Cái chết lâm sàng của nhiều tạp chí
Cuối năm 2011, một tờ tạp chí hàng đầu về CNTT tại Việt Nam là Thế giới Vi tính (PC World Vietnam) đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng do nguồn thu từ quảng cáo không còn dồi dào nữa và bạn đọc cũng không mặn mà như trước. Để giải quyết những khoản thua lỗ rất lớn, PC World Vietnam phải nhờ đến sự liên kết của Công ty Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online). Sau đó, sang năm 2012, PC World Vietnam chỉ còn lại 1 ấn bản duy nhất cùng phiên bản điện tử của họ thay vì có đến 4 ấn bản hàng tháng cho các chuyên đề máy tính và mạng, chính sách và ứng dụng, game, điện tử tiêu dùng.
Liệu rằng có thể có được một cuộc cách mạng để khôi phục vị thế của báo in hay không?
|
Hàng đầu như PC World Vietnam mà còn lâm vào tình trạng này thì các tạp chí CNTT khác như Tin học & Đời sống, Tin học Ngân hàng và Tin học Tài chính còn khó khăn hơn. Riêng với Tạp chí eCHIP của VietnamNet, tuy có khá khẩm hơn nhưng cũng chịu chung số phận và từ 3 ấn phẩm ra hàng tuần chỉ còn lại 1 ấn bản vào năm 2012. Đến năm 2014 thì eCHIP chỉ còn duy trì bản điện tử. Rất may, Tin học Ngân hàng và Tin học Tài chính là của cơ quan nhà nước nên vẫn còn duy trì được. Trước những thực tế nói trên, trong 10 sự kiện CNTT năm 2011 được Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn đã có chuyện “Các tạp chí CNTT lao đao trong cơn khủng hoảng”.
Rồi tới năm 2014, 02 tạp chí từng vang bóng một thời là Thế giới mới và Kiến thức Ngày nay với những thông tin quốc tế rất phong phú cũng buộc phải đóng cửa do không có bạn đọc. Theo ban biên tập của 2 cơ quan này, chính Internet đã giết chết họ. Thay vì phải đợi hàng tuần và phải bỏ tiền ra mua bản in của họ, độc giả hoàn toàn có thể vào Internet để tìm kiếm thông tin. Và nếu không thạo ngoại ngữ thì cũng không quan trọng vì đã có công cụ dịch thuật miễn phí được Google cung cấp. Cho dù bản dịch của Google không thực sự mỹ mãn nhưng chỉ cần đạt yêu cầu tới 60 – 70% là đã thỏa mãn với người đọc.
Đương nhiên, các tạp chí chuyên ngành khác ở Việt Nam cũng chịu chung số phận. Song theo nhận xét của tổng biên tập một báo lớn thì đa phần các tạp chí tại Việt Nam đã “chết lâm sàng”. Vì thế, quyết định cho “đóng cửa” hoặc sáp nhập tới 7 tạp chí chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải hồi 2015 được vị tổng biên tập nói trên cho rằng nhiều cơ quan nhà nước khác nên học tập.
Khi số lượng các sạp báo in ngày càng ít đi
Tại Hà Nội bây giờ, muốn mua lẻ một tờ báo in nào đó với độc giả là một việc không đơn giản vì ở khu vực trung tâm hiện chỉ còn 3 điểm: ở cổng trụ sở báo Nhân Dân tại phố Hàng Trống, Bưu cục Tràng tiền và cạnh Bưu cục Cửa Nam. Khách hàng đến mua báo với họ cũng không còn xúm vào nữa và thậm chí nhiều lúc cũng không có khách nào. Để tồn tại, các sạp báo này phải treo biển chính là bán sim, thẻ điện thoại… Còn hình ảnh quen thuộc của nhiều năm trước của những người bán báo dạo trên hè phố thì đã là chuyện dĩ vãng.
Những sạp báo như thế này đang ngày càng vắng bóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành.
|
Có thể nói, về cơ bản hiện nay việc phát hành báo in là theo sự đặt hàng. Cũng không biết một doanh nghiệp nhà nước của ngành bưu điện là Công ty Phát hành Báo chí Trung ương đang hoạt động ra sao nhưng, về cơ bản thì sạp báo của các bưu cục cũng không còn hiện diện những năm gần đây.
Hơn 10 năm trước, cả bưu điện và các doanh nghiệp tư nhân về phát hành báo chí vẫn sống khỏe. Nhưng nay thì tình hình là khó khăn hơn rất nhiều. Khách hàng đặt báo của họ thì ngay cả các cơ quan nhà nước cũng cắt giảm số lượng đầu báo vì giá bìa của các báo đều đã tăng mấy lần, trong khi đó, ngân sách được chi thì không thay đổi.
Ông Lại Đặng Quốc Minh – giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Handy, một doanh nghiệp từng rất thành công trong thị trường này cho biết, so với 3 năm trước, doanh số phát hành của họ đã giảm chỉ còn 1/3 và số lượng nhân viên giao báo cũng buộc phải giảm đi. Rất may là công ty của ông đã nhìn nhận trước được xu thế từ nhiều năm trước nên đã cải thiện được tình hình bằng cách khai thác thị trường giao nhận hàng hóa, nhất là dịch vụ này sẽ rất phát triển do xu hướng của thương mại điện tử.
Các cơ quan báo chí phải làm gì?
Năm 2005, nhiều cơ quan báo chí cùng với Công ty Phát hành Báo chí Trung ương và các doanh nghiệp phát hành tư nhân đã xúc tiến thành lập Hiệp hội Phát hành Báo chí Việt Nam để cùng hỗ trợ nhau duy trì, phát triển thị trường. Tuy nhiên, tình trạng là không thể cải thiện được và những nỗ lực đạt được cũng chỉ là duy trì lượng bạn đọc đã đặt mua theo năm và chủ yếu là các cơ quan nhà nước. Cách đây vài năm, một chuyên viên phát hành của báo Lao Động cho biết, số lượng bản in của họ cứ bị hụt đi năm sau so với năm trước là hàng ngàn bản.
Liệu rằng trong hoàn cảnh đó, các cơ quan báo chí phải làm gì? In ra bao nhiêu bản mỗi kỳ hiện tại là bí mật và nếu nói ra thì chắc chắn sẽ rất buồn. Vì thế, rất khó có thể có được số liệu cụ thể từ các tòa soạn. Tuy nhiên, có một cách là hãy tìm đến các nhà in để thu thập thông tin ở đây. Và nếu không thu thập được những thông tin này thì đành mất thời gian thống kê theo số lượng xe chở báo từ nhà in.
Với nhiều cơ quan báo chí ngày nay, bản in chỉ là để làm cho có theo quy định của giấy phép và báo điện tử mới là sống còn với họ. Về điều này, ông Nguyễn Bá Kiên – Tổng biên tập báo Giao Thông chia sẻ, nhiều năm trước báo in của họ đã phấn đấu hàng tuần tới 5 kỳ/tuần. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thì phải xin giảm xuống 2 – 3 kỳ/tuần và tập trung vào báo điện tử. Còn với báo Đất Việt, khi ra đời năm 2008 được xuất bản 3 kỳ/tuần rồi 1 năm sau là hàng ngày. Tuy nhiên, đến năm 2011 chỉ còn duy trì 1 kỳ/tuần với báo in do thua lỗ quá nặng.
Khi đã sở hữu điện thoại thông minh thì ai cũng có thể đọc báo điện tử mọi nơi, mọi lúc
|
Theo TS Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, sự thắng thế của báo điện tử là xu thế tất yếu. Với báo in, khi tờ báo ra sạp thì mọi thông tin có thể đã cũ. Với sự hiện diện của Internet, thế giới phẳng đã chuyển thành thế giới nhanh và chỉ cần vào mạng mà không cần ra sạp báo, lại không mất tiền, là ai ai cũng nắm bắt được những thông tin mới nhất. Cũng cần đề cập là với sự hiện diện ngày càng nhiều của điện thoại thông minh tới cả những người sử dụng là anh xe ôm, chị đồng nát thì ai ai cũng có thể xem báo điện tử mọi nơi, mọi lúc.
Liệu rằng có thể có được một cuộc cách mạng để khôi phục vị thế của báo in hay không? TS Trần Bá Dung cho rằng đó là điều không khả thi và có chăng chỉ có những tạp chí khoa học chuyên ngành mà nguồn thu của họ là từ chính các nhà khoa học có nhu cầu công bố công trình nghiên cứu để được tính điểm cho các đề tài khoa học. Đó cũng là thực tế của báo chí khoa học ngay cả tại các nước phát triển. Tuy nhiên, ngoài nguồn thu này thì các tạp chí khoa học trong một chừng mực nào đó vẫn cần đến sự bao cấp của nhà nước hay sự tài trợ không vụ lợi của doanh nghiệp.