
Chia sẻ thông tin về thuốc giả
Trao đổi với VietTimes, ông Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay từ tháng 11/2023, Sở Y tế Thanh Hóa đã báo cáo Cục Quản lý Dược về sự xuất hiện của một số thuốc giả trên địa bàn. Nhận thông tin, Cục đã có công văn 10271/QLD-CL yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa tăng cường thanh, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, phòng, chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Chỉ riêng từ năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã có 5 văn bản xử lý đối với các mẫu thuốc giả phát hiện được.
“Đặc biệt, khi phát hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá xuất hiện các loại thuốc giả Tetracyclin Tw3, Clocid Tw 3, Cefixim..., ngày 26/4/2024, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Sở Y tế Thanh Hóa, yêu cầu báo cáo với Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường... để truy tìm nguồn gốc số thuốc giả trên”- ông Hùng chia sẻ.
Trước tình hình một số tỉnh báo cáo có thuốc giả, riêng Thanh Hoá có tới 4 báo cáo Bộ Y tế, tháng 1/2025, Cục Quản lý Dược và Thanh tra Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với C03 và A03 Bộ Công an, tổ chức họp với Sở Y tế Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam về tăng cường phòng, chống thuốc giả.
“Từ việc các cơ quan quản lý thường xuyên thanh, kiểm tra chất lượng thuốc, kiểm tra thị trường, lấy mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng, đã phát hiện nhiều vụ việc buôn bán thuốc giả và đều thông báo kịp thời, chỉ đạo Sở Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo 389 và chuyển sang công an” - ông Tạ Mạnh Hùng chia sẻ.
Bên cạnh việc xử phạt các cơ sở kinh doanh dược vi phạm, với cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Công an, Cục Quản lý Dược đã chuyển các thông tin về thuốc giả được phát hiện tới các đơn vị thuộc Bộ Công an, để truy tìm nguồn gốc thuốc giả.
“Chúng tôi thống nhất phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống thuốc giả và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời, kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật triển khai các biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh triển khai tiếp nhận thông tin phát hiện và xử lý nghiêm vụ việc nói trên” - ông Hùng cho hay.
Mặc dù công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã đạt được nhiều tiến bộ khi tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng giảm thấp, nhưng những vi phạm trong sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để, mà vụ việc ở Thanh Hóa vừa qua là một ví dụ.

Sớm có quy định kinh doanh thuốc online, dữ liệu ngành dược
Ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó, giao cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương đẩy mạnh kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Ông Tạ Mạnh Hùng cho biết để triển khai công điện của Thủ tướng, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc kinh doanh thuốc online; rà soát, xây dựng cơ chế và phân công trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị thuộc Bộ Y tế trong kiểm soát sản xuất, lưu hành thuốc, đặc biệt là quảng cáo, kinh doanh thuốc online.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin về thuốc giả, giúp người dân biết và không sử dụng, đặc biệt là thay đổi thói quen tự mua thuốc điều trị, mà khi có bệnh, phải đến khám và mua thuốc tại cơ sở y tế được cấp phép; khuyến khích người dân cung cấp thông tin khi phát hiện việc sản xuất, kinh doanh thuốc giả.
Bộ Y tế cũng tăng cường thanh, kiểm tra, đặc biệt là lập các đoàn liên ngành trong phòng, chống hàng giả.
“Một biện pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu về ngành dược; công bố thông tin đầy đủ về thuốc được cấp phép lưu hành (cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc và nhãn thuốc), để người dân dễ dàng tra cứu, đối chiếu. Chúng tôi cũng tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Quản lý thương mại điện tử… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong buôn bán, quảng cáo thuốc, thuốc giả”- ông Hùng chia sẻ.
Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc online của các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế và bệnh viện rà soát thuốc giả

Hàng loạt "thuốc ngoại" chữa xương khớp được sản xuất từ bột sắn trộn với hoá chất

Làm cách nào để biết thuốc thật hay giả?
