Một trong những vấn đề khó khăn trong việc thực thi chính sách này chính là chi phí. Chi phí nuôi con đắt đỏ ở các vùng đô thị Trung Quốc là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con. Tỷ lệ sinh để ở nước này hiện đã giảm xuống chỉ còn 1,3 trẻ em/phụ nữ, mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã hủy chính sách một con từ năm 2016.
Sau đây là một số chi phí nuôi con mà các bậc cha mẹ ở thành phố lớn của Trung Quốc phải gánh chịu.
Chi phí sinh đẻ
Chi phí cho một ca sinh tại các bệnh viện công ở Trung Quốc – bao gồm khám thai và đỡ đẻ - thường được bảo hiểm nhà nước chi trả. Tuy nhiên, do các nguồn lực tại bệnh viện công có hạn nên nhiều phụ nữ Trung Quốc có xu hướng tìm đến bệnh viện tư nhân, với mức giá vào khoảng hơn 100.000 NDT (15.700 USD).
Những gia đình giàu có thường thuê một người giúp việc trong gia đình để chăm sóc người mẹ và đứa con moiwssinh trong tháng đầu tiên, với chi phí 15.000 NDT (2.340 USD). Trong khi thu nhập ở Trung Quốc tăng, những bà mẹ trẻ cũng tìm tới những trung tâm hậu sản đắt tiền để hưởng các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp. Một cơ sở như vậy nằm ở quận Wangfujing của thủ đô Bắc Kinh có mức chi phí từ 150.000 – 350.000 NDT/tháng (23.400 – 54.800 USD).
Phí nhà ở và giáo dục
Sauk hi cho con uống sữa công thức nhập khẩu từ Australia và New Zealand, gửi chúng tới những trung tâm giáo dục sớm, những bậc cha mẹ giàu có thường tìm các căn hộ ở những khu vực có trường học tốt như quận Hải Điện ở Bắc Kinh – nơi có giá nhà đất trung bình hơn 90.000 NDT/mét vuông (14.000 USD), ngang với giá trung bình ở quận Manhattan, New York, Mỹ.
Những người không thể xin cho con vào trường công lập do không có hộ khẩu buộc phải cho con vào trường tư, có chi phí khoảng 40.000 – 250.000 NDT/năm (6.200 – 39.100 USD). Đó là chưa kể nhiều bậc cha mẹ dồn tiền đầu tư cho một người con duy nhất; họ thường đăng ký cho con mình vào các lớp học thêm hay các lớp học năng khiếu khác như âm nhạc, tennis, đánh cờ…
Môi trường cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc cũng khiến nhiều bậc phụ huynh ép con mình tham gia rất nhiều lớp học thêm, để cho chúng khả năng kiếm việc làm trong tương lai.
Để giảm sức ép với trẻ em và tăng tỷ lệ sinh đẻ bằng cách giảm chi phí giáo dục, Trung Quốc đã phải siết chặt quản lý ngành giáo dục tư nhân đang nở rộ nhanh chóng.
Theo một báo cáo mà Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải công bố năm 2019, một gia đình tầm trung sinh sống ở quận Tĩnh An phải chi gần 840.000 NDT (131.000 USD) cho mỗi trẻ em từ lúc ra đời cho tới lúc học hết cấp trung họccơ sở – thường kết thúc vào độ tuổi 15 – trong đó chỉ tính riêng phí giáo dục là 510.000 NDT (79.800 USD).
Các gia đình thu nhập thấp ở hai quận Tĩnh An và Mẫn Hàng (Thượng Hải), thường có thu nhập hàng năm dưới 50.000 NDT (7.800 USD), phải đầu tuwtowis 70% thu nhập của họ vào con em mình; theo báo cáo.
Triết lý buông xuôi
Chi phí cao, sức ép mà người con duy nhất trong gia đình phải gánh vác, cùng với kỳ vọng rằng con cái khi lớn lên sẽ chăm sóc cha mẹ lúc về già…đã khiến nhiều người trẻ tuổi không dám có con.
Bởi vậy mà một triết lý sống mới của những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đã xuất hiện, thường xuyên được nhắc tới trên các mạng xã hội ở nước này, đó là “tang ping” – hay “nằm xuống”. Cụm từ này có ý nghĩa rằng một người quyết định “nằm xuống” thay vì theo đuổi sự thành công hay mục đích tốt hơn giống mọi người.