Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến đến năm 2022 sẽ tắt sóng 2G để tối ưu hóa hoạt động và dùng tài nguyên tần số cho các công nghệ mới, thúc đẩy xã hội số và nền kinh tế số.
Khi 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ kỹ thuật số, nhiều dịch vụ dữ liệu hơn sẽ được sử dụng và các nhà khai thác mạng sẽ có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Nhiều công ty Việt Nam hiện có thể làm chủ công nghệ và sản xuất điện thoại thông minh như Vingroup, BKAV và VNPT Technology. Các doanh nghiệp này có khả năng sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc. Những doanh nghiệp mạnh như Vingroup có năng lực sản xuất lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Đây là một bước đi thuận lợi để Việt Nam tắt sóng công nghệ cũ và khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh. Chiến lược này cũng sẽ khuyến khích ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam phục vụ thị trường địa phương 100 triệu dân.
Tuy nhiên, theo số liệu mà chúng tôi đưa ra trong phần 1, số lượng người dùng 2G ở Việt Nam hiện nay là khoảng hơn 22 triệu thuê bao, trong khi người dùng 3G là 5,5 triệu thuê bao. Theo chuyên gia về công nghệ, người dùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G là đối tượng những người có thu nhập thấp, nhất là người dân ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa khi giá smartphone còn cao. Vậy sau khi tắt sóng 2G, những người dùng trên sẽ cảm thấy thế nào?
Tâm lý ngại đổi mới của người dân vùng nông thôn
ông Nguyễn Văn Ba |
Huyện Thanh Hà, Hải Dương là một vùng đất trồng vải thiều nổi tiếng. Đất đai do phù sa bồi tụ, sông ngòi nhiều nên rất màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho trồng cây ăn trái. Người nông dân Thanh Hà cần cù, chịu khó, sống chân thật, trọng tình nghĩa. Phóng viên VietTimes đã có dịp về Thanh Hà, trò chuyện với ông Nguyễn Văn Ba về điện thoại 2G.
Ông Ba cho biết từ trước đến nay chỉ dùng điện thoại Nokia đời cũ chứ chưa dùng điện thoại thông minh bao giờ. Đối với ông, việc sử dụng điện thoại chỉ để gọi điện cho người thân, bạn bè khi có việc. Phần lớn thời gian hàng ngày là trên đồng áng, làm vườn nên ông không có nhu cầu sử dụng điện thoại nhiều, thậm chí nhiều lúc ông còn không mang điện thoại khi đi làm.
Khi nghe chúng tôi nói về kế hoạch tắt sóng 2G và chiếc điện thoại Nokia mà ông đang dùng có thể không thể sử dụng nữa, ông Ba bày tỏ mối lo ngại nhất định. Thứ nhất là lo ngại đã lớn tuổi, không thể sử dụng điện thoại thông minh thành thạo. Mặc dù trước đó, con cái có hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh cho ông nhưng do tâm lý không thích ứng được nên ông vẫn không dùng. Thứ hai là do điện thoại thông minh kích thước gấp rưỡi, gấp đối điện thoại đời cũ nên mang đi làm bất tiện. Đối với điện thoại cũ, nếu có rơi mất thì có thể mua cái mới chứ nếu làm rơi mất điện thoại thông minh thì rất đáng tiếc.
Ông Nguyễn Văn Tờ |
Chúng tôi cũng có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tờ. Ông cho biết mình chỉ nghe được thông báo về chuyển đổi sim 4G cho người dân. Gia đình ông có bốn người con thì ba người đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan và một cô con gái sinh sống ở Hải Phòng. Con gái đã mua điện thoại thông minh cho ông để thuận tiện nói chuyện trên Zalo nhưng do bận rộn nuôi gia cầm và chăm cháu cả ngày nên ông cũng không có thời gian sử dụng.
Thêm vào đó, do dùng điện thoại cũ quen rồi nên ông gặp khó khăn trong việc sử dụng điện thoại thông minh. "Nếu sau này điện thoại cũ không dùng được nữa, tôi phải bắt con cháu dạy cách dùng điện thoại cả tuần," ông Tờ cho biết.
Sẵn sàng đổi điện thoại vì tương lai của con cháu
Hai em nhỏ cùng học trực tuyến. |
Gia đình ông Ba nói trên có 2 em nhỏ đang học tiểu học. Do tình hình dịch bệnh nên hai bé đều phải học trực tuyến ở nhà. Tuy nhiên, do trong nhà chỉ có một chiếc máy tính để bàn nên phải mượn thêm một chiếc điện thoại khác hoặc phải cho một bé sang nhà bạn học nhờ. Ông Ba cho biết mình không có nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải chuyển sang điện thoại thông minh, ông cũng sẵn sàng mua vì muốn tạo điều kiện học tập cho các cháu.
Trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh đều phải tham gia học trực tuyến. Với những người dân vùng nông thôn không sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính thì đây là một vấn đề khó.
Kiến nghị chính sách hỗ trợ cho người dân
Ông Lê Văn Quyết |
Tham gia cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, ông Lê Quyết cho biết ông cũng chưa nắm bắt được thông tin sóng 2G sẽ bị cắt trong năm 2022. Hiện tại ông đang dùng cả điện thoại thông minh và điện thoại cũ bàn phím vật lý. Thông thường, với điện thoại Nokia đời cũ, ông chỉ dùng để mang theo khi đi làm đồng cho thuận tiện. Ông dùng chiếc điện thoại thông minh con cái mua cho để phục vụ nhu cầu giải trí khi rảnh rỗi.
Khi được hỏi liệu có sẵn sàng bỏ điện thoại cũ và chỉ dùng điện thoại thông minh, ông không phản đối vì yêu thích tính năng thuận tiện của điện thoại thông minh như đọc báo, nói chuyện với con cái miễn phí,... Ông có thể cài đặt ứng dụng Bluezone theo để theo dõi tình hình dịch bệnh và cùng chung tay chống dịch cùng cộng đồng.
Nếu điện thoại cũ đang dùng trở thành "cục gạch", ông kiến nghị nhà nước và các hãng bán điện thoại nên có chính sách hỗ trợ người dân như đổi điện thoại cũ, giảm giá chiết khấu,..
"Quanh nhà tôi có rất nhiều người già hoàn cảnh ở nhà một mình và họ chỉ quen dùng điện thoại đời cũ sóng 2G. Nếu giờ tự nhiên điện thoại không dùng được nữa chắc họ cũng chẳng biết làm sao. Vì đâu phải ai cũng có điều kiện mua điện thoại thông minh đâu. Con cái đứa hiếu thảo thì sẽ đổi điện thoại cho bố mẹ, đứa vô tâm thì lại lảng đi luôn. Nhà nước quan tâm hỗ trợ họ một chút thì người dân mới nhiệt tình hưởng ứng chính sách tắt 2G và đổi sang điện thoại hiện đại hơn," ông Quyết chia sẻ.
Người nông dân Hải Dương chia sẻ về nhu cầu sử dụng điện thoại 2G |
Đối với người dân vùng thôn quê nghèo khó, một nắng hai sương trên đồng ruộng, cuộc sống của họ phần lớn xoay quanh ruộng đồng, chăm sóc con cái học hành. Sự phổ biến của điện thoại thông minh tràn từ thành phố về vùng quê cũng mang lại nhiều sự mới mẻ, hấp dẫn cho người dân. Tuy nhiên, mức giá điện thoại thông minh đắt hơn điện thoại đời cũ giá rẻ là một vấn đề khiến nhiều người quan ngại.
Đón đọc phần 6: Việt Nam nên tắt 2G hay 3G