Nỗi sợ của phụ huynh và hành động của Bộ GD&ĐT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc thu thập chứng cứ trong sự việc "cản đường" học sinh thi vào lớp 10 đang gây rúng động dư luận không phải là dễ dàng, chính vì thế cần sự can đảm của phụ huynh và trách nhiệm lẫn sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT.
(Ảnh minh họa: Thanh Hùng)
(Ảnh minh họa: Thanh Hùng)

Một Facebooker cho biết: "Từ sáng tới giờ, đã mấy lần vị phụ huynh (là người chia sẻ hình ảnh cuộc trò chuyện trong group của họ cho tôi) nhắn tin xin tôi gỡ đi hình ảnh chụp màn hình đang đính kèm bài viết phản ánh về việc “chặn đường” học sinh thi vào lớp 10 để tạo ra thành tích ảo ở nhiều nhà trường tại Hà Nội. Vì các bạn ấy quá sợ, cả nhóm sợ hãi và hoảng loạn".

Họ sợ điều gì? Có lẽ là sợ con cái mình bị trù dập, sợ phải vạ. Nỗi sợ khiến họ đòi các thành viên phải công khai hộp thư tin nhắn xem ai đã đưa thông tin ra khỏi nhóm! Hôm qua nhìn trên group là 67 thành viên, sáng nay chỉ còn thấy 64 – tức 3 người đã rời khỏi nhóm?!

Nỗi sợ ấy có thể hiểu và thông cảm được phần nào vì sự phụ thuộc của phụ huynh và học sinh vào nhà trường và vì tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng ở những nơi ấy. Tuy nhiên, nếu sợ tới mức sẵn sàng che giấu tới cùng hoặc là có nói thành không thì không thể cảm thông được nữa, vì nó là bằng chứng của sự yếm thế và vô trách nhiệm.

Chúng ta phải thấy rằng chính họ, những phụ huynh ấy là người, vì hèn nhát, thiển cận mà thành độc ác với chính con cái mình khi góp phần bưng bít thông tin một cách bất chấp như thế. Khi mà trong cơn sợ hãi dù họ nói với nhau “Thông tin thì chính xác 100%, nhưng em cũng không muốn họ chụp tin nhắn đưa ra”, thì nó chỉ chứng tỏ một lối sống ích kỷ, hẹp hòi và thiển cận, không hề nghĩ đến trách nhiệm lâu dài đối với con cái mình và với cộng đồng mà mình đang chung sống. Họ thà để con cái và bản thân chịu khổ còn hơn là mang sự thật ra ánh sáng để thay đổi nó. Với não trạng đó, thử hỏi ai có thể “điều tra” khi chính phụ huynh sẽ sẵn sàng lắc đầu, và nói “không có”?

Một giáo viên dạy trường chuyên mới chia sẻ với chúng tôi: “Vấn đề nằm ở chỗ: bệnh thành tích khiến cho các trường không có học sinh học lực yếu. Khá đã là yếu rồi. Danh sách chuyển trường hơn 30 học sinh toàn học sinh khá, có 1 học sinh giỏi thôi. Và nguyện vọng chuyển trường đương nhiên phụ huynh viết là do điều kiện gia đình. Nên việc này dễ thiếu bằng chứng. Đây đúng là một trong những khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, vì cũng như các khoản thu vô lý và vô tội vạ trong các nhà trường nhưng luôn được hợp thức hóa bằng hai chữ “tự nguyện” vậy.

Mặc dù thế, nếu Bộ GD&ĐT muốn làm sáng tỏ thì cũng không phải là việc gì quá khó khăn. Hiện đã có hàng ngàn bình luận và caption của phụ huynh cùng học sinh thừa nhận sự thật này. Nếu trong trường hợp tệ nhất thì cũng xác nhận được trên thực tế là có tình trạng tệ hại này và nó phổ biến, không phải chỉ ở Hà Nội, để rồi đưa ra những hướng giải quyết có tính chiến lược trong chính sách thi đua và chương trình giáo dục quốc gia.

Hơn ai hết, nếu phụ huynh không hành động tích cực để đấu tranh với những sai trái trong môi trường học tập của con cái mình, thì không ai có thể thay đổi được tận gốc những bệnh trạng trầm kha và độc hại ấy, để con em họ được hưởng một nền giáo dục trong sạch và tốt lành.

Bộ GD&ĐT đang tích cực xác minh và chăm chú lắng nghe phản ánh từ phụ huynh, nên hơn lúc nào hết chính phụ huynh cần phải vượt qua nỗi sợ hãi mơ hồ và vô cớ để mạnh mẽ lên tiếng, cùng bộ chủ quản làm sạch và dựng xây một môi trường giáo dục thật sự nhân văn cho thế hệ tương lai.

Về phía Bộ GD&ĐT cùng ngành giáo dục các tỉnh/thành phố, dư luận cũng kỳ vọng một thái độ quyết liệt và sự bênh vực mạnh mẽ, rõ ràng hơn nữa đối với phụ huynh để tạo niềm tin cho họ an tâm khi quyết định lên tiếng mà con cái không bị nhà trường trù dập hay gây khó dễ về sau.