Điện thoại Vertu
Điện thoại Vertu

E-magazine Phần 3: Tắt sóng 2G, người dùng Vertu nói gì khi điện thoại của họ có thể không sử dụng được?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiếc Vertu như một vật trang sức không thiếu đối với không ít doanh nhân và họ cảm thấy chưa có thương hiệu nào có thể thay thế.

Như đã đề cập ở phần trước, dự kiến vào năm 2022, các nhà mạng Việt Nam sẽ ngắt sóng 2G. Điều này sẽ khiến một số mẫu điện thoại rẻ tiền (vốn được gọi vui là điện thoại cục gạch) sẽ không sử dụng được nữa. Nhưng không chỉ có “cục gạch”, cả một số mẫu điện thoại lên đến tỉ đồng của hãng Vertu cũng chịu chung số phận.

Việc điện thoại Vertu với giá trị lớn không thể sử dụng được là một điều rất đáng tiếc. Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi với một số doanh nhân, những người đang sở hữu điện thoại Vertu.

Đề nghị hãng có chính sách hỗ trợ

Anh Hạnh, một doanh nhân mà chúng tôi tiếp xúc nói rằng anh đã mua chiếc Vertu Signature phiên bản sản xuất năm 2015. Trên góc màn hình điện thoại của anh vẫn thấy hiển thị dòng chữ 3G. Anh Hạnh không rõ khi nhà mạng ngắt mạng 2G thì điện thoại của mình có sử dụng được không. Anh cũng chưa nắm được thông tin chính xác bao giờ nhà mạng cắt sóng 2G.

Khi được chúng tôi cung cấp thông tin rằng dự kiến 2022 là thời điểm tắt 2G, anh Hạnh nói rằng nếu điện thoại không sử dụng được nữa thì rất phí phạm. Anh nói rằng kế hoạch cắt sóng 2G là một lộ trình được sắp xếp từ trước nên khó có thể thay đổi. Anh chỉ hy vọng hãng Vertu có một chính sách hỗ trợ gì đó đối với các khách hàng, vì họ sở hữu những chiếc điện thoại có giá trị rất lớn. Chẳng hạn hãng có thể giúp khách hàng nâng cấp phần cứng hoặc phần mềm để họ không bị thiệt hại.

Anh Hạnh cho rằng giá trị thương hiệu Vertu sẽ giảm đi ít nhiều nếu họ không có chính sách gì hỗ trợ cho khách hàng, bởi người dùng Vertu rất nhiều và giá trị điện thoại rất lớn.

Cũng giống anh Hạnh, anh Tiến – một người dùng Vertu lâu năm nói rằng anh thích điện thoại Vertu bởi sự sang trọng tuyệt vời của nó. Phải cầm trên tay một chiếc điện thoại Vertu mới thấy cái “chất” của nó. Điện thoại được làm thủ công, chế tác tinh xảo bằng những chất liệu cao cấp. Anh Tiến nói rằng mình không quan tâm đến những tính năng hiện đại mà chỉ quan tâm đến giá trị thương hiệu mình đang dùng. Anh cũng cho rằng hãng nên có biện pháp gì đó giúp những chiếc điện thoại đắt đỏ có thể tiếp tục sử dụng thay vì để trong ngăn bàn.

Kiến nghị nhà mạng ngắt sóng 3G trước 2G

Anh Hải – một doanh nhân mà chúng tôi trò chuyện lại muốn kiến nghị nhà mạng ngắt sóng 3G thay vì 2G. Do 3G và 4G là những công nghệ gần như tương đương nhau (cùng là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu ngoài thoại như hình ảnh và âm thanh, chỉ khác nhau về tốc độ) nên việc tồn tại song song 2 công nghệ này là không hiệu quả. Trong khi số lượng điện thoại 2G ở Việt Nam vẫn còn rất lớn, anh Hải cho rằng nhà mạng không nên vội tắt sóng 2G.

“Thứ nhất là bất tiện. Thứ hai là dân Việt Nam mình có phải ai cũng dùng điện thoại thông minh hết đâu, khá nhiều người vẫn đang dùng điện thoại bình thường. Khi cắt sóng người ta lại phải mua điện thoại mới”, anh Hải nhận xét.

Chiếc Vertu Constellation X Titanium phiên bản giới hạn

Chiếc Vertu Constellation X Titanium phiên bản giới hạn

Hiện tại ở một số nước châu Âu người ta đang có xu hướng tắt sóng 3G trước 2G, chẳng hạn như các nhà mạng Vodafone (Anh), Deutsche Telekom (Đức) hay Telefonica (Tây Ban Nha). Việc giữ sóng 2G không phải là không có lý.

Anh Hải cho rằng người dùng không cần kiến nghị gì với hãng Vertu, bởi hãng không thể can thiệp chuyện tắt sóng ở Việt Nam. Có lẽ nên đề nghị nhà nước xem xét việc tắt sóng 3G trước, bởi theo anh Hải, những người dùng 3G, 4G đều sử dụng smartphone rồi nên không bị ảnh hưởng nhiều. (Theo số liệu mà chúng tôi đưa ra trong phần 1, số lượng người dùng 2G ở Việt Nam hiện nay là khoảng hơn 22 triệu thuê bao, trong khi người dùng 3G là 5,5 triệu thuê bao).

Khi được hỏi rằng nếu điện thoại trở thành “cục gạch”, liệu anh có còn gắn bó với thương hiệu Vertu nữa không, anh Hải nói rằng mình “sẽ mua một chiếc Vertu mới” bởi “thứ nhất là nó đẹp, thứ hai là sang trọng, thứ ba là nó khẳng định vị thế của doanh nhân”.

Người dùng thế giới nói gì?

Đa phần những người từng dùng điện thoại Vertu trên thế giới đều đánh giá cao sự sang trọng mà chiếc điện thoại này mang lại. Trên một diễn đàn trao đổi của trang công nghệ GSM Arena, rất nhiều người dùng chia sẻ sự tự hào được sở hữu món đồ này.

Một người dùng có nick là Moss Zwara viết: “Tôi đã mua chiếc Vertu vào năm 2014. Thiết bị này là một món đồ trang sức mà khi bạn cầm trên tay, mọi chiếc iPhone X, XS và 11 giống như những chiếc điện thoại rẻ tiền. Vertu đem lại cho tôi cảm giác tuyệt vời”.

Người dùng Winsor chia sẻ: “Vertu là mẫu điện thoại thiết thực. Bạn không cần phải so sánh nó với những chiếc điện thoại phổ biến như Nokia và Samsung, bởi thứ bạn cần không phải là cuộc gọi hay sự trợ giúp tiện lợi. Những người bình thường sẽ chẳng bao giờ hiểu được sự sang trọng thực sự là gì, vì thế đừng nên bình luận về nó”.

Khi đề cập đến việc điện thoại bị hỏng hoặc không thể sử dụng, người dùng Sadeghol nói rằng: “Kể cả khi bị hỏng, nó vẫn là một đồ vật trang trí giá trị”.

Còn một người dùng giấu tên cho biết: “Tôi không quan tâm đến việc điện thoại Vertu không có máy ảnh hay sóng di động GPRS. Tôi đang sở hữu chiếc Platinum Signature. Cần gì GPRS khi tôi đã có laptop có thể kết nối mạng tốt hơn. Cần gì camera chất lượng thấp trên điện thoại khi tôi đã có chiếc máy ảnh kỹ thuật số...”.