"Ông ấy là một người tốt. Ông ấy đang làm tốt công việc đại diện cho các bạn" - ông Trump nói tại buổi lễ. Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump cũng thường công khai ngợi khen ông Erdogan cùng phong cách vận hành đất nước mạnh bạo, gọi ông là "một người bạn" và "lãnh đạo kiệt xuất".
Và sự quý mến mà ông Trump dành cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ - người sắp có chuyến thăm Nhà Trắng vào ngày 13/11 - được xem là lý do duy nhất giúp cho mối quan hệ Mỹ - Thổ còn chưa sụp đổ hoàn toàn khi đối diện với hàng loạt bất đồng sâu sắc.
"Hai nhà lãnh đạo đều có sự mến mộ lẫn nhau bởi đều là hai vị Tổng thống mạnh mẽ" - Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Chính sách Cận Đông, nhận định. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo về bất đồng sâu sắc giữa hai nước đồng minh NATO.
"Quan hệ Trump - Erdogan trong mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thực sự sự là thành phần duy nhất còn đang có hiệu quả hiện nay" - ông Cagaptay nói - "Niềm tin giữa các cơ quan chính phủ hai nước đã suy giảm mạnh, trong khi xuất hiện sự phẫn nộ đáng kể giữa hai bên".
Quan hệ giữa Washington và Ankara đã xuống đến mức khủng hoảng hồi tháng trước do vấn đề Syria, sau khi ông Erdogan mở chiến dịch xuyên biên giới nhằm quét sạch người Kurd - đồng minh của Mỹ - và chấm dứt sự hiện của Mỹ tại nước này. Vài tháng trước đó, Mỹ cũng tỏ ra phẫn nộ trước việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Bất chấp lời đe dọa áp lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp nhận gói hàng S-400 đầu tiên trong tháng 7 năm nay. Để đáp trả, Washington loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35 của họ, mà trong đó Ankara vừa là bên sản xuất vừa là bên mua. Tính đến nay, Mỹ vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt nào với Ankara.
Động thái trên khiến Quốc hội Mỹ phẫn nộ. Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mở chiến dịch quân sự ở Syria, trong khi các nhà lập pháp quan trọng tại Thượng viện - trong đó có cả đồng minh của ông Trump là Lindsey Graham - tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép nếu như Ankara còn dám đe dọa người Kurd.
Hạ viện cũng bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không ràng buộc để công nhận vụ sát hại 1,5 triệu người Armenia cách đây 100 năm do Đế chế Ottoman thực hiện là hành động diệt chủng. Động thái khiến Ankara hết sức phẫn nộ.
Đầu tuần này, một số nhà lập pháp còn viết thư đề nghị ông Trump rút lại lời mời ông Erdogan đến thăm Nhà Trắng.
Trước nay, ông Erdogan cũng cố gắng tránh việc bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, nhưng hôm thứ Bảy tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien khẳng định rằng Mỹ không chỉ dọa suông.
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không từ bỏ S-400, chắc chắn họ sẽ phải chịu lệnh trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cảm nhận được tầm ảnh hưởng của các đòn trừng phạt này" - ông O'Brien nói với CBS News.
Washington muốn hủy thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ
Các vấn đề bất đồng giữa hai đồng minh NATO còn vượt trên cả Syria và Nga. Dù cho Washington phần lớn là im lặng trước các hành động ngày càng độc đoán của ông Erdogan, nhưng vẫn muốn Ankara ngừng ngay việc cáo buộc các nhân viên lãnh sự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Ankara từ lâu đã yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sỹ Fethullah Gulen - người mà chính quyền Erdogan tin rằng đứng đằng sau âm mưu đảo chính thất bại năm 2016 - và ngừng các cáo buộc nhằm vào ngân hàng nhà nước Halkbank vì có quan hệ làm ăn với Iran.
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào ngày 13/11, mục tiêu chính của chính quyền Trump là thuyết phục ông Erdogan ngừng kế hoạch sử dụng S-400 và thỏa thuận một lệnh ngừng bắn vĩnh cửu ở Syria - một quan chức cấp cao tiết lộ. "Chúng tôi muốn đi sâu vào vấn đề này" - vị quan chức nhấn mạnh.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận, Washington có thể cho phép Ankara gia nhập lại chương trình phát triển F-35 và ký một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD. Thế nhưng Ankara đến nay vẫn chưa đánh tín hiệu sẽ thay đổi quyết định.
"Những việc như kiểu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng mua S-400 không nằm trong chương trình nghị sự của chúng tôi" - một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Kể từ sau khi công bố kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria hồi tháng 12 năm ngoái, ông Trump đã chấp nhận giữ lại một lực lượng nhỏ ở khu vực Đông Bắc nước này. Như một phần trong kế hoạch, Wahsington muốn tiếp tục hợp tác với lực lượng người Kurd để kiềm chế phiến quân IS - tuy nhiên Ankara không hề thích điều này.
"Binh sĩ Mỹ duy trì hiện diện tại các giếng dầu ở Syria là điều đi ngược tinh thần của những kế hoạch đang được thực hiện ở Syria" - một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói - "Sự ủng hộ mà Mỹ dành cho YPG (Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd) là một trong những mối đe dọa lớn nhất tới quan hệ hai nước trong thời gian tới đây. Điều này sẽ được nêu ra một cách nghiêm túc trong chuyến thăm này".
Nhưng bất chấp nhiều bất đồng, Ankara vẫn ấp ủ nhiều hy vọng, chỉ ra một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước hồi tuần trước.
"Với sự ủng hộ từ cá nhân ông Trump, tôi tin rằng chuyến thăm này sẽ giúp giải quyết các vấn đề. Cú điện đàm vừa qua là tín hiệu rõ nhất về điều đó" - vị quan chức giấu tên nói.
Theo Reuters