Tắt sóng 2G sẽ khiến nhà mạng và người dùng thiệt hại ít nhiều
Tắt sóng 2G sẽ khiến nhà mạng và người dùng thiệt hại ít nhiều

E-magazine Phần 1: Tắt sóng 2G, nhà mạng và người dùng được gì, mất gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dự kiến năm 2022 các nhà mạng Việt Nam sẽ tắt sóng 2G. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người dùng và ngay bản thân các nhà mạng.

Theo lộ trình dự kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông thì đến năm 2022, mạng di động 2G (GSM) sẽ phải tắt sóng để dành cơ sở hạ tầng cho các thế hệ mạng di động tiên tiến hơn. Khi các nhà mạng lớn đã được cấp phép kinh doanh thử nghiệm 5G thì việc tồn tại 4 công nghệ di động 2G, 3G, 4G, 5G trên hệ thống sẽ gây tốn kém tài nguyên và chi phí.

Việc dừng 2G (trong tương lai là cả 3G) sẽ giúp nhà mạng có thể tập trung nhân lực vật lực cho 5G. Theo một số chuyên gia thì tắt sóng 2G và ứng dụng mạnh mẽ 5G sẽ giúp nhà nước đẩy nhanh các dự án về chuyển đổi số, thúc đẩy nền kinh tế số khi người dân sử dụng các thiết bị đầu cuối tiên tiến.

Tại phiên trả lời Quốc hội ngày 9/11/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định phủ sóng 3G, 4G, 5G để thúc đẩy chuyển đổi số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa:

"Bộ đang chỉ đạo là phải phủ sóng, để tất cả bà con ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa phải có sóng 3G, 4G, 5G để truy cập Internet".

Nhà mạng mất gì khi tắt 2G?

Đầu tiên, nhà mạng sẽ phải gánh một chi phí khi phải lắp đặt thiết bị 3G/4G ở những nơi trước đây chỉ dùng thiết bị 2G như vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Nhưng có lẽ mất mát lớn nhất của nhà mạng khi tắt 2G là mất đi một nguồn thu từ một số lượng thuê bao 2G vẫn còn khá lớn.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến tháng 12/2020, số lượng thuê bao 2G của các nhà mạng là hơn 22 triệu trên tổng số 130 triệu thuê bao. Số lượng thuê bao 3G cũng khoảng 5,5 triệu.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng thì hai phần ba doanh thu của các nhà mạng hiện nay thuộc về dịch vụ thoại và tin nhắn (Voice và SMS) – những dịch vụ cơ bản mà điện thoại 2G đáp ứng được, trong khi doanh thu từ dịch vụ dữ liệu (data) chỉ chiếm một phần ba. Vì thế, dịch vụ dữ liệu 4G và 5G chưa phải là công cụ mang nhiều tiền về cho nhà mạng.

ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói về việc tắt sóng 2G

Để tránh thiệt hại thì nhà mạng cần giảm số lượng thuê bao 2G xuống dưới 5% trước khi tắt sóng, tương đương số thuê bao là còn khoảng 5 triệu đến 7 triệu.

Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, theo tính toán của Cục, trong số hơn 22 triệu thuê bao 2G thì có đến một nửa số máy là máy phụ của người dùng. Số lượng thuê bao chỉ dùng duy nhất điện thoại 2G là khoảng 12,4 triệu. Vì thế mục tiêu giảm số thuê bao 2G xuống còn từ 5 triệu đến 7 triệu không phải quá khó.

Để khuyến khích người dùng đổi điện thoại từ 2G sang các mẫu điện thoại công nghệ mới hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chương trình khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất điện thoại kết hợp với các nhà mạng đưa ra chương trình trợ giá smartphone. Theo tính toán, nếu có sự trợ giá từ nhà mạng, các mẫu điện thoại “Made in Vietnam” từ Viettel, VNPT hay BKAV có thể được bán với mức giá 600 nghìn đồng.

Tắt 2G, người dùng mất gì?

Rõ ràng, nhiều người đang sử dụng điện thoại 2G sẽ phải cất chiếc máy của mình vào ngăn tủ. Không chỉ những mẫu điện thoại giá rẻ vài trăm nghìn mà cả một số mẫu Vertu lên tới gần tỉ đồng cũng thành “cục gạch” (đón đọc phần 2 của bài viết).

Một số lượng lớn thuê bao 2G hiện nay là những người sống ở khu vực nông thôn, họ chỉ có nhu cầu nghe gọi tối thiểu. Khi điện thoại của họ không dùng được nữa, họ sẽ phải mất thêm một số tiền để mua điện thoại mới. Đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập cả năm chỉ vài triệu đồng thì liệu họ có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua một chiếc smartphone mới?

Theo ông Hoàng Minh Cường, hiện có khoảng 630 nghìn người già đang sử dụng điện thoại 2G với đặc điểm của điện thoại là nút bấm vật lý trực quan. Nếu chuyển sang sử dụng smartphone, đây sẽ là một trở ngại không nhỏ khi họ phải làm quen với thiết bị mới không có bàn phím vật lý. Bản thân người viết bài này có người thân từng vài lần bấm nhầm sử dụng dữ liệu di động trên smartphone thay vì dùng Wi-Fi khiến cho hóa đơn hàng tháng tăng lên.

Giải pháp để dứt khoát “tuyệt tình” với 2G

Như đã đề cập ở phần trên, một trong các giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra là chương trình smartphone giá rẻ. Những mẫu điện thoại giá rẻ có hỗ trợ 4G sẽ được sản xuất và phân phối đến người dùng qua các chương trình liên kết với nhà mạng. Đại diện VNPT Technology cho biết doanh nghiệp của mình có đủ khả năng sản xuất 2-3 triệu smartphone/năm với mức giá 700-900 nghìn đồng. Mức giá này doanh nghiệp sẽ không có lãi tính theo chi phí sản xuất, nhưng nếu có thị phần tiêu thụ đủ lớn thì hoàn toàn có thể áp dụng.

Thay thế dần công nghệ di động thế hệ cũ bằng công nghệ mới là điều phải làm
Thay thế dần công nghệ di động thế hệ cũ bằng công nghệ mới là điều phải làm

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các nhà mạng phủ sóng 4G cho cho những nơi chất lượng sóng chưa tốt; thực hiện các chương trình tuyên truyền cho người dân để họ sử dụng các thiết bị thông minh thay thế cho các thiết bị cũ.

Cục Viễn thông theo lộ trình sẽ ban hành thông tư giảm giá dịch vụ thoại, nhằm “ép” các nhà mạng không phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ kết nối thoại, phải chuyển dần sang tăng doanh thu từ dịch vụ dữ liệu.

Cục Tần số cũng sẽ không cấp lại tần số 2G khi giấy phép của các nhà mạng hết hạn vào năm 2024.

Hồi tháng 1/2021 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 43 về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – phần truy cập vô tuyến". Thông tư này quy định tất cả các mẫu điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7/2021 phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Nếu điện thoại chỉ có tính năng 2G hoặc 3G, hoặc kết hợp cả 2G và 3G thì đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.