Điện thoại Vertu Signature M
Điện thoại Vertu Signature M

E-magazine Phần 2: Tắt sóng 2G, điện thoại Vertu tiền tỉ trở thành “cục gạch”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Như đã đề cập ở bài trước, Việt Nam dự kiến sẽ tắt sóng 2G vào năm 2022. Tất cả những chiếc điện thoại hỗ trợ 2G, trong đó có một số mẫu Vertu, sẽ chỉ để làm kỷ niệm.

Vertu – điện thoại dành cho giới thượng lưu

Nhắc đến Vertu, nhiều người biết ngay đó là một thương hiệu điện thoại xa xỉ. Vertu được thành lập vào năm 1998, là một chi nhánh của Nokia với mục tiêu sản xuất những mẫu điện thoại di động hạng sang dành cho giới thượng lưu. Khi công ty Vertu ra mắt, nó đã nhận được khá nhiều hoài nghi khi Nokia đang rất thành công với các mẫu điện thoại phổ thông.

Người đứng đầu dự án Vertu lúc đó là Frank Nouvo, Giám đốc thiết kế của Nokia. Sau 4 năm nghiên cứu phát triển, đến năm 2012, mẫu điện thoại đầu tiên của Vertu đã được ra mắt tại Paris với tên gọi là Signature (Dấu ấn). Signature về sau đã trở thành dòng điện thoại thành công nhất của Vertu.

Cũng trong năm 2012, Nokia đã bán Vertu cho EQT. Đến năm 2015, Vertu lại về tay Godin Holdings (Trung Quốc). Tháng 3/2017, tập đoàn Baferton (Thổ Nhĩ Kỳ) đã mua lại hãng này nhưng chỉ 4 tháng sau Vertu phá sản, các nhà máy ở Anh ngừng hoạt động. Đến tháng 10/2018, Vertu lại tiếp tục quay trở lại thị trường khi ra mắt mẫu điện thoại Aster P tại Trung Quốc.

Trong 15 năm qua, điện thoại Vertu luôn được giới thượng lưu yêu thích. Nhiều phiên bản được khách hàng VIP săn đón như Clous de Paris, White Mother of Pearl, Cobra, Kinko, Daigo...

Sở dĩ điện thoại Vertu đắt đỏ mà vẫn được nhiều người săn đón là vì 3 yếu tố. Thứ nhất, nó được ráp bằng tay 100%. Vertu cũng giống như đồng hồ Rolex – mọi khâu lắp ghép đều được làm thủ công bởi bàn tay tài hoa, sự tỉ mẩn và kỳ công của đội ngũ sản xuất. Thứ hai, Vertu được sản xuất từ những vật liệu quý hiếm và đắt đỏ nhất thế giới như vàng, bạch kim, Titan, liquidmetal… Thứ ba, điện thoại Vertu được nghiên cứu tỉ mỉ và kiểm định rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn như mẫu Vertu Signature đời đầu đã phải cần tới 8 kỹ sư nghiên cứu trong 4 năm mới hoàn thiện được phần bàn phím. Mỗi chiếc máy đều phải trải qua 100 cuộc kiểm tra nghiêm ngặt trước khi tung ra thị trường.

Việt Nam trong quá khứ từng là thị trường quan trọng thứ 3 của Vertu. Tâm lý người Việt thường thích thể hiện đẳng cấp thông qua những món đồ xa xỉ và Vertu chính là loại điện thoại đáp ứng được điều này.

Tắt sóng 2G ảnh hưởng thế nào đến người dùng Vertu?

Trở lại với chính sách của Bộ Thông tin – Truyền thông. Hiện hạ tầng mạng Việt Nam đang tồn tại 4 công nghệ: 2G GSM, 3G, 4G LTE-A, và đang kinh doanh thử nghiệm 5G tại một số địa điểm ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Bình Phước. Theo dự kiến, đến năm 2022, các nhà mạng sẽ được yêu cầu tắt sóng 2G để đảm bảo hạ tầng cho các mạng 3G, 4G, 5G. Nhiều người dùng Vertu đã lo ngại rằng có thể điện thoại của họ sẽ không còn khả năng sử dụng được nữa. Lo ngại này liệu có thực tế?

Showroom Vertu tại Việt Nam

Showroom Vertu tại Việt Nam

Quả đúng là những năm đầu khi ra mắt, do là một chi nhánh của Nokia nên các mẫu điện thoại Vertu sử dụng hệ điều hành Symbian – hầu như chỉ hỗ trợ 2G. Đến đầu năm 2013, trước sự lên ngôi của hệ điều hành Android và iOS, Vertu đã lựa chọn chuyển sang cài đặt hệ điều hành Android cho các mẫu điện thoại của mình. Với Android, các mẫu điện thoại Vertu đã dần hỗ trợ các băng tần 3G và 4G, nhưng vẫn có những mẫu chỉ sử dụng được ở băng tần 2G.

Để bạn đọc rõ ràng hơn, VietTimes xin giải thích một chút. Chuẩn di động 2G (GSM) chạy trên 4 băng tần: 850 MHz (châu Mỹ), 900 MHz (châu Âu, châu Á), 1800 MHz (châu Âu, châu Á) và 1900 MHz (châu Mỹ). Khi xem thông số kỹ thuật trên các mẫu điện thoại, nếu chúng ghi là (900/1800/1900 MHz) hoặc (850/1800/1900 MHz) hoặc (850/900/1800/1900 MHz) thì đây chính là điện thoại 2G.

VietTimes đã đặt câu hỏi cho ông Bùi Hà Long, Phó trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), rằng liệu một số mẫu điện thoại Vertu có thể trở thành “cục gạch” sau khi nhà mạng tắt sóng 2G?. Ông Bùi Hà Long cho biết những mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ 2G chắc chắn sẽ không thể liên lạc (voice, SMS) được nữa. Để biết mẫu điện thoại Vertu nào chỉ hỗ trợ 2G thì phải xem thông số kỹ thuật của nó.

Phóng viên VietTimes đã khảo sát nhanh một website bán điện thoại Vertu tại Việt Nam và phát hiện có ít nhất 2 mẫu điện thoại, một loại gần 100 triệu và một loại 980 triệu đều chỉ hỗ trợ 2G. Nếu tắt sóng 2G, có vẻ như 2 mẫu điện thoại này sẽ biến thành “cục gạch”. (Lưu ý: không loại trừ khả năng thông số trên website là chưa chính xác).

Mẫu điện thoại này dường như chỉ hỗ trợ 2G

Mẫu điện thoại này dường như chỉ hỗ trợ 2G

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hà Long có đặt ra giả định rằng, do người dùng Vertu đều là khách hàng VIP nên hãng có thể thay thế phần cứng liên lạc miễn phí cho chủ sở hữu lên 3G/4G. Hãng Vertu có thể đặt hàng sản xuất ruột máy phù hợp với thiết kế của máy cũ để thay. Chi phí này có vẻ không đáng kể so với giá trị của máy.

Phóng viên VietTimes đã liên lạc với đại diện bán hàng của Vertu tại Việt Nam qua số Hotline để hỏi về chính sách hỗ trợ hoặc bảo hành của hãng đối với những mẫu điện thoại Vertu 2G. Đại diện Vertu cho biết, cũng giống như các thiết bị di động khác, khi vòng đời công nghệ thay đổi thì bất kỳ hãng điện thoại nào, kể cả là Samsung hay Apple, cũng không thể hỗ trợ những mẫu điện thoại dùng công nghệ quá cũ. Đối với một số mẫu điện thoại Vertu, dù có giá vài trăm triệu hoặc lên tới gần 1 tỉ đồng thì nó vẫn chỉ là giá trị về thương hiệu và chất liệu, còn công nghệ cũ thì không thể hỗ trợ được.

Khi được hỏi liệu có khả năng Vertu sẽ nâng cấp mô đun 3G/4G cho các máy 2G cũ, đại điện Vertu nói rằng điều này rất ít khả năng xảy ra. Người đại diện cũng nhấn mạnh rằng từ năm 2017 trở lại đây, Vertu đã ngừng sản xuất các dòng Signature thế hệ cũ. Hiện Vertu chỉ phân phối chính hãng tại Việt Nam hai dòng Signature V và Aster P đều sử dụng hệ điều hành Android và hỗ trợ 4G.

Có thể thấy công nghệ luôn thay đổi, ngày càng hiện đại hơn. Vì thế, một mẫu điện thoại đắt đỏ trở nên lỗi thời cũng không có gì là lạ.