Ở tuổi 70, NATO thực sự “lỗi thời” và “chết não”?

VietTimes -- Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể còn lâu mới sụp đổ, nhưng khối đồng minh quân sự này rõ ràng không còn khỏe mạnh như trước. Khi giới lãnh đạo khối tụ họp ở London (Anh) trong tuần này, họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết những thách thức hiện hữu.
NATO đang gặp nhiều thách thức liên quan tới sự đoàn kết giữa các thành viên trong khối (Ảnh: CNN)
NATO đang gặp nhiều thách thức liên quan tới sự đoàn kết giữa các thành viên trong khối (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi NATO là “lỗi thời”, tỏ ý hoài nghi về mục đích của khối đồng minh này; trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây nói NATO “chết não” và cũng tỏ ý hoài nghi về tương lai của khối. Ngoài 2 nhà lãnh đạo này, giờ đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đang thách thức những nguyên lý hoạt động cơ bản nhất của NATO.

Trong suốt 7 thập kỷ, có một nguyên tắc cơ bản đã giúp đoàn kết 29 thành viên của NATO: Niềm tin. Điều 5 của NATO quy định rằng đòn tấn công nhằm vào một thành viên là đòn tấn công nhằm vào cả khối; giống như khẩu hiệu “Mọi người vì một người, một người vì mọi người” trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Ba chàng lính ngự lâm”.

Nhưng tinh thần đoàn kết phần lớn đã bị xóa bỏ kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, khiến cho quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh – đặc biệt là các đồng minh ở châu Âu – trở nên căng thẳng. Nhiều nước trong số này giờ cảm thấy rất khó khăn trong việc phản ứng trước những động thái mạnh bạo của ông Trump và dự báo xem đời Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ ra sao.

Theo Jonathan Eyal – chuyên gia về NATO thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) – nước Anh tin rằng ông Trump chỉ là một trường hợp cá biệt và người kế nhiệm ông sẽ có quan điểm ủng hộ NATO. Ngược lại, Tổng thống Pháp Macron cho rằng ông Trump là một điềm báo về các chính sách của nước Mỹ trong tương lai, bởi vậy châu Âu cần phải tự xây dựng một lực lượng phòng vệ cho riêng mình.

Nói ngắn gọn, thành viên chi tiền nhiều nhất cho tổ chức (Mỹ) giờ trở thành nhà đầu tư không chắc chắn nhất, và điều đó đe dọa tới sự ổn định của NATO.

Một nguyên tắc cơ bản khác của NATO cũng đang trở thành yếu tố gây căng thẳng giữa các nước thành viên: Không mua vũ khí từ các nước không phải thành viên, không mua vũ khí từ Nga.

Và người khó chịu nhất với nguyên tắc này có lẽ là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Lần duy nhất mà Điều khoản 5 của NATO được kích hoạt là bởi Tổng thống Mỹ George W. Bush vào thời điểm sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001. Giống như nhiều bên khác vào thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ Mỹ và trở nước Hồi giáo duy nhất trong khối NATO hỗ trợ rất nhiều cho Mỹ.

Nhưng kể từ khi ông Erdogan lên nắm quyền, nhà lãnh đạo này liên tục thách thức không chỉ sự đoàn kết mà cả nguyên tắc của NATO.

Không chỉ mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga và đánh tín hiệu sẽ mua thêm các phi cơ chiến đấu của Nga, ông Erdogan còn nỗ lực củng cố quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin về mặt chính trị theo cách đi ngược hoàn toàn với định hướng của NATO.

Các thành viên còn lại tỏng NATO đều tỏ rõ sự không hài lòng với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vốn được coi như bức tường thành quan trọng che chắn rìa phía Nam của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ không dễ bị loại bỏ.

Nền móng lung lay

Ông Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ sau Thế chiến II đặt nghi vấn về lợi ích của Mỹ khi tham gia NATO (Ảnh: Getty)
Ông Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ sau Thế chiến II đặt nghi vấn về lợi ích của Mỹ khi tham gia NATO (Ảnh: Getty)

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London, Tổng thư ký Jens Stolenberg đã ra sức trấn an dư luận, khẳng định rằng sự tồn tại của NATO vẫn có mục đích. “Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử của NATO, chúng ta sẽ thấy nhiều bất đồng trước đây, như cuộc khủng hoảng Zuez năm 1956 hay cuộc chiến Iraq năm 2003” – ông nói trước báo giới hồi tháng trước.

“Nhưng sức mạnh của NATO ở chỗ, bất chấp nhiều bất đồng, chúng ta luôn đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ cốt lõi: Bảo vệ lẫn nhau. Đó là mục tiêu của tôi. Và tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng ta ta sẽ làm được điều đó trong thời điểm hiện nay” – ông Stolenberg nói thêm.

Nhưng trên thực tế, khi các nhà lãnh đạo NATO hội họp tại một khách sạn hạng sang nằm ở ngoại ô London trong tuần này, mục đích của họ là thảo luận về…cách đối phó với ông Trump. Theo chuyên gia phân tích Eyal, ông Trump đã khiến NATO chấn động đến tận nền móng: “Ông ấy là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ sau Thế chiến II công khai đặt câu hỏi về giá trị của sự đảm bảo an ninh mà Mỹ trao cho châu Âu, và nghi vấn về lợi ích của nước Mỹ khi tham gia khối đồng minh này”.

Cách đây chỉ 1 thập kỷ, ít ai nghĩ rằng nội bộ NATO lại căng đến mức này.

NATO hình thành từ đống tro tàn của Thế chiến II, nhưng dường như các thế hệ sau của những người thành lập nên khối lại đang khiến nó lụi tàn dần. Sự đoàn kết của NATO đang bị thử thách bởi chính lợi ích quốc gia của từng thành viên trong khối.

Một ví dụ điển hình là vào mùa Hè năm nay, khi Iran bắt giữ mộ tàu chở dầu mang uốc kỳ Anh gần eo biển Hormuz, lùa con tàu này vào một trong số những cảng của họ và bắt giữ thủy thủ đoàn…ông Trump tuyên bố rằng Washington không hề ký một thỏa thuận nào với Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) có quy định Mỹ phải hỗ trợ Anh trong trường hợp này.

Lòng kiêu hãnh bị thử thách

Thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là một thách thức khác mà NATO phải đối diện (Ảnh: AP)
Thương vụ S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là một thách thức khác mà NATO phải đối diện (Ảnh: AP)

Những vấn đề như trên thường được các nước thành viên NATO nhắm mắt cho qua để giữ lấy sự đoàn kết ít ỏi trong khối, nhưng ở bên ngoài NATO, nhiều nước theo dõi rất sát những diễn biến như vậy.

Vấn đề về nước Mỹ chưa dứt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tạo nên một vấn đề thậm chí còn lớn hơn đối với NATO.

Trong cuộc họp báo tổ chức sau các vòng họp với giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, một quan chức Mỹ thông báo rằng Washington đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng rằng việc một nước thành viên NATO mua vũ khí từ nước bên ngoài khối là không thể.

Phía Mỹ nêu rõ với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc mua vũ khí từ nước không phải thành viên NATO (cụ thể là Nga) chắc chắn sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt, bởi nếu hành động của Ankara được cho qua, các nước thành viên khác cũng sẽ làm tương tự trong tương lai.

Dù vị quan chức Mỹ không tiết lộ lệnh trừng phạt nào đang chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vấn đề là khi lòng kiêu hãnh của ông Erdogan bị thử thách, hậu quả sẽ rất khó lường.

Có một nguyên tắc cơ bản của NATO là các thành viên trong khối cần phải sử dụng các trang thiết bị quốc phòng tương thích với nhau. Bằng việc mua vũ khí của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ phớt lờ nguyên tắc này mà còn gây rủi ro tạo ưu thế quân sự cho Nga trước NATO.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ đã là rất khó bởi ông Erdogan cũng có tính khí thất thường và kiểu tính toán giống ông Trump. Có khả năng cao là NATO chỉ có thể chờ đợi xem động thái tiếp theo của ông Erdogan thay vì cố tình chọc giận ông.

Và ngay giữa lúc đang đối mặt với đủ loại vấn đề, Tổng thống Pháp càng khiến giới lãnh đạo NATO đứng ngồi không yên khi ra sức hối thúc khối này đối diện với những thách thức mà ông cho là hết sức cấp bách. Dù không phải tiếng nói đại diện cho toàn châu Âu, nhưng lời kêu gọi của ông Macron vẫn có đủ trọng lượng để tạo thêm căng thẳng cho NATO.