“Tập kết ngược” - quyết định táo bạo, đúng đắn
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong khi cán bộ chiến sĩ ta ở miền Nam nô nức xuống tàu tập kết ra miền Bắc thì một số cán bộ có kinh nghiệm làm công tác địch vận đối với ngụy binh, lính Âu Phi ở miền Bắc lại được Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị lựa chọn, lặng lẽ từ biệt người thân, tìm mọi cách thâm nhập vào vùng địch kiểm soát ở miền Nam để làm nhiệm vụ. Họ được gọi là “Những người tập kết ngược”.
Công tác địch vận là hoạt động tuyên truyền vận động nhằm lôi kéo người trong quân đội địch, làm tan rã hàng ngũ địch. Công tác này bao gồm: nghiên cứu đối tượng, tuyên truyền, xây dựng cơ sở bí mật, tù hàng binh và kết hợp địch vận với tác chiến.
Theo hồ sơ lưu trữ tại Cục Dân vận, đầu tháng 10/1954, đoàn đầu tiên, gồm 3 cán bộ của Cục Địch vận gồm các đồng chí: Trần Bá, Lê Quốc Chinh và Trương Tế Mỹ đã vào miền Nam theo đường hàng không, dưới danh nghĩa phái đoàn Việt Nam trong Ủy hội quốc tế.
Sau chuyến đi đầu tiên thuận lợi, Cục Địch vận tiếp tục lựa chọn, huấn luyện rồi đưa các cán bộ địch vận vào giúp Khu V và Nam Bộ làm nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ quan binh vận cấp ủy, xây dựng cơ sở và cài cắm vào hoạt động trong hàng ngũ địch.

Đợt thứ hai (từ cuối năm 1954 đến tháng 4/1955), cục đã cử vào Nam 36 đồng chí (trong đó, 35 đồng chí là cán bộ quân đội từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn bậc phó). Đợt ba, từ tháng 5/1955 đến 7/1958, cục cử đi tiếp 17 đồng chí nữa.
Sau đó, rải rác trong các giai đoạn của chiến tranh còn có thêm nhiều cán bộ được Cục Địch vận bổ sung cho các chiến trường làm công tác Mỹ vận, Triều vận (với lính Hàn Quốc)... Từ năm 1959 đến 1964, Cục đã đưa vào miền Nam thêm 222 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 167 bộ đội, 55 cán bộ dân chính.
Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Vũ Oanh lúc này là Cục trưởng Cục Địch vận, là người đã thực hiện việc lựa chọn, gặp gỡ giao nhiệm vụ và tiễn các cán bộ, chiến sĩ đó lên đường.
Sinh thời, khi chúng tôi tới thăm, ông Vũ Oanh kể lại: “Lúc ấy, sau 9 năm kháng chiến gay go gian khổ, miền Bắc vừa mới được hưởng không khí hòa bình. Những đồng chí được cử vào Nam là chấp nhận đi vào nơi gian khổ, đầy hy sinh, thử thách.
Trong số họ có đồng chí vừa mới cưới vợ, có đồng chí vợ yếu, con nhỏ; có nữ đồng chí đang có người yêu chỉ chờ hòa bình là cưới... Vậy mà khi được giao nhiệm vụ, họ đều nhận một cách nhẹ nhàng, hào hứng, không mảy may đắn đo suy nghĩ, không đặt quyền lợi cá nhân lên trên lợi ích cách mạng".
Những cán bộ địch vận trước khi lên đường sẽ được trang bị về mặt tư tưởng và những nghiệp vụ công tác binh - địch vận.
Trước khi lên đường, họ được đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung) - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các đồng chí lãnh đạo Cục Địch vận mời cơm, động viên.
Họ vào Nam bằng nhiều cách: có người đi máy bay qua đường Campuchia theo đường công khai, có người đi tàu thủy theo đường di cư, lại có người vào giới tuyến rồi vượt biển vào Nam...”.

Ảnh: Thuận Hóa.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam trong lần tiếp đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị tại nhà riêng cho ý kiến về Tổng kết công tác Binh-địch vận trong Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 2000 đã đánh giá rất cao vai trò của các cán bộ địch vận được Cục Địch vận đưa vào tăng cường cho cách mạng miền Nam, cho rằng đây thực sự là một chủ trương nhạy bén, chủ động tiến công địch.
Đồng chí Nguyễn Võ Danh (tức Bảy Dự) - Nguyên Phó Ban Thường trực Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, sau giải phóng là ủy viên thường trực Thành ủy - Trưởng Ban Nội chính, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh (nay đã mất), trong thư gửi Tổng cục Chính trị ngày 30/11/1994, đã viết: “Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ, sau này là Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, rất quý trọng số vốn liếng ban đầu mà Trung ương và quân đội đã chi viện rất sớm, rất kịp thời cho công tác binh vận miền Nam...
Chất lượng được tổ chức lựa chọn rất kỹ, các đồng chí được cử vào lúc ấy đã đáp ứng sự cần thiết về yêu cầu cán bộ của công tác binh vận lúc đầu đang còn mới, có khó khăn...”.

Cũng cần phải nói thêm là trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động binh - địch vận ở miền Bắc được chỉ đạo và tổ chức thành một phong trào rộng lớn, có hiệu quả hơn hẳn các vùng miền khác.
Ở miền Nam, trong kháng chiến chống Pháp, công tác binh - địch vận chưa được coi trọng đúng mức, không hình thành hệ thống, cán bộ ít và thiếu kinh nghiệm. Chính vì vậy, việc Cục Địch vận - cơ quan phụ trách, chỉ đạo các Ban địch vận thống nhất trên toàn quốc trong kháng chiến, chủ động đề xuất và được Trung ương đồng ý, tổ chức “tập kết ngược” các cán bộ binh - địch vận vào miền Nam làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh là một chủ trương táo bạo, đúng đắn, kịp thời và hiệu quả rất tốt.
Chiến đấu gian khổ
Lần theo hồ sơ chiến công và những tư liệu lưu trữ, nhận thấy những cán bộ vào Nam đợt đầu đã được Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ sử dụng như những “vốn quý”.
Một số cán bộ như Trần Bá, Lê Đình Ngoạn (Sáu Vũ), Phạm Đức Kính (Tư Kiệm), Phan Thịnh, Phạm Xuân Lô... được giữ lại công tác ở cơ quan Ban Binh vận.
Ông Trần Bá được giao trọng trách Phó Ban Binh vận Xứ ủy; một số cán bộ nữ như Hoàng Thị Nghị, Lê Thị Chính, Phạm Thị Soi, Trần Thị Hải, Trần Thị Chung... nhận nhiệm vụ tìm cách bám nắm địch để xây dựng cơ sở nội tuyến, làm nhân mối.

Họ không được cấp kinh phí hoạt động mà phải tự tạo thế hợp pháp, xoay sở làm ăn, buôn bán lấy tiền, vừa đảm bảo cuộc sống bản thân vừa tạo kinh phí hoạt động cho tổ chức. Trong số đó, 3 người bị địch bắt tù đày nơi "địa ngục trần gian" Côn Đảo, là các bà Hoàng Thị Nghị, Phạm Thị Soi, Trần Thị Hải.
Một số cán bộ “tập kết ngược” có kinh nghiệm công tác địch vận chống Pháp được đưa về làm nòng cốt cho các Ban Binh vận ở địa phương, như: Nguyễn Trọng Tâm về Biên Hòa, Trần Công Sơn về Tây Ninh, Lê Quốc Chinh về miền Tây Nam Bộ...
Một số khác được ta tổ chức đưa vào hàng ngũ địch để “chui sâu leo cao” như Thái Quang Chức, Phạm Văn Riện, Nguyễn Đình Hưng, Lê Xuân Tu... Có những người được giao “bám nắm, vận động” những đối tượng đặc biệt như ông Dương Thành Nhật “bám” anh trai là Đại tướng Dương Văn Minh, Vũ Quang Lân tiếp cận anh trai là Vũ Quang Tài (Đại tá, Cục trưởng Cục Xã hội quân đội Sài Gòn)...

Ngoại trừ một số rất ít những người công tác trong cơ quan ở ngoài cứ, tuyệt đại đa số đều phải hoạt động bí mật trong lòng địch, chịu nhiều gian khổ hy sinh.
Hầu hết 36 cán bộ vào đợt đầu tiên đều bị địch bắt, có người bị bắt đi bắt lại 2 - 3 lần, có người bị địch đày ải qua hàng chục nhà giam, bị tra tấn dã man.
Có những người bị địch đánh đến chết vẫn giữ vững ý chí, kiên trung, kiên quyết không khai báo cho địch về tổ chức, về đồng chí mình, về cơ sở bí mật trong lòng địch; trong nhà tù vẫn tiếp tục tiến công, tiếp tục vận động binh sĩ ngụy đi theo cách mạng...

Nữ anh hùng kiên trung Hoàng Thị Nghị
Chúng tôi đã được bà Hoàng Thị Nghị kể về những năm tháng hoạt động nội tuyến gian khổ, đầy hy sinh. Bà được giao nhiệm vụ tiếp cận, vận động thành công một sĩ quan ngụy cấp Trung tá theo cách mạng. Năm 1956, địch khủng bố dữ dội, một số cơ sở của ta bị vỡ, có người không chịu nổi sự tra tấn tàn khốc của kẻ thù, nên đã khai báo. Tháng 3/1956, bà bị địch bắt tại Sài Gòn.
Bà Nghị bị địch đày ra Côn Đảo lần thứ nhất ngày 2/1/1957, trong đợt 41 nữ tù đầu tiên ra đảo. Ở nơi “địa ngục trần gian” ấy, bọn cai tù mặc sức hành hạ tù nhân, đày đọa về thể xác, khủng bố về tinh thần, làm cho người tù chỉ có con đường hoặc là “ly khai cộng sản”, hoặc là chết dần chết mòn trong xà lim, chuồng cọp.
Trại tù nữ cũng không hề khác gì với các trại tù nam, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh đều tại chỗ, mỗi tuần chúng mới cho đổ thùng một lần, nửa tháng được tắm 10 phút; mỗi ngày đêm được một lon nước uống và rửa tay.
Những thương tích do địch tra tấn, đánh đập, do ghẻ lở, nhiễm trùng không có thuốc men chữa trị, khiến cho họ chỉ còn như những “hình nhân” da bọc xương. Dù vậy, địch vẫn không thể khuất phục được những nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung. Đầu năm 1960, trước sức ép của dư luận, địch buộc phải đưa bà và các tù nhân nữ về đất liền, giam giữ tại các nhà tù Phú Lợi, Gia Định, rồi bà được thả sau cuộc đảo chính.
Ra tù, bà Nghị tiếp tục về lại Sài Gòn, hoạt động lúc hợp pháp, lúc bán hợp pháp. Thời gian đầu làm dân vận, trí vận, sau lại làm binh vận, tập trung xây dựng, phát triển cơ sở trong hàng ngũ sĩ quan địch. Năm 1969 bà bị địch bắt lần thứ hai; bị giam qua các nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp, địch thả ra, bà lại tiếp tục hoạt động. Đến tháng 5/1973, bà bị địch bắt lần 3 và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Nghe tin Sài Gòn giải phóng, bà Nghị cùng các đồng chí trong Đảng ủy Nhà tù Côn Đảo đã tổ chức nổi dậy phá ngục, tự giải phóng cho mình rồi chờ tàu từ đất liền ra đón. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của bà, năm 1978, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Thiếu tá Hoàng Thị Nghị danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, những người “tập kết ngược” ấy lại trở về với cuộc sống đời thường và tham gia xây dựng đất nước như những công dân khác. Có người tiếp tục ở lại miền Nam giúp các tỉnh, thành ủy tổng kết công tác và giải quyết chính sách; một số người quay trở lại Cục Địch vận công tác; một số sức khoẻ giảm sút do bị địch giam cầm, tra tấn dã man được trên cho nghỉ hưu; còn phần lớn đều chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan công an, thương nghiệp, thương binh xã hội, giao thông vận tải...
Thiếu tá Hoàng Thị Nghị sau khi chuyển ngành đã tiếp tục phấn đấu lên đến chức Giám đốc Sở Lao động – Thương binh xã hội Hải Phòng; Trung tá Nguyễn Trọng Tâm trước khi nghỉ hưu là Trưởng ty Thương nghiệp tỉnh Đồng Nai…
Do quy luật nghiệt ngã của thời gian, nhiều anh hùng “tập kết ngược” năm xưa nay đều đã qua đời. Dù không được chứng kiến Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nữa những chiến công của những anh hùng địch vận "tập kết ngược" năm xưa sẽ vẫn được thế hệ sau ghi nhớ mãi.
Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận) có 3 cán bộ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân: Anh hùng, liệt sĩ Trần Bá (truy tặng tháng 11/1978); Anh hùng Hoàng Thị Nghị (phong tặng tháng 11/1978); Anh hùng Nguyễn Trọng Tâm (phong tặng tháng 8/1995). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có 28 cán bộ, chiến sĩ của cục đã hy sinh, được công nhận là liệt sĩ. Năm 2001, Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận, TCCT) được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đại tá Bùi Thuận Hóa
Nguyên Trưởng phòng Dân vận, Cục Dân vận, TCCT

Top 5 mẫu ô tô đáng mua để gia đình đi chơi dịp lễ 30/4 – 1/5

Những lễ hội, sự kiện đặc sắc ở Đà Nẵng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
