Sự trở lại khó hiểu của Palm

Palm là thương hiệu vang bóng một thời trong lĩnh vực thiết bị di động. Vì thế, giới công nghệ rất chờ đón về sự hồi sinh của một huyền thoại. Tuy nhiên, sự trở lại này không hề hoành tráng và còn gây khó hiểu.
Palm - chiếc điện thoại không phải là điện thoại. Ảnh: Cnet.
Palm - chiếc điện thoại không phải là điện thoại. Ảnh: Cnet.

Trong khi hầu hết smartphone hiện có kích thước màn hình trên 5-6 inch thì công ty startup mang tên Palm ở San Francisco (Mỹ) lại cho ra đời chiếc điện thoại chỉ vỏn vẹn 3,3 inch. Trước đó, HP mua Palm vào năm 2010 với giá 1,2 tỷ USD, rồi bán lại cho TCL và cuối cùng công ty Trung Quốc nhượng thương hiệu Palm cho startup ở Mỹ.

Đúng như tên gọi, Palm đủ nhỏ để nằm trong lòng bàn tay. Nhưng thực tế, nó chẳng phải là một chiếc điện thoại. Nó đóng vai trò như một thiết bị hỗ trợ cho smartphone, có thể nhận được tin nhắn, cuộc gọi nhưng không thể sử dụng như một điện thoại độc lập.

Palm có kích thước 97 x 50 x 7,4 mm, nặng 62,5 gram, được trang bị camera 12 megapixel và camera trước 8 megapixel, chip Snapdragon 435, RAM 3 GB, bộ nhớ trong 32 GB, hệ điều hành Android 8.1 được tùy biến để phù hợp với màn hình nhỏ. Nó được bán thông qua nhà mạng Verizon (Mỹ) để có thể sử dụng tính năng NumberShare, tức dùng chung số điện thoại với smartphone chính. 

Nói cách khác, Palm là điện thoại "thế thân" cho chiếc smartphone màn hình lớn của bạn. Nó có giá tới 349 USD nhưng lại không thể hoạt động độc lập, trong khi màn hình quá nhỏ để xem video, chơi game hay soạn thảo nhanh. Nhưng nó phù hợp để nghe nhạc, gọi điện, nhắn tin và theo dõi thông tin khi tập gym, chạy bộ... hay khi bạn không muốn bị xao lãng khi ở bên bạn bè, người thân.

Khác với Nokia, sự hồi sinh của Palm được CNet đánh giá là mạo hiểm. Liệu Palm có hiệu quả hơn những đồng hồ smartwatch có hỗ trợ LTE mà các hãng khác đang bán trên thị trường? Bởi đồng hồ thông minh cũng được kết nối với smartphone để nhận cuộc gọi, tin nhắn, theo dõi các chỉ số sức khỏe...

Điểm khác biệt trên Palm chính là tính năng Life Mode. Nó mang đến giải pháp để người dùng thoát khỏi các thông báo từ Facebook, email... tràn ngập trên smartphone. Life Mode sẽ tắt sóng không dây (cả mạng di động và Wi-Fi) nếu màn hình tắt và mạng chỉ được kích hoạt trở lại khi màn hình sáng.

Đây là điều mà các hãng công nghệ như Facebook, Apple cũng đang hướng tới để chữa chứng nghiện điện thoại của người dùng. "Các ứng dụng khiến chúng ta sử dụng điện thoại cả khi chúng ta thực sự nên dành thời gian cho việc khác. Chúng gửi tới hàng loạt nhắc báo để lôi kéo sự chú ý vì sợ ta bỏ lỡ. Chúng ta không nhận ra mình đã trở nên xao lãng với nhiều thứ khác như thế nào", Craig Federighi, Phó chủ tịch Apple, nhấn mạnh trong sự kiện WWDC ngày 5/6 tại San Jose (Mỹ).

Theo VnExpress

https://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/san-pham/su-tro-lai-kho-hieu-cua-palm-3824756.html