Bác sĩ chăm sóc cho C. sau mổ
|
Di chứng của bệnh lao khiến cô bị mất toàn bộ chức năng của lá phổi phải, khí quản, phế quản bị hẹp, biến dạng, cong gập, chức năng thông khí kém, gây suy hô hấp, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng mà rất nhiều nguy cơ khác.
Vì vậy, mặc dù mới khỏi bệnh, nhưng tới tháng 5/2019, C. phải tới Bệnh viện Phổi Trung ương điều trị tiếp.
Trước tình trạng của C., các bác sĩ dự định sẽ tạo hình phế quản phải, phục hồi chức năng cho lá phổi bị suy yếu. Song, sau nhiều lần chẩn đoán, lá phổi phải của C. không thể hoạt động được nữa, phải bị cắt bỏ. Tuy nhiên, vấn đề thông khí của C. chưa được giải quyết.
Một giải pháp tiếp theo được các bác sỹ đề xuất đó là đặt stent vào sâu trong phế quản gốc, giúp định hình, nong đường khí, phế quản rộng hơn. Nhưng ống stent bằng silicon vẫn thường xuyên được sử dụng phổ biến trong điều trị hẹp khí quản và phế quản gốc không phù hợp với C.
Sức khỏe dần ổn định, C. có thể tập đi lại trong Bệnh viện.
|
Sức khỏe của C. ngày một suy yếu. Bác sỹ Nguyễn Viết Nghĩa – Phó Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức của Bệnh viện chia sẻ: “Có những thời điểm, cô gái ở tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” do lượng oxy nhận vào chỉ ở mức 50ml, trong khi người bình thường là 500ml trong một lần hít thở”.
Tuy nhiên, nỗ lực giành sự sống cho cô gái không dừng lại. Các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đưa ra phương án mới, là sử dụng hệ thống stent kim loại dạng lưới sắt với giá đỡ tốt để cứu C.
Kết quả, C. được thông khí thở triệt để, hiện tại tình trạng bệnh của C. đã ổn định, có thể thở tốt hơn, đi lại và ăn uống được.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, người trực tiếp chỉ đạo quá trình cứu chữa bệnh nhân - cho biết: “Từ ca bệnh này, một lần nữa cho thấy việc thanh toán bệnh lao là hết sức cần thiết, không chỉ thể hiện ở việc phát hiện sớm, điều trị khỏi vi khuẩn mà còn phải quan tâm đến việc giải quyết những rối loạn sau quá trình bị lao đã khỏi”.