiêng về phía “phổ cập mạng di động 4G/5G và tạo cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số”, tức là nghiêng về phía tắt 2G trước. Nhưng một thực tế, đặc biệt là các mạng di động lớn, đến thời điểm hiện tại, trong cơ cấu tổng doanh thu từ dịch vụ viễn thông di động, thì thu từ data (3G và 4G) chỉ chiếm từ 25% đến 30%, còn lại khoảng 70% là của thoại (2G, 3G). Chính vì thế 2G vẫn được xem là doanh thu chính của nhà mạng.
Tắt 2G hay 3G vẫn còn là câu hỏi khó. Liệu chúng ta có rơi vào tình trạng như Thái Lan khi mà quyết định tắt 2G nhưng lại bị lùi vào giờ chót?