Chiêu trốn thuế nghìn tỷ của Tuấn Ân
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan, đề nghị truy tố bị 26 bị can về 5 tội danh.
Trong đó, ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân bị cáo buộc đã đưa hối lộ 9,4 tỷ đồng cho 2 cựu giám đốc Điện lực Bình Thuận và một số cá nhân khác, để được tạo điều kiện trúng 26 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 49 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Ân bị xác định đã chỉ đạo để ngoài sổ sách kế toán thuế hơn 544 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2023, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 156 tỷ đồng tiền thuế.

Theo đó, để che giấu lợi nhuận thực tế, ông Ân đã tự thiết lập phần mềm kế toán nội bộ chạy song song với phần mềm kế toán Misa (sử dụng báo cáo thuế).
Trong đó, sổ kế toán thuế phản ánh doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo hóa đơn, còn sổ kế toán nội bộ phản ánh trung thực doanh thu, chi phí lợi nhuận của tập đoàn.
Kết luận điều tra xác định, Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân đã chỉ đạo các thuộc cấp tại Công ty Tuấn Ân Long An mua 1.163 hóa đơn khống nguyên liệu đầu vào để hợp thức việc kê giá.
Đồng thời, ông Ân cũng chỉ đạo nhiều giám đốc, kế toán trưởng của 26 công ty thành viên hạch toán 2 hệ thống sổ kế toán với mục đích mua khống nguyên liệu đầu vào để tăng chi phí, giảm thuế phải nộp, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Toàn bộ lợi nhuận nội bộ của các công ty được chuyển về Công ty Tuấn Ân Long An, sau đó hợp thức bằng việc cho vay nội bộ, trả tiền vay của cán bộ công nhân viên khi tăng vốn điều lệ, mua nguyên vật liệu, thanh toán các hợp đồng tư vấn… để rút ra nhập quỹ Tập đoàn Tuấn Ân.
Với việc lập 2 sổ kế toán trên, từ năm 2018-2023, 26 công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Tuấn Ân đã hạch toán trên hệ thống nội bộ với lợi nhuận để ngoài sổ kế toán thuế gần 545 tỷ đồng.
Bộ Công an kiến nghị tăng cường giám sát đấu thầu và thuế
Kết luận điều tra đánh giá, việc tổ chức đấu thầu tại Công ty điện lực Bình Thuận bộc lộ nhiều bất cập như: Không công khai, minh bạch thông tin đấu thầu; cán bộ phụ trách đấu thầu cố ý tiết lộ hồ sơ kỹ thuật, dự toán gói thầu cho Tập đoàn Tuấn Ân nhằm tạo điều kiện trúng thầu; cài cắm các yêu cầu kỹ thuật “đặc thù” để loại đối thủ cạnh tranh và thiết lập cơ chế “quân xanh – quân đỏ” trong đấu thầu.
Để che giấu lợi nhuận khổng lồ từ các hợp đồng, Tập đoàn Tuấn Ân đã thiết lập và vận hành song song hai hệ thống sổ kế toán. Một hệ thống nội bộ ghi nhận đầy đủ hoạt động thu chi thực tế, trong khi hệ thống kế toán thuế chỉ ghi nhận các hoạt động có chứng từ hợp lệ.
Không dừng lại ở đó, tập đoàn này còn thực hiện hành vi mua khống tới 1.163 hóa đơn từ 11 công ty khác nhau, với tổng số tiền kế toán thuế lên đến hơn 544 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2023. Mục đích của hành vi này là tăng chi phí ảo, giảm lợi nhuận chịu thuế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế lên tới hơn 156 tỷ đồng.
Từ kết quả điều tra, Bộ Công an đã kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu tại các Tổng công ty trực thuộc. Đặc biệt, cần rà soát, hoàn thiện các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực điện lực, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến vật tư thiết bị điện lực.
Tổng Công ty Điện lực miền Nam được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu tại các Công ty Điện lực trực thuộc, chú trọng khâu xây dựng kế hoạch đấu thầu, danh mục hồ sơ kỹ thuật và dự toán.
Thực hiện nghiêm việc đánh giá, xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị. Chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành tại Công ty Điện lực Bình Thuận, rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai phạm nêu trên.
Xây dựng cơ chế luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với các chức danh quản lý, đặc biệt là Giám đốc, Trưởng phòng Kế hoạch vật tư, Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu và Tổ trưởng Tổ thẩm định để phòng ngừa tiêu cực tham nhũng.
Bộ Tài chính, chỉ đạo Cục Thuế tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có biến động bất thường về doanh thu, chi phí, lợi nhuận. Chỉ đạo Chi cục Thuế khu vực II, Chi cục Thuế khu vực XVII rà soát, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc kiểm tra, thanh tra thuế đối với Tập đoàn Tuấn Ân và các công ty thành viên.
Tăng cường công tác quản lý hoá đơn điện tử; xây dựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin nhằm kịp thời phát hiện các hành vi mua bán hoá đơn trái phép, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Bộ Công Thương, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát, hoàn thiện các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực điện lực, nhất là các quy định về đặc tính kỹ thuật, dự toán giá gói thầu, quy trình đấu thầu.
Ngoài 25 bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố về các tội danh khác nhau, Bộ Công an cũng xác định còn một số cá nhân liên quan đến sai phạm ở các mức độ khác nhau, tuy chưa đủ căn cứ xử lý hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Thỏa thuận "ăn chia" giữa Tuấn Ân và Điện lực Bình Thuận

Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân hối lộ bao nhiêu tiền cho nhóm cựu lãnh đạo điện lực Bình Thuận?
