Tăng thuế thuốc lá: Thêm nguồn đầu tư cho y tế, phù hợp với chủ trương miễn viện phí toàn dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm, tạo ra gánh nặng y tế lên tới 110.000 tỷ đồng/năm, thuốc lá còn gây thiệt hại tới 99.000 tỷ đồng/năm do ô nhiễm môi trường, rác thải.

Để giảm thiệt hại về người và của do thuốc lá gây ra, WHO khuyến nghị việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá, sẽ làm giảm sử dụng và tăng nguồn thu. Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực đầu tư cho y tế và giáo dục, phù hợp với chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sẽ miễn học phí và viện phí toàn dân.

K phổi-ảnh lâm Dũng.jpg
Hơn 80% bệnh nhân ung thư phổi đều hút thuốc lá lâu năm. Ảnh: Lâm Dũng.

Thiệt hại kinh tế nặng nề nếu không tăng thuế

Việc chậm cải cách thuế khiến Việt Nam thất thu khoảng 19.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chỉ trong 2 năm 2020–2021, là kết quả nghiên cứu của Hana Ross (Chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Vienna) và cộng sự. Trong khi nếu số tiền này thu được, Việt Nam đã có nguồn lực đáng kể dành cho các chương trình phát triển bền vững (SDGs), thậm chí, có thêm nguồn lực đáng kể trong phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua.

Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên, thì việc xác định chính sách phù hợp mà không đánh đổi sức khỏe, môi trường là tối quan trọng, để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Từ kinh nghiệm của các nước, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - khuyến cáo: Công cụ hiệu quả rõ nhất chính là thuế TTĐB đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường như thuốc lá. Đặc biệt cần thiết khi mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang tăng trở lại với tổng sản lượng tăng hơn 10%.

Bởi thuế TTĐB sẽ làm tăng giá thuốc lá, do đó, sẽ hạn chế việc hút thuốc và giúp làm tăng ngân sách, nhất là sẽ định hướng nền kinh tế theo các mục tiêu bền vững. Việc áp dụng thuế cao hơn với thuốc lá sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho các chương trình y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội – những trụ cột phát triển toàn diện.

Mỗi năm, 21,7 triệu giờ lao động tại Việt Nam “đi tong” chỉ việc hút thuốc lá. UNDP ước tính chi phí giảm năng suất do hút thuốc trong giờ làm lên tới 3,3 nghìn tỷ đồng/năm, rồi nghỉ ốm, tử vong sớm do thuốc lá, trong khi lực lượng lao động khỏe mạnh là yếu tố then chốt cho tăng trưởng. Do đó, tăng thuế TTĐB sẽ góp phần giảm số người hút thuốc, gián tiếp nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Theo UNDP, việc sử dụng thuốc lá làm giảm khả năng chi cho giáo dục, y tế ở các hộ nghèo. Do đó, khi thuế TTĐB tăng, các gia đình sẽ hạn chế chi vào thuốc lá, để đầu tư cho gia đình, nên không làm suy giảm tổng cầu nền kinh tế. Hơn nữa, nguồn thu từ TTĐB được dùng để hỗ trợ các chương trình giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, hỗ trợ viện phí cho người dân, học phí cho trẻ em đến trường.

1.png
Thuốc lá gây 16 bệnh ung thư

Tăng thuế để có nguồn đầu tư cho y tế, giáo dục

Cho rằng việc tăng thuế sẽ làm giảm doanh số được một số người đưa ra nhằm cản trở việc tăng thuế thuốc lá, đã được các chuyên gia bác bỏ từ kinh nghiệm các nước: Áp thuế TTĐB với thuốc lá, doanh số tăng và thu ngân sách tăng, do mức độ co giãn cầu của thuốc lá thấp, vì là chất gây nghiện.

Thực tế ở Việt Nam, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy sản lượng thuốc lá tăng 17% giai đoạn 2021–2023, trong khi thuế tăng vào 2016 và 2019. Dù tiêu dùng nội địa giảm nhẹ nhưng tổng sản lượng thuốc lá tăng mạnh từ xuất khẩu.

Theo các chuyên gia của WHO, nếu tăng thuế thuốc lá từ năm 2026, tổng doanh thu và đóng góp cho ngân sách tăng 11,6% chỉ trong năm này. Nếu thuế TTĐB tăng lên từ 65% lên 85% - 105%, ước tính GDP sẽ tăng từ 0,09% đến 0,18%.

Ngoài ra, nhờ chuyển hướng tiêu dùng do tăng thuế, sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong các ngành sử dụng nhiều lao động như giáo dục, y tế, nông nghiệp.

Phân tích từ các mô hình thực tế đã có ở các nước, các chuyên gia khẳng định các phương án tăng thuế hiện nay đều giúp tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực đầu tư vào y tế, giáo dục, phù hợp với chủ trương miễn viện phí toàn dân và miễn học phí cho trẻ của Tổng Bí thư, đồng thời, hạn chế bội chi ngân sách.

Cả WHO và UNDP đều nhấn mạnh việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá là một chính sách "3 trong 1" mang lại nhiều lợi ích xã hội to lớn: Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tăng ngân sách nhà nước, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng thuế TTĐB với thuốc lá trở thành một đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện và kỷ nguyên vươn mình, phù hợp với Chỉ thị 05/CT-TTg về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 15 về mức độ tiêu thụ thuốc là, với gần 16 triệu người hút thuốc trực tiếp, đồng thời, khoảng 33 triệu người phải chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động, trong đó trẻ em và phụ nữ là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Theo WHO, việc áp dụng mức thuế TTĐB là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc xuống dưới 36% vào năm 2030. Quan trọng hơn, việc áp thuế TTĐB sẽ tăng thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020.