Diễn đàn “Mời gọi và phát triển nhân tài”:

Những rào cản cần tháo gỡ để các nhân tài “dám trở về”

“Bộ tứ nghị quyết” cùng hàng loạt cơ chế hấp dẫn vừa được Quốc hội thông qua và chỉ đạo của Tổng bí thư về thu hút 100 nhân tài khiến giới chuyên gia hào hứng, nhưng vẫn có những lo ngại về thủ tục hành chính, đất đai, vốn, sở hữu trí tuệ...

LTS: Ngày 6/7/2025, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo “nóng” của Tổng Bí thư Tô Lâm: giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ “vượt khung” để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt” cho đội ngũ “tổng công trình sư”, “kiến trúc sư trưởng”, những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn, vật liệu mới.

Làm thế nào để các chỉ đạo của Tổng Bí thư thành hiện thực, nhằm phát triển đất nước? Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI để tiếp nhận ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, câu chuyện “thu hút chất xám người Việt ở nước ngoài” vẫn là một nỗi trăn trở lớn của Nhà nước và xã hội Việt Nam. Nhiều chính sách đã được ban hành, nhiều lời kêu gọi chân thành được cất lên từ các diễn đàn cấp cao nhất. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy một khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và kết quả: số lượng Việt kiều thực sự “về nước khởi nghiệp, cống hiến lâu dài” vẫn hết sức khiêm tốn.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) thì 70- 80 % du học sinh tự túc sau tốt nghiệp không trở về Việt Nam, chọn ở lại nước ngoài vì thu nhập, phúc lợi tốt hơn. Ví dụ, năm 2022 chỉ khoảng 1.160/8.850 du học sinh có mặt ở 12 tỉnh quay trở về; năm 2023 số này giảm còn 543. Một khảo sát khác cho thấy 64 % du học sinh ở lại để kiếm lại chi phí học tập, và 87 % người quay về gặp khó khăn trong tìm việc và thích nghi với môi trường làm việc ở Việt Nam.

Nguyên nhân không hẳn là do họ thiếu lòng yêu nước hay thiếu thiện chí. Ngược lại, có rất nhiều Việt kiều thành danh luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương, mong được đóng góp cho đất nước. Nhưng khi đứng trước quyết định “về hẳn”, họ lại phải cân nhắc rất nhiều. Câu hỏi không phải “có muốn về hay không”, mà là “có dám về hay không”. Và câu trả lời phụ thuộc vào những rào cản không nhỏ từ thể chế, pháp lý đến điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam.

Mặc dù những vướng mắc này đang từng bước được tháo gỡ, đặc biệt là sau khi có “Bộ tứ nghị quyết” (4 Nghị quyết 57, 59, 66 và 68) và các bộ luật về KHCN và Đổi mới sáng tạo vừa được Quốc hội thông qua, sẽ tạo ra bước đột phá đủ tầm để xây dựng một cơ chế vượt trội mời gọi các nhân tài người Việt muôn phương về xây dựng đất nước.

Vì vậy, việc nhắc lại những vướng mắc về môi trường pháp lý, thể chế thực thi như thủ tục hành chính, rào cản đất đai, tiếp cận nguồn vốn, quyền sở hữu trí tuệ... mà những Việt kiều về nước làm việc vướng phải mới thấy vai trò vô cùng quan trọng của “Bộ tứ nghị quyết” của Đảng và việc luật hóa các nghị quyết đó thành các bộ luật về KHCN và Đổi mới sáng tạo. Điều còn lại là làm thế nào để các chính sách mới đó đi vào cuộc sống, để những Việt kiều tài năng trong lĩnh vực KHCN về nước phụng sự tổ quốc.

Một môi trường pháp lý “vừa mở vừa khép”

Chính sách thì mở, nhưng thực thi lại khép, đó là nhận định phổ biến của nhiều chuyên gia và Việt kiều khi nói về môi trường pháp lý trong nước.

Theo GS Hà Tôn Vinh, môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn nặng tính “xin- cho”, thiếu tính dự báo, và thường ưu tiên sự an toàn cho cơ quan quản lý hơn là khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa/VGP

GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế, tài chính, một việt kiều Mỹ nhiều năm làm tư vấn cho các bộ, ngành ở Việt Nam, nói: “Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút người Việt ở nước ngoài về đầu tư, giảng dạy, làm việc, chuyển giao công nghệ. Chẳng hạn như Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2004, Kết luận 12 năm 2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, hay mới đây là các chương trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) liên kết với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Thế nhưng, khi bước vào thực tiễn, không ít Việt kiều gặp phải một rừng thủ tục, quy định chồng chéo, thiếu minh bạch và dễ biến hóa. Các văn bản hướng dẫn thực thi thường chậm trễ, hoặc khác nhau giữa các địa phương, bộ ngành. Điều này tạo ra một “bức tường vô hình” khiến người có năng lực không thể dễ dàng triển khai ý tưởng, dự án của mình.

GS Vinh kể, một kỹ sư trí tuệ nhân tạo Việt kiều Canada (GS xin không nêu tên- NV) muốn mở trung tâm nghiên cứu tại TP.HCM. Anh ta có thể đọc thấy chính sách “ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập, tiếp cận quỹ đổi mới sáng tạo” dành cho chuyên gia về nước. Nhưng khi làm hồ sơ xin đầu tư, anh phải mất hàng tháng trời để đối thoại với các sở ngành, đi từ Cục này đến Ban kia, nhận những câu trả lời mơ hồ, thậm chí trái ngược nhau. Kết quả: dự án “chết yểu” trên giấy, còn người thì quay lại Canada với sự tiếc nuối.

Môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn nặng tính “xin- cho”, thiếu tính dự báo, và thường ưu tiên sự an toàn cho cơ quan quản lý hơn là khuyến khích đổi mới sáng tạo. Với những người quen làm việc trong môi trường pháp trị rõ ràng, các nguyên tắc quản lý minh bạch và trọng dụng nhân tài như ở phương Tây, đây là một cú sốc văn hóa thể chế.

Nỗi “ám ảnh” thủ tục hành chính

Thậm chí ngay cả khi vượt qua rào cản pháp lý để bắt đầu một dự án, một công việc ở Việt Nam, thì thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh tiếp theo.

Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa, người gần 20 năm giữ vị trí cao cấp tại công ty Canada, Pháp, lựa chọn Việt Nam để về làm việc. Ông từng là Giám đốc Chiến lược FPT đời đầu (hiện là Ủy viên BCH Hội Truyền thông số Việt Nam). Ông nhiều năm làm chuyên gia cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Ông Hòa tâm sự với tôi (tác giả bài viết này):

Không ít Việt kiều từng trở về đầu tư, giảng dạy hoặc làm việc trong cơ quan Nhà nước đã chia sẻ rằng, họ “kiệt sức vì thủ tục”. Một doanh nhân từng là kỹ sư phần mềm ở Mỹ kể lại rằng, để mở một công ty công nghệ, anh mất 8 tháng để xin được giấy phép kinh doanh do vướng mắc giữa đăng ký mã ngành và hồ sơ lý lịch. Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ cần 48 giờ để hoàn tất toàn bộ quy trình online.

Xin giấy phép kinh doanh ở Mỹ chỉ cần 48h để hoàn tất toàn bộ quy trình online. Ảnh minh họa.

Một giáo sư Việt kiều về nước giảng dạy cũng không khỏi ngỡ ngàng khi phải trải qua hàng chục loại thủ tục kiểm định, xác minh bằng cấp, hợp đồng, chế độ, nhiều loại giấy tờ không hề tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc tế. Những rào cản này không chỉ gây cản trở mà còn làm tổn thương lòng nhiệt huyết.

Thủ tục hành chính ở Việt Nam có xu hướng yêu cầu “thẩm quyền” và “chữ ký” hơn là kết quả công việc. Sự phức tạp này là một nguyên nhân quan trọng khiến Việt kiều, vốn đã quen với môi trường vận hành dựa trên kết quả và sự tin cậy, cảm thấy “ngợp” và chọn rút lui.

Gặp lại ông Hòa hôm 12/7 vừa qua, ông Hòa chia sẻ: “Với việc ra đời của “Bộ tứ nghị quyết”, các bộ luật về KHCN và nhất là các chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Tô Lâm, hy vọng mọi “rào cản” như ta trao đổi trước đây sẽ được tháo gỡ”.

Rào cản tiếp cận đất đai và vốn đầu tư

Một khó khăn khác mà nhiều người Việt ở nước ngoài vấp phải là khả năng tiếp cận đất đai và vốn đầu tư trong nước, hai nguồn lực thiết yếu để khởi nghiệp hoặc triển khai dự án.

Về đất đai, dù có quy định về việc “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà”, nhưng trên thực tế, việc xác minh nhân thân, điều kiện được sở hữu, thủ tục công chứng, lại hết sức phức tạp và thiếu thống nhất.

Trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu, nhu cầu thuê đất trong các khu công nghệ cao hay khu công nghiệp lại phụ thuộc vào quyết định của các Ban quản lý. Một Việt kiều Canada kể lại rằng, anh muốn thuê một mảnh đất 5.000m2 trong một khu CNC ở Hà Nội để mở trung tâm nghiên cứu năng lượng tái tạo, nhưng hồ sơ bị “treo” suốt 14 tháng mà không được phản hồi chính thức.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn nhiều khu đất trống, chưa được xây dựng. Ảnh: Hoàn Như

Về vốn đầu tư, Việt kiều khó tiếp cận các kênh vay ưu đãi từ ngân hàng trong nước, do không có tài sản thế chấp trong nước hoặc không có lịch sử tín dụng tại Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm còn rất non trẻ, trong khi thủ tục huy động vốn cộng đồng (crowdfunding), phát hành cổ phần... lại thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.

Tất cả điều này khiến nhiều Việt kiều mang theo ý tưởng lớn nhưng không thể hiện thực hóa, hoặc phải hợp tác lòng vòng với các đối tác trong nước, điều có thể làm họ mất quyền kiểm soát dự án.

Quyền sở hữu trí tuệ - vùng xám pháp lý

Sở hữu trí tuệ vẫn là điều đáng lo ngại nhất, GS Nguyễn Đức An, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về Khoa học, Sức khỏe và Dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh, người hợp tác làm việc với nhiều trường đại học ở Việt Nam, chia sẻ:

“Một số Việt kiều làm trong lĩnh vực công nghệ cao, sáng chế, đổi mới sáng tạo cho rằng Việt Nam vẫn chưa thực sự bảo đảm tốt quyền sở hữu trí tuệ, yếu tố sống còn với những người làm khoa học.

Việc đăng ký bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, thời gian xử lý kéo dài và hiệu lực thực thi không cao. Họ lo ngại rằng công nghệ hoặc sáng chế của mình sẽ bị sao chép hoặc sử dụng trái phép, trong khi thủ tục kiện tụng lại mất thời gian và hiệu quả bảo vệ thấp.

Thậm chí, có người kể rằng một ý tưởng phần mềm do họ phát triển và trình bày trong một cuộc gặp với đối tác trong nước đã bị “sao chép” và thương mại hóa sau đó vài tháng mà không thể xử lý được vì không có bằng chứng pháp lý cụ thể”.

GS An kết luận: “Môi trường sở hữu trí tuệ không an toàn là lý do khiến nhiều nhà khoa học Việt kiều chỉ chọn hợp tác ở mức tư vấn, không chuyển giao công nghệ hoặc chỉ làm việc theo dạng dự án ngắn hạn rồi rút lui”.

GS Nguyễn Đức An cho rằng việc đăng ký bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, thời gian xử lý kéo dài và hiệu lực thực thi không cao. Ảnh minh họa

Văn hóa công sở và hệ thống quản trị nhân sự

Một rào cản phi vật chất nhưng rất quan trọng là môi trường làm việc và văn hóa công sở ở Việt Nam, vốn còn mang nặng tính quan liêu, phân cấp, trọng “quan hệ” hơn “năng lực”.

GS Nguyễn Hữu Liêm, nguyên Trưởng Khoa triết tại San Jose City College (Mỹ), người thường xuyên về Việt Nam giảng dạy, kể lại rằng, nhiều Việt kiều được mời về Việt Nam làm việc hay cảm thấy “lạc lõng” trong các cơ quan công quyền hoặc viện nghiên cứu. Sự sáng tạo và phản biện thường bị nhìn với con mắt e dè; những đề xuất đột phá dễ bị quy vào “không thực tế” hoặc “chưa phù hợp hoàn cảnh Việt Nam”. Họ không được trao quyền thực chất, và thường chỉ làm kiểng trong các dự án mang tính phong trào.

Trong các doanh nghiệp Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp, việc đánh giá nhân sự đôi khi dựa trên thâm niên hơn là kết quả. Điều này dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám ngược”, tức là người có năng lực thực sự phải từ bỏ môi trường công vì bị chèn ép hoặc không được trọng dụng.

Hệ thống đãi ngộ, kể cả tài chính lẫn vị trí, cũng không thực sự cạnh tranh. Nhiều người chọn về nước vì muốn cống hiến, nhưng không đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng chấp nhận mức thu nhập thấp, thiếu phúc lợi, không rõ ràng trong cơ hội phát triển nghề nghiệp.

GS Nguyễn Hữu Liêm kể lại rằng, nhiều Việt kiều được mời về Việt Nam làm việc hay cảm thấy “lạc lõng” trong các cơ quan công quyền hoặc viện nghiên cứu

Làm gì để Việt kiều “dám về”?

Không thể chỉ kêu gọi bằng tình cảm. Muốn người Việt tài năng ở nước ngoài “dám về” và “dám ở lại”, theo GS Augustine Hà Tôn Vinh: “Việt Nam cần hành động thực chất trên nhiều tầng lớp.

Thứ nhất, cải cách mạnh mẽ thể chế và thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhất quán, tinh gọn. Cần có cơ chế một cửa thực sự, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tiếp xúc và giấy tờ không cần thiết.

Thứ hai, xây dựng môi trường pháp lý đảm bảo quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận đất đai và vốn đầu tư cho người Việt mang quốc tịch nước ngoài. Có thể ban hành Luật riêng về “người Việt toàn cầu” với khung pháp lý ưu tiên rõ ràng.

Thứ ba, tạo cơ chế “thử nghiệm thể chế” tại một số địa phương hoặc khu công nghệ cao, nơi cho phép Việt kiều thực hiện dự án mà không cần vượt qua rào cản chung của hệ thống hành chính hiện hành. Mô hình “hộ chiếu tài năng” (talent visa) có thể áp dụng như các quốc gia Singapore, Hàn Quốc, UAE đang làm.

Thứ tư, cải thiện văn hóa công sở theo hướng chuyên nghiệp, đánh giá dựa trên kết quả và minh bạch trong phân quyền thực chất. Đào tạo đội ngũ lãnh đạo biết trân trọng và sử dụng người tài, kể cả khi người đó “không cùng hệ”.

Cuối cùng, là sự thay đổi trong tư duy của xã hội. Người Việt ở nước ngoài không chỉ nên được xem là “kiều hối”, mà là một phần của tài sản quốc gia, cần được chào đón không phải chỉ bằng lời nói mà bằng thể chế, niềm tin và cơ hội công bằng.

Muốn nhân tài Việt kiều “dám về”, Việt Nam cần tạo dựng một hệ sinh thái cởi mở, minh bạch, tôn trọng giá trị cá nhân và đảm bảo quyền lợi thực chất. Nếu không, chúng ta sẽ mãi chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi đầy cảm xúc, còn nhân tài thì vẫn phải chần chừ với một câu hỏi quen thuộc: “Liệu có đáng để đánh đổi không?”.

Lời mời góp ý với Diễn đàn “CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI”

Tạp chí điện tử VietTimes trân trọng mời quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước gửi ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

📩 Vui lòng gửi bài viết và ý kiến về diễn đàn “MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI” theo địa chỉ: toasoan@viettimes.vn