Ông Hoàng Quốc Vượng mong muốn được trả lại tài sản bị thu giữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bị cơ quan điều tra thu giữ 4 thẻ ngân hàng, iPhone 15 Pro Max màu đen, iPhone 13 Pro Max, Samsung, iPad, 2 MacBook và khoảng 700 triệu đồng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương mong HĐXX xem xét cho ông và gia đình được nhận lại.

Ngày 22/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng 11 bị cáo khác liên quan đến dự án điện mặt trời.

Ông Vượng bị cáo buộc "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", dẫn đến mở rộng đối tượng hưởng giá điện mặt trời ưu đãi, gây thiệt hại hơn 1.040 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Cáo trạng xác định, từ ngày 31/8/2018 đến 6/4/2020, ông Hoàng Quốc Vượng, đã trực tiếp chỉ đạo, tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Anh 1.jpg
Ông Hoàng Quốc Vượng được cảnh sát đưa đến phiên tòa.

Quá trình thực hiện, ông Vượng được xác định biết rõ các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi, ông đã lợi dụng chức vụ, cố ý chỉ đạo Cục Điện lực xây dựng dự thảo theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi.

Ngoài ra, ông Vượng thống nhất chủ trương đề xuất phê duyệt bổ sung quy hoạch và xin cơ chế giá ưu đãi cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Cơ quan tố tụng xác định ông Hoàng Quốc Vượng đã nhận 1,5 tỷ đồng từ Công ty TNHH ĐMT Trung Nam Thuận Nam. Hậu quả từ hành vi của ông Vượng gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 1.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, ông Vượng lý giải rằng tại thời điểm chỉ đạo, ông không nhận thức được sai phạm. Cụ thể, trong cuộc họp ngày 2/4/2019, ông đã chỉ đạo sửa cụm từ "đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận" thành "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp". Việc sửa đổi này dẫn đến mở rộng thêm các dự án được hưởng giá điện ưu đãi.

Ông Vượng cho biết mấu chốt vấn đề nằm ở từ "đã" trong cụm từ trên. Ông khẳng định, tại thời điểm đó, ông không nghĩ từ "đã" mang hàm ý chỉ một mốc thời gian cụ thể.

Ngoài ra, ông Vượng cho rằng mục tiêu của Nghị quyết 115 là hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển 2.000 MW điện mặt trời với giá ưu đãi đến hết năm 2020. Vì vậy, ông đã chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 mà không đề cập đến ngày tháng cụ thể, nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính.

Ông Vượng nhấn mạnh rằng chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, ông mới nhận ra sai phạm trong chỉ đạo của mình. Ông khẳng định bản thân không vì vụ lợi cá nhân hay chịu tác động từ bất kỳ ai trong quá trình xây dựng dự thảo.

Ngoài ra, ông Vượng phân trần thêm, dự án điện mặt trời có đặc thù khác với các loại dự án khác là "chỉ có thể được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành khi có trong quy hoạch phát triển điện lực".

Do đó, ông đã cho chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 mà không đề cập đến ngày tháng cụ thể nào. Cựu Thứ trưởng nhiều lần khẳng định bản thân chỉ đạo xây dựng dự thảo trên tinh thần xây dựng, không vì vụ lợi, hay có cá nhân nào tác động, can thiệp.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Quốc Vượng, đặt câu hỏi về danh mục tài sản bị tạm giữ trong quá trình điều tra. Theo đó, ngoài khoản tiền 1,5 tỷ đồng bị cáo và gia đình đã nộp để khắc phục hậu quả, cơ quan điều tra còn thu giữ một số tài sản gồm: 4 thẻ ngân hàng, 1 điện thoại iPhone 15 Pro Max màu đen, 2 máy tính xách tay MacBook, 1.498 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng (khoảng 700 triệu đồng), 1 điện thoại Samsung, 1 iPad và 1 iPhone 13 Pro Max.

Trước HĐXX, ông Vượng cho biết nếu những tài sản này không liên quan đến vụ án và đúng quy định pháp luật, ông mong HĐXX xem xét cho ông và gia đình được nhận lại.