Sản xuất bảng mạch tại Ấn Độ. Ảnh Tech Wire Asia |
Trọng tâm kế hoạch của quốc gia Nam Á này hướng tới mục tiêu tự chủ về linh kiện bán dẫn, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và thiết lập năng lực sản xuất trong nước. Một trong những lợi thế chính của Ấn Độ là thị trường tiềm năng rộng lớn và đang phát triển.
Trong một báo cáo gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Công nghệ truyền thông Counterpoint Research, thị trường linh kiện bán dẫn Ấn Độ được dự báo sẽ cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc, giá trị thị trường dự kiến sẽ vượt 64 tỉ USD vào năm 2026. Có thể so sánh, năm 2019, ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn Ấn Độ được định giá 22,7 tỉ USD, theo một báo cáo chung của Counterpoint Research và Hiệp hội Điện tử & Bán dẫn Ấn Độ (IESA).
Counterpoint cho rằng, con số dự báo trên được thúc đẩy bởi sự tăng trường cả thị trường nội địa và xuất khẩu vào năm 2026, nhu cầu linh kiện bán dẫn sẽ gia tăng mạnh mẽ từ các ngành điện tử tiêu dùng, viễn thông, phần cứng CNTT và ngành công nghiệp IoT. “Những ứng dụng công nghiệp và “viễn thông” Ấn Độ dự kiến sẽ chiếm 2/3 tổng số giá trị này," báo cáo viết.
Trong khi đó, các thành phần điện tử, sử dụng nút công nghệ vi mạch trưởng thành (28nm và lớn hơn) dự kiến sẽ có nhiều cơ hội ngắn hạn theo nhu cầu của các ngành công nghiệp và ô tô điện đang phát triển của Ấn Độ. Tarun Pathak, Giám đốc Nghiên cứu của Counterpoint cho rằng trong ngắn hạn, một cơ hội lớn đang được tạo ra từ nhu cầu trong nước đối với những ứng dụng thông thường như cảm biến, chip logic và thiết bị analog.
Pathak cũng nhấn mạnh, “Những hoạt động tìm kiếm nguồn cung ứng tại địa phương đã được thực hiện.” Counterpoint cho biết, chỉ riêng nguồn cung ứng địa phương đã chiếm khoảng 10% thị trường tổng thể vào năm 2022.
Báo cáo của Counterpoint được đưa ra sau khi công ty nghiên cứu tổ chức một loạt hội thảo trực tuyến gần đây với các diễn giả chính trong ngành, thảo luận về những cơ hội ở Ấn Độ trong chương trình thiết lập những cơ sở sản xuất linh kiện bán dẫn và trở thành một điểm đến quan trọng nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Hội thảo trực tuyến được Invest India, Cơ quan xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia, và Cơ quan bán dẫn Ấn Độ (ISM) đồng tổ chức. Ở cấp độ toàn cầu, chính phủ Ấn Độ cam kết trở thành đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực công nghệ.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội quản lý cung ứng ISM, Amitesh Kumar Sinha, trong hội thảo trực tuyến đã chia sẻ: “Hơn 70% chi phí dự án sản xuất linh kiện bán dẫn được chính phủ Trung ương và chính quyền Bang địa phương ở Ấn Độ được khuyến khích bằng hỗ trợ tài chính, trong đó Chính phủ Trung ương tài trợ 50% trên cơ sở trả trước và Chính quyền tiểu bang chi trả phần còn lại.
Đồng thời, Chính phủ Trung ương có Chương trình Semicon Ấn Độ với nguồn kinh phí khoảng 10 tỉ USD, tài trợ 50% chi phí dự án sản xuất chất bán dẫn với 2,5% nguồn ngân sách dành cho R&D, phát triển kỹ năng công nghệ và đào tạo kỹ năng nghề. Các nguồn tin cho biết, New Delhi có kế hoạch mở lại quy trình đăng ký nhận hỗ trợ từ khoản ngân sách 10 tỉ USD nhằm khuyến khích sản xuất chip trong nước, theo bản tin của Bloomberg.
Trước đó, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi ban đầu chỉ cho các công ty 45 ngày kể từ ngày 1/1/2022 nộp đơn xin hỗ trợ tài chính sản xuất linh kiện bán dẫn. Nhà nước cam kết tài trợ tới 1/2 chi phí xây dựng một nhà máy sản xuất chip.
Nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó khiến chỉ có một số ứng viên nộp đơn, bao gồm liên doanh của Công ty Tài nguyên Vedanta từ bang Agarwal và Công ty Công nghiệp Chính xác Hon Hai của Đài Loan, một tập đoàn công nghệ, trong đó có Công ty sản xuất bán dẫn Tower Semiconductor.
Các quan chức Ấn Độ cho biết, phương thức tiếp cận mới nhất là giữ cho quy trình kết thúc mở, loại bỏ giới hạn 45 ngày nộp đơn đối với mọi doanh nghiệp. Ấn Độ có kế hoạch chấp nhận đơn đăng ký cho đến khi chi phí hỗ trợ bao trùm hết số tiền ưu đãi 10 tỉ USD.
Theo Tech Wire Asia