Những vật dụng trong nhà thân thuộc nhưng chứa bọ gậy gây sốt xuất huyết

VietTimes -- Theo PGS.TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, những vật dụng dưới đây sẽ trở thành ổ chứa bọ gậy (hay còn gọi là loăng quăng) nguồn, sản sinh ra muỗi và lan truyền dịch bệnh sốt xuất huyết nếu không được vệ sinh thường xuyên.

Thông tin được PGS.TS. Trần Như Dương chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019, do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội sáng 11/6.

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức sáng 11/6.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức sáng 11/6.

Theo PGS.TS. Trần Như Dương, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trước đây, bệnh chỉ có vào mùa mưa, nhưng nay xuất hiện quanh năm.

Trong khi đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, mỗi khi đến mùa dịch sốt xuất huyết, các cán bộ y tế phụ trách đều cử người đi diệt bọ gậy nhằm phòng tránh, không cho dịch bệnh bùng phát.

Song, những vật dụng rất có thể trở thành ổ bọ gậy nguồn lại đang tồn tại hàng ngày trong các gia đình, nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.

Đó là các lu tạp, bình tròn, lọ hoa, các phế thải trong sinh hoạt hàng ngày, gáo dừa tại miền Nam. Đặc biệt, những chậu cây cảnh cũng là một ổ bọ gậy nguồn gây bệnh sốt xuất huyết.

Ở miền bắc, vùng nông thôn, người dân thường sử dụng bể xi măng để đựng nước mưa nhưng không có thói quen vệ sinh thường xuyên. Bên cạnh đó, trong nhà thường có chum, vại, chậu, và các phế thải trong sinh hoạt hàng ngày – những vật dụng dễ tích nước, trở thành nơi cho bọ gậy trú ngụ.

Ở miền trung, người dân có lu tạp, chậu cây cảnh, phế thải, lọ hoa; ở khu vực Tây Nguyên có lốp xe là khu đọng nước, tạo ổ bọ gậy.

Từ đó, PGS.TS. Trần Như Dương nhấn mạnh, cán bộ y tế nên thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tới từng hộ gia đình một cách thường xuyên, liên tục. Đặc biệt trước khi phun hóa chất diệt muỗi, cán bộ cần kiểm tra kỹ những vật dụng nói trên.

Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết.
Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, ông đề xuất mỗi tỉnh nên chọn một số trọng điểm hay xảy ra dịch để thực hiện giám sát ổ bọ gậy nguồn 2 lần/năm.

Hàng năm, các tỉnh trọng điểm thu thập bọ gậy tại địa phương để thử sinh học đánh giá hiệu lực diệt muỗi của các loại hóa chất đang sử dụng; khi chưa có dịch, cán bộ y tế cần huy động sự tham gia của cộng đồng để phát hiện, loại bỏ bọ gậy, các vật dụng phế thải, ổ chứa bọ gậy, đồng thời, tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình…

Đối với người dân, PGS.TS. Trần Như Dương khuyến cáo các hộ gia đình cần thực hiện các biện pháp đã được Bộ Y tế quy định cụ thể để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất, gồm: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Các địa phương cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.