Ông Trump nhận "món quà đặc biệt" trong bữa tối tại Nhà Trắng và bài toán hòa bình Trung Đông

Trong bữa tối tại Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trao cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một lá thư đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình, động thái đầy bất ngờ giữa tiến trình đàm phán ngừng bắn Gaza.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trao cho Tổng thống Mỹ Donald Trump bức thư đề cử giải Nobel Hòa bình. Ảnh: Al Jazeera.

Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Nhà Trắng vào tối thứ Hai để dùng bữa tối, ông mang theo một “món quà” mà có lẽ không gì khiến Tổng thống Donald Trump vui hơn: một lá thư đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình.

Giải thưởng này từ lâu đã trở thành một trong những niềm đam mê lớn nhất của ông Trump – thứ mà ông cho là hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột toàn cầu, trong đó có chiến tranh giữa Israel và Hamas tại Gaza.

Việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài cho cuộc xung đột đã kéo dài 21 tháng sẽ phụ thuộc một phần vào việc ông Netanyahu có sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận chấm dứt giao tranh hoàn toàn hay không – điều mà ông Trump dự kiến sẽ gây áp lực với ông Netanyahu trong bữa tối tại Phòng Xanh của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trước khi bữa ăn được phục vụ, ông Netanyahu nhanh chóng ca ngợi vai trò kiến tạo hòa bình của ông Trump, ngay cả khi các nhà đàm phán vẫn đang hoàn tất những chi tiết cuối cùng của một thỏa thuận ngừng bắn.

“Ông ấy đang kiến tạo hòa bình, ngay lúc này, ở hết quốc gia này đến quốc gia khác, khu vực này đến khu vực khác”, ông Netanyahu nói, trong lúc vươn tay trao lá thư cho ông Trump. “Vì vậy, tôi xin trình Tổng thống bức thư tôi đã gửi tới Ủy ban Nobel – đề cử ông cho giải Hòa bình, điều mà ông hoàn toàn xứng đáng và nên được nhận”.

“Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi không hề biết điều này. Thật tuyệt vời”, ông Trump đáp lại, có vẻ xúc động. “Đặc biệt khi điều đó đến từ ông – điều này thực sự rất có ý nghĩa. Cảm ơn ông, Bibi”.

Đối với ông Trump, việc kết thúc chiến tranh tại Gaza sẽ là một dấu ấn nữa trong hành trình giành giải Nobel Hòa bình cũng như khát vọng lâu dài và đầy khó khăn của ông nhằm thiết lập hòa bình tại Trung Đông như một phần di sản chính trị.

“Tôi đang chấm dứt chiến tranh. Tôi ghét nhìn thấy con người thiệt mạng”, ông Trump nói khi bữa tối bắt đầu.

Ông Trump coi ông Netanyahu là một đồng minh then chốt để đạt được mục tiêu đó, dù đôi lúc ông cũng từng chỉ trích mạnh Thủ tướng Israel nếu ông này bị cho là cản trở tiến trình. Lúc này, ông Trump cần cả Hamas và ông Netanyahu đồng ý với những điều khoản mà cả hai từng bác bỏ trước đây – đặc biệt là việc liệu lệnh ngừng bắn có đồng nghĩa với việc kết thúc hoàn toàn cuộc chiến hay không.

Ngay cả khi mời ông Netanyahu dự bữa tối, ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Iran, và kêu gọi hủy bỏ phiên tòa tham nhũng nhằm vào ông Netanyahu, ông Trump vẫn gây sức ép buộc Thủ tướng Israel phải hành động: chấm dứt chiến tranh tại Gaza.

“Chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời, có thể nói là vất vả, nhưng đạt được kết quả rất tốt gần đây”, ông Trump nói – ám chỉ đến các đợt oanh tạc gần đây của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran. “Và chúng ta sẽ có thêm nhiều kết quả lớn”.

Sau nhiều tháng bế tắc, giờ đây động lực mới cho một thỏa thuận ngừng bắn dường như đã xuất hiện. Ông Trump đơn giản là cần đảm bảo, bằng cách gây thêm áp lực với ông Netanyahu trong chuyến thăm này, rằng thỏa thuận sẽ không đổ vỡ vào phút chót.

“Tổng thống có thể gây áp lực với Thủ tướng Israel, nhưng cũng có thể đưa ra những ‘củ cà rốt’, nếu có thể nói vậy”, ông Michael Oren, cựu Đại sứ Israel tại Mỹ, nhận định. “Một trong số đó có thể là duy trì lựa chọn tấn công quân sự nhằm vào Iran – nếu Iran cố khôi phục lại các cơ sở hạt nhân bị phá hủy – một quyết định rất khó khăn trước làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Mỹ”.

Người dân Palestine kiểm tra địa điểm xảy ra cuộc không kích của Israel, làm hư hại và phá hủy các tòa nhà dân cư tại trại tị nạn Shati ở Thành phố Gaza vào ngày 4/7. Ảnh: Reuters.

Hiện các nhà đàm phán từ Israel và Hamas đang ở Qatar để hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày, bao gồm việc thả con tin theo giai đoạn và tăng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Đặc phái viên Steve Witkoff của ông Trump dự kiến sẽ tham gia vòng đàm phán này vào cuối tuần này, Nhà Trắng thông báo, cho thấy tiến trình vẫn đang tiếp tục.

Qatar đã đưa ra đề xuất mới vào đầu tuần trước, và Israel nhanh chóng chấp nhận. Kế hoạch này tìm cách đáp ứng yêu cầu then chốt của Hamas rằng thỏa thuận ngừng bắn phải dẫn tới chấm dứt hoàn toàn chiến tranh.

Thứ Sáu tuần trước, Hamas cho biết họ phản hồi tích cực với đề xuất, nhưng cũng yêu cầu một số điều chỉnh. Dù nói rằng những thay đổi này là “không thể chấp nhận”, Israel vẫn thông báo sẽ cử phái đoàn tới tham dự các cuộc đàm phán gián tiếp – giai đoạn gần cuối trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.

“Họ muốn gặp và họ muốn có lệnh ngừng bắn”, ông Trump nói về các cuộc đàm phán.

Trong quá khứ, nhiều thỏa thuận ngừng bắn tưởng như đã rất gần, nhưng lại sụp đổ vì bất đồng sâu sắc. Tuy nhiên, cục diện thay đổi tại Trung Đông – nhất là sau cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran – đã thắp lên hy vọng mới về khả năng đạt được thỏa thuận.

“Thủ tướng bước vào cuộc họp này với sức mạnh từ chiến thắng quân sự của Israel trước Iran. Còn Tổng thống bước vào với uy thế từ chiến thắng của Mỹ trước Iran”, ông Oren nhận định. “Cả hai đều có thể thể hiện sự linh hoạt. Rõ ràng Tổng thống rất muốn có thỏa thuận này”.

Nếu thỏa thuận đạt được, ông Trump dường như sẵn sàng nhận công lao, với sự hỗ trợ từ ông Netanyahu. Trước khi khởi hành đến Washington, ông Netanyahu nói cuộc gặp với ông Trump “chắc chắn có thể thúc đẩy kết quả này”, và rõ ràng ông Trump cũng kỳ vọng như vậy.

“Tôi nghĩ rất có khả năng trong tuần này sẽ có một thỏa thuận với Hamas, liên quan đến khá nhiều con tin”, ông Trump nói với báo giới tại New Jersey hôm Chủ nhật tuần trước.

Đối với ông Trump, chấm dứt chiến tranh Gaza sẽ là bước quan trọng trong kế hoạch lớn hơn tại Trung Đông – bao gồm mục tiêu tối thượng: bình thường hóa quan hệ giữa Arab Saudi và Israel, nối tiếp các thỏa thuận Abraham mà ông từng ký kết trong nhiệm kỳ đầu. Việc Riyadh tham gia thỏa thuận có thể kéo theo các quốc gia Hồi giáo hoặc Arab khác.

Lãnh đạo Arab Saudi – đặc biệt là Thái tử Mohammed bin Salman – từng khẳng định sẽ không bình thường hóa quan hệ khi chiến tranh Gaza còn tiếp diễn, do đó việc chấm dứt chiến sự là điều kiện then chốt cho tham vọng của ông Trump.

Một phần quan trọng khác trong kế hoạch của ông Trump là tương lai của Gaza sau chiến tranh. Israel kiên quyết không để Hamas cai trị trở lại. Vai trò của chính quyền Palestine vẫn chưa rõ ràng, nhưng sẽ có ý nghĩa sống còn nếu muốn nhận được hỗ trợ tài chính từ các nước Vùng Vịnh để tái thiết Gaza.

Một phương án ít được thảo luận – nhưng từng được ông Trump đưa ra – là kế hoạch "di dời cư dân Palestine khỏi Gaza và biến nơi này thành 'Riviera Trung Đông'", lần đầu nêu ra trong chuyến thăm trước của ông Netanyahu hồi tháng 2.

Kế hoạch này từng gây tranh cãi lớn khi ông Trump công khai phát biểu cùng ông Netanyahu trong buổi họp báo. Nhưng kể từ đó, nó phần lớn đã bị gác lại trong các cuộc thảo luận chính thức.

Khi được hỏi hôm đầu tuần rằng liệu kế hoạch này còn nằm trên bàn hay không, ông Trump trả lời rằng đó là câu hỏi dành cho ông Netanyahu.