Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương tắt sóng công nghệ 2G theo phương án Bộ đã trình để có thể thực hiện ngay các giải pháp cần thiết từ đầu năm 2020, hướng tới mục tiêu tắt sóng vào 2022.
Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tắt sóng 2G là biện pháp quan trọng giúp đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, đưa 100% người dân Việt Nam thành công dân điện tử, giúp doanh nghiệp viễn thông giảm chi phí vận hành công nghệ cũ, giúp phát triển nhà sản xuất thiết bị trong nước, phổ cập dịch vụ chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định tắt sóng 2G không chỉ tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí tần số cho nhà mạng mà còn đưa 100% dân số sử dụng điện thoại thông minh, sẵn sàng trở thành công dân số.
Theo thống kê, trong số 64 triệu người dùng internet tại Việt Nam 2019, thì số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động là 61,73 triệu người (chiếm 96% số người sử dụng internet). Trong số 143.3 triệu số thuê bao được đăng ký thì có tới 45% đã đăng ký 3G và 4G.
Tuy nhiên, số lượng lớn người dân, đặc biệt là nhóm người già hoặc ở vùng nông thôn vẫn sử dụng điện thoại 2G (để nghe gọi, nhắn tin). Khi , người dùng sẽ phải chuyển đổi sang dùng điện thoại thông minh để có thể sử dụng 3G, 4G hay 5G.
Trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone).
Hiện Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. VNPT, MobiFone đã triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019.
Cục Viễn thông cho biết nhu cầu và hạ tầng viễn thông giai đoạn tới rất cao, đặc biệt để phát triển mạng 5G và các hạ tầng số. Vì vậy, năm 2020 sẽ cần tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông như cấp tần số để nâng cao dung lượng cho mạng 4G thông qua đấu giá băng tần 2,6GHz, 700MHz. Mặt khác, Cục cho rằng cần giải phóng các băng tần có thể sử dụng cho 4G, 5G trong tương lai cũng như nhanh chóng nâng chất lượng dịch vụ lên ngang tầm thế giới, nâng cao 38 thứ hạng.
Cục Viễn thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo để có thể tiến hành đấu giá, cấp phát tần số bổ sung cho mạng 4G, chuẩn bị đấu giá cho 5G.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020, trước mắt là dịch vụ băng rộng tốc độ cao, ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp có nhu cầu, mật độ cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai dịch vụ 5G./.