Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt
Truyền thông chính thức của Nga đưa tin, Tổng thống Putin đã tới Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên vào tối 18/6 và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào ngày 19/6. Ông Kim Jong-un đã đến thăm Nga vào tháng 9 năm ngoái và gửi lời mời ông Putin tới thăm Triều Tiên.
Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Putin tới Triều Tiên sau 24 năm kể từ khi ông đến thăm nước này lần đầu vào ngày 19 và 20/7/2000 để gặp nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Kim Jong-il, thân phụ của ông Kim Jong-un. Chuyến thăm lần này cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ của ông Kim Jong-un, do đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.
Trợ lý tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, ngày 17/6 tiết lộ rằng trong chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin, Nga sẽ ký "Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện" với Triều Tiên để nâng quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới.
Các chính phủ và cơ quan truyền thông phương Tây suy đoán rằng Nga và Triều Tiên sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quân sự. Các nhà phân tích quốc tế chỉ ra rằng, từ sự kiện hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine vừa kết thúc đến chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin, một lần nữa thể hiện rõ sự thất bại của phương Tây trong việc cô lập Nga suốt 2 năm xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ông Ushakov trước đó tuyên bố rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Triều Tiên sẽ bao gồm nhiều cuộc hội đàm khác nhau, bao gồm các cuộc họp mở rộng và gặp gỡ không chính thức giữa các nhà lãnh đạo, bàn về hợp tác an ninh quốc gia, kinh tế, năng lượng, giao thông và nông nghiệp.
Trước khi đến, Tổng thống Putin cũng đã ký sắc lệnh của Tổng thống đồng ý ký Hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên.
Khi ở Bình Nhưỡng, Tổng thống Putin cũng sẽ tham dự các buổi hòa nhạc và tiệc chiêu đãi chào mừng chuyến thăm của ông, đồng thời sẽ đặt vòng hoa tại tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Triều Tiên trong Thế chiến II.
Tổng thống Putin: Nga và Triều Tiên sẽ cùng nhau đối phó phương Tây
Ngày 17/6, ông Yuri Ushakov cho giới truyền thông biết chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin sẽ "rất phong phú" và các nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ thảo luận về "các vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất" liên quan đến an ninh, kinh tế, năng lượng, giao thông và quan hệ trong khu vực. Ông nói: "Lập trường của hai nước về các vấn đề nóng hổi như chính sách ngoại giao là rất gần gũi hoặc hoàn toàn nhất trí".
Ông Ushakov tiết lộ, hai nước sẽ ký kết “Hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” để thích ứng với “những diễn biến sâu sắc của tình hình địa chính trị thế giới và khu vực”. Có thông tin cho rằng hiệp ước này sẽ thay thế "Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ lẫn nhau giữa Triều Tiên và Liên Xô" ký năm 1961 và "Hiệp ước hữu nghị và hợp tác láng giềng tốt đẹp giữa Triều Tiên và Nga" ký năm 2000.
Trước chuyến thăm Triều Tiên, Tổng thống Putin đã gửi đăng một bài báo ký tên ông trên tờ nhật báo chính thức Rodong Sinmun của Triều Tiên, nói rằng Nga và Triều Tiên đã duy trì mối quan hệ láng giềng hữu nghị và tốt đẹp trong hơn 70 năm qua dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Hai nước sẽ cùng nhau nỗ lực để “nâng quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao hơn”.
Ông Putin nhấn mạnh, Nga đánh giá cao "sự ủng hộ kiên định của Triều Tiên đối với Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine" và Nga cam kết ủng hộ Triều Tiên bảo vệ lợi ích của mình, chống lại "áp lực, tống tiền và mối đe dọa quân sự của Mỹ".
Tổng thống Putin chỉ ra rằng các quốc gia không đồng tình với cách làm của Mỹ và theo đuổi chính sách độc lập đang phải đối mặt với áp lực ngày càng nghiêm trọng từ bên ngoài. Nga và Triều Tiên sẽ cùng nhau chống lại những nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn cản việc thiết lập trật tự thế giới đa cực.
Khi nói về sự hợp tác trong tương lai giữa hai nước, Tổng thống Putin cho biết Nga và Triều Tiên sẽ mở rộng hợp tác về du lịch, văn hóa và giáo dục, phát triển các cơ chế thương mại và thanh toán thay thế không bị phương Tây khống chế, cùng nhau chống lại các lệnh trừng phạt bất hợp pháp đối với hai nước, thiết lập một cấu trúc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở lục địa Âu-Á.
Mỹ, Hàn Quốc lo ngại Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác, trao đổi quân sự
Ngày 17/6, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng các chuyến đi nước ngoài gần đây của Tổng thống Putin là "cuộc tấn công quyến rũ" mà ông đã phát động sau khi tái đắc cử vào tháng 3.
Chính quyền Biden “không quan tâm đến bản thân chuyến đi của ông Putin. Điều chúng tôi quan tâm là mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên", ông Kirby nói.
Truyền thông Mỹ cho biết kể từ chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 9 năm ngoái, quan hệ trao đổi và hợp tác giữa Nga và Triều Tiên trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế đã tăng lên mạnh mẽ.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên đang cung cấp cho Nga đại pháo, tên lửa và các thiết bị quân sự khác để giúp quân đội Nga chiến đấu trên chiến trường Ukraine. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi đầu năm cho biết, từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, Triều Tiên đã vận chuyển khoảng 6.700 container vũ khí sang Nga, có thể chở hơn 3 triệu viên đạn pháo 152mm hoặc hơn 500.000 quả đạn pháo phản lực đa nòng 122mm. Nga và Triều Tiên đều phủ nhận điều này.
Vào tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát các nhà máy sản xuất bệ phóng tên lửa đa nòng và súng bắn tỉa ở Triều Tiên, cũng đích thân lái thử xe tăng. Ông khen ngợi các nhà máy đã tăng cường sản xuất và đăng tải hình ảnh chụp trong kho chứa đầy tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Ông Nam Sung-wook, giáo sư Đại học Koryo Hàn Quốc, cho rằng chủ đề chính của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ là “Triều Tiên sẽ cung cấp thêm bao nhiêu vũ khí cho Nga”.
Ông cho rằng phạm vi thảo luận giữa hai bên sẽ vượt ra ngoài các đơn đặt hàng ngắn hạn liên quan đến vũ khí thông thường và có thể đạt được sự đồng thuận về hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, bao gồm cả việc cùng nhau hợp tác phát triển hệ thống vũ khí. Đổi lại, ngoài lương thực và nhiên liệu, Triều Tiên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ của Nga trong việc phóng vệ tinh quân sự và sản xuất vũ khí hạt nhân.
Tổng hợp