Nhìn từ Vũ Hán: Tầm quan trọng của xét nghiệm diện rộng thần tốc

Thanh Hà
Thanh Hà

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xét nghiệm thần tốc diện rộng là một trong những chìa khóa giúp Vũ Hán kiểm soát dịch thành công, mặc dù thành phố này hứng chịu làn sóng dịch bệnh COVID-19 lớn nhất và sớm nhất tại Trung Quốc.

Bên cạnh vaccine, một giải pháp khống chế dịch mà Trung Quốc đi đầu và gặt hái kết quả tích cực là xét nghiệm nhiều lần trên diện rộng. Biện pháp này được thành phố Vũ Hán, tâm dịch một thời của COVID-19, triển khai đầu tiên và trở thành bài học sáng giá cho nhiều khu vực khác của Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Vài ngày cận Tết Nguyên đán 2020, thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và sau đó là toàn bộ các tỉnh thành khác cùa Trung Quốc bị cuốn vào cơn bão lây nhiễm của một loại virus viêm phổi lạ, được xác định là virus corona chủng mới.

Lệnh phong tỏa thành phố sau đó được ban hành khẩn cấp, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một thành phố đông đúc hơn 10 triệu dân bị giãn cách hoàn toàn với bên ngoài.

Ngày 8/4, thành phố Vũ Hán chính thức được dỡ lệnh phong tỏa sau 76 ngày chiến đấu với dịch Covid-19.

Tuy thành phố kết thúc thời gian phong tỏa, nhưng công tác phòng, chống Covid-19 vẫn được đặt lên hàng đầu. Ngày 14/5, chính quyền Vũ Hán đã phát động chiến dịch xét nghiệm diện rộng cho những người dân trong thành phố chưa làm xét nghiệm trước đó. Đối với một số ít những người không thể đến điểm xét nghiệm như người cao tuổi, giới chức đã điều nhân viên lấy mẫu đến tận nhà.

Việc tổ chức xét nghiệm, tầm soát Covid-19 thần tốc trên diện rộng của Vũ Hán thực tế có tác dụng to lớn trong công tác phòng, chống đại dịch, đưa cuộc sống bình thường trở lại.

Vũ Hán thực hiện xét nghiệm diện rộng cho người dân. Ảnh: Getty Image

Vũ Hán thực hiện xét nghiệm diện rộng cho người dân. Ảnh: Getty Image

Lo lắng về những "cuộc chạm trán bất ngờ" với người mắc Covid-19 không có triệu chứng, người dân Vũ Hán vẫn chịu áp lực tâm lý khi đi tàu điện ngầm, xe buýt, trung tâm mua sắm và nhà hàng; hoạt động tiêu dùng thực tế diễn ra trong trạng thái e dè.

Bên cạnh đó, một số tỉnh duy trì cảnh giác và đề phòng đặc biệt trước sự xuất hiện của người từ Vũ Hán đến. Người Vũ Hán thường gặp phải "rào cản vô hình" khi họ ra khỏi tỉnh để tìm việc làm, kinh doanh và du lịch.

Tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc năm 2020, đại diện tỉnh Hồ Bắc cũng đưa vấn đề này ra cuộc họp và kêu gọi tất cả các tỉnh thành trên cả nước cùng nhau giải quyết. Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói: 'Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách mà Hồ Bắc phải đối mặt là nỗ lực hết sức để phối hợp phòng chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội."

Theo ông Tập, chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát một cách hiệu quả và niềm tin của người dân được khôi phục thì sự phát triển kinh tế và xã hội của Hồ Bắc mới thực sự trở lại "đường ray bình thường". Sự tự tin đến từ đâu? Không chỉ bằng những lời kêu gọi, bằng tình yêu của người dân cả nước ủng hộ Vũ Hán mà còn bằng khoa học và bằng nói đi đôi với làm.

Việc thực hiện xét nghiệm axit nucleic diện rộng ở Vũ Hán là sử dụng bằng chứng thực nghiệm khoa học để chứng minh độ "an toàn" và để trấn an người dân Vũ Hán và cả nước.

Một mặt, xét nghiệm toàn thành phố giúp phát hiện sớm các ca nhiễm bệnh không có triệu chứng, kịp thời cách ly và cung cấp cho người bệnh những chăm sóc điều trị cần thiết. Mặt khác, giải pháp này cũng cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ và mức độ lây nhiễm của các ca mắc Covid-19 không có triệu chứng ở Vũ Hán.

Tại cuộc họp báo lần thứ 104 về công tác phòng chống và kiểm soát đại dịch của tỉnh Hồ Bắc chiều ngày 02/06/2020, Phó thị trưởng Vũ Hán Hồ Á Ba tuyên bố: "Chi phí cho đợt xét nghiệm axit nucleic diện rộng này do chính quyền thành phố Vũ Hán chịu, với tổng kinh phí khoảng 900 triệu NDT (tương đương 3180 tỉ VNĐ – T.H.). Qua đợt xét nghiệm này, người dân cả nước yên tâm và người dân Vũ Hán yên tâm, phản ánh đầy đủ triết lý cầm quyền của đảng ta về quyền tối cao của nhân dân. Chiến dịch này chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của thành phố đi đúng hướng trong thời gian tới. Khoản đầu tư này là hoàn toàn xứng đáng."

Sau đợt xét nghiệm diện rộng này, ngày Tết thiếu nhi 1/6/2020, nhiều bậc cha mẹ Vũ Hán cuối cùng cũng tự tin đưa con cái đi chơi ngoài trời, mua sắm ở trung tâm thương mại và ăn uống trong nhà hàng.

Ở cấp bậc thành phố, chiến dịch xét nghiệm diện rộng của Vũ Hán không chỉ loại bỏ mối lo ngại về bệnh dịch mà còn tạo nền tảng cho chiến thắng hoàn toàn trong công tác phòng chống dịch và kích thích tiêu dùng, khôi phục nền kinh tế.

Ở cấp quốc gia, chiến dịch trên một lần nữa chứng minh giá trị và tính mạng của con người là trên hết, đồng thời cũng tạo niềm tin vào kế hoạch phòng chống dịch tổng thể và phát triển kinh tế trên cả nước.

Viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc Lý Lan Quyên từng thể hiện niềm tin vào kết quả xét nghiệm và thẻ xanh sức khỏe của Vũ Hán, "Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và sự ủng hộ to lớn nhất đối với đóng góp của người dân Vũ Hán trong công tác phòng dịch bệnh".

Thành phố Vũ Hán không ghi nhận bất kỳ ca lây nhiễm cộng đồng nào kể từ tháng 6/2020.

Đến năm 2021, khi biến thể Delta lan rộng ra tại Trung Quốc, các nhà chức trách tại Vũ Hán cũng nhanh chóng bắt đầu chiến dịch xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân mặc dù các ca mắc mới không nhiều.

Ông Vương Quảng Phát, chuyên gia về hô hấp tại bệnh viện thuộc Đại học Bắc Kinh, người từng là thành viên nhóm điều tra chung của WHO - Trung Quốc tại Vũ Hán hồi tháng 2, cho biết:

"Việc xét nghiệm toàn thành phố Vũ Hán không phải là thái quá, từ góc độ dịch tễ học. Hơn nữa, do thành phố nhạy cảm với dịch bệnh, nên người dân có trách nhiệm chấp hành các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Điều đó sẽ khiến họ yên tâm hơn."

Noi gương Vũ Hán, nhiều thành phố Trung Quốc tuân thủ chính sách "không khoan nhượng với Covid-19" khi đối phó với các biến thể mới và các đợt bùng phát dịch.

Ngày 21/5/2021, khi phát hiện ca nhiễm Delta đầu tiên ở tỉnh Quảng Đông, cơ quan y tế tỉnh, quận, thành phố trực thuộc đều được báo tin, chiều cùng ngày đã khoanh vùng nguồn lây và thực hiện phong tỏa theo mức độ rủi ro.

Quảng Châu xác định xét nghiệm diện rộng là biện pháp không thể thiếu nhưng phải làm nhanh nhất có thể. Quảng Châu với hơn 18,6 triệu dân, từ ngày 4 đến 6/6 đã hoàn thành xét nghiệm cho toàn dân. Thâm Quyến cũng tập trung mọi nguồn lực để xét nghiệm thần tốc và hoàn thành xét nghiệm 3 lần cho gần 21 triệu dân.

Tại ổ dịch ở thành phố Nam Kinh, hơn 9,3 triệu dân đã được xét nghiệm axit nucleic 4 lần.

Nỗ lực xét nghiệm diện rộng kết hợp với truy vết tiếp xúc, cách ly nghiêm ngặt ca nhiễm và phong tỏa diện hẹp đã giúp Trung Quốc tiếp tục kiềm chế thành công dịch bệnh giữa lúc biến chủng Delta hoành hành khắp thế giới.

Nhiều quốc gia trên thế giới duy trì xét nghiệm diện rộng. Ảnh: Getty Image

Nhiều quốc gia trên thế giới duy trì xét nghiệm diện rộng. Ảnh: Getty Image

Trở lên là thực tế xét nghiệm thần tốc diện rộng ở Vũ Hán và một số thành phố của Trung Quốc, quốc gia có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới và đang được xếp số 1 thế giới về chỉ số phục hồi sau Covid-19.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới bao gồm Hàn Quốc, Anh, Đức, Hà Lan cũng đặt cược vào hướng đi xét nghiệm diện rộng.

Còn tại Việt Nam, chúng ta có dân số xém100 triệu, hết ngày 12/9 mới tiêm khoảng 30 triệu mũi vắc xin, thiết nghĩ việc xét nghiệm diện rộng và khoanh vùng xử lý là tối cần thiết, để có thể chủ động kiểm soát được tình hình. Nhìn những nước giàu có nêu trên với tỷ lệ phủ vắc xin đã hoàn thành rất cao, lại có hệ thống y tế mạnh hơn ta rất nhiều, đều phải kiên định con đường xét nghiệm thần tốc diện rộng, thiết nghĩ chúng ta đã tự có câu trả lời rõ ràng đất nước mình nên đi con đường nào.

Thực tế, trước diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, những ngày này Việt Nam đã triển khai khẩn trương hoạt động xét nghiệm trên diện rộng. Thành phố Hà Nội cũng đã đặt mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh bằng chính sách xét nghiệm diện rộng toàn địa bàn cho 100% người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung quyết liệt, thần tốc xét nghiệm và tiêm xong vắc xin mũi 1 cho toàn bộ người dân đến ngày 15/9.

Mặc dù chi phí xét nghiệm diện rộng kể cả làm gộp mẫu là không nhỏ, những lợi ích từ việc ngăn ngừa ca nhiễm trong tương lai, nhất là những ca nhiễm không triệu chứng có thể âm thầm lây lan cho nhiều người làm bùng đại dịch, vẫn sẽ lớn hơn rất nhiều, không những cho hệ thống y tế, mà cho toàn bộ nền kinh tế, và cho tổng phúc lợi của đất nước.

Phòng dịch mà làm sớm, làm đúng thì lợi lạc khó đo đếm hết được. "Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất một triệu đồng chống dịch," là lời đúc kết trong chỉ đạo công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 11/9/2021.