Thử giải bài toán sống chung với Covid-19

Phạm Mạnh Hùng
Phạm Mạnh Hùng

Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sống chung với Covid-19 là tất yếu. Vấn đề là sống chung với Covid-19 thế nào để vừa đảm bảo sinh kế, vừa phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ sức khỏe, sinh mệnh của người dân.

LTS: Sau gần hai năm phòng, chống quyết liệt đại dịch Covid-19, giờ đây Việt Nam đang ở thời khắc khó khăn đòi hỏi quyết sách sáng suốt, giải quyết vấn đề nan giải không thể kéo dài giãn cách mãi trong khi độ phủ vaccine còn rất hạn chế. Trên tinh thần tìm kiếm lời giải cho vấn đề hệ trọng này, VietTimes giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cung cấp góc nhìn về cách giải bài toán sống chung với Covid-19 trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Sống chung với Covid-19 là tất yếu

Đến nay, thời gian giãn cách đã khá dài, chúng ta cũng không thể “câu giờ” đến khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố nền tảng rồi mới đồng loạt mở trở lại, bởi lẽ chỉ riêng việc phủ đại trà vaccine và cải thiện năng lực điều trị của hệ thống y tế cũng không phải một sớm một chiều mà đạt được, nhất là nguồn vaccine hiện rất hạn chế, phụ thuộc nước ngoài. Sức chịu đựng của nhiều thành phần trong xã hội đã tới hạn, ban đầu là công nhân, rồi đến giới làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, giờ thì hàng loạt doanh nghiệp không trụ nổi, 8 tháng vừa qua có tới hơn 85 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhà nước cũng không thể đủ nguồn lực để trợ giúp mãi.

Giãn cách kéo dài còn làm đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, FDI có thể rời đi, nền kinh tế lạc điệu, lỗi nhịp với kinh tế thế giới v.v. Hơn nữa, cũng không thể tận diệt virus, dịch có thể biến mất nhưng virus thì vẫn ở lại dưới biến thể này hay biến thể khác. Bởi vậy, sống chung với Covid-19 là tất yếu. Vấn đề là sống chung với Covid-19 thế nào để vừa đảm bảo sinh kế, vừa phát triển kinh tế đồng thời bảo vệ sức khỏe, sinh mệnh của người dân.

Mở từng bước, chắc chắn

Trong điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay thì cần mở từng bước, chắc chắn bởi lẽ các nền tảng thiết yếu để sống chung với Covid-19 chưa thật ổn. Thứ nhất, độ phủ vaccine rất thấp, tính đến ngày 10/9/2021 mới tiêm được 26.011.941 mũi. Thứ hai, công suất điều trị của hệ thống y tế hạn chế, tỷ lệ tử vong cao gần 4%, tỷ lệ phục hồi thấp, đặc biệt tình hình dịch vẫn còn phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam. Thứ ba, hệ thống giám sát dịch cũng chưa tốt. Thứ tư, bộ máy chính quyền ở không ít nơi còn nhiều bất cập bộc lộ rõ qua đợt dịch này. Thứ năm, ý thức và điều kiện sống của một bộ phận dân chúng chưa cao, nhiều khu mật độ dân cư rất đông v.v.

Lộ trình mở cần song hành với độ phủ vaccine. Vaccine là chìa khóa trong quyết sách sống chung với Covid-19 nên cần căn cơ, tính toán nhằm đạt được kết quả tốt nhất có thể, cần tập trung cao độ, tránh dàn trải. Cụ thể, dồn toàn bộ vaccine và huy động chi viện từ các tỉnh, thành lân cận để nhanh chóng tiêm đủ hai mũi cho toàn bộ người dân của hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Số còn lại phân bổ cho các tỉnh, thành quan trọng kinh tế và nguy cơ cao như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… Mặt khác, bằng mọi giá, xoay xở từ mọi nguồn để sớm có đủ vaccine, mua gom, ngoại giao, đàm phán, chuyển giao công nghệ, gia công đóng gói, hợp tác nghiên cứu sản xuất trong nước, v.v.

Tiêm phòng vaccine tại quận Tân Bình

Tiêm phòng vaccine tại quận Tân Bình

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dỡ bỏ giãn cách với những vùng xanh, nới lỏng đối với những vùng vàng, giữ nguyên giãn cách với những vùng đỏ cho đến khi trở thành vùng xanh. Các ổ dịch vẫn tiếp tục bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Tiến hành cấp thẻ xanh và thẻ vàng. Thẻ xanh cấp cho những ai đã tiêm đủ vaccine sau 14 ngày, những F0 khỏi bệnh dưới 65 tuổi, không có bệnh nền. Những người được cấp thẻ xanh được tự do di chuyển, đi làm, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng, đi du lịch, công tác ở các tỉnh thành, nước ngoài, v.v.

Thẻ vàng cấp cho các đối tượng đã tiêm đủ vaccine nhưng có tuổi từ 65 trở lên, những người có bệnh nền, những người đã tiêm một mũi vaccine sau 14 ngày dưới 65 tuổi, không có bệnh nền. Những người được cấp thẻ vàng chỉ được phép tiếp cận một số khu vực hoặc được làm những việc xác định theo quy định cụ thể.

Vẫn cần có hạn chế đối với các hoạt động tụ tập đông người, chẳng hạn giới hạn số người được phép vào các điểm du lịch, trung tâm thương mại, phòng tập thể dục, dự đám cưới, đám tang và các sự kiện, v.v. Giới hạn số người ở các cuộc gặp gỡ và giao lưu xã hội. Các cơ quan được phép 50% số nhân viên đến công sở làm việc, số còn lại làm từ xa.

Căn cứ tình hình thực tế, theo dõi dữ liệu như số ca nhiễm bệnh, số ca bệnh nặng, số ca tử vong v.v., để có sự điều chỉnh, thực hiện các bước tiếp theo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều này cũng giúp doanh nghiệp, người dân có thời gian làm quen và thích ứng dần với việc sống chung với Covid-19.

Sống chung với Covid-19 là một bài toán hóc búa, có nhiều việc cần làm, toàn những việc khó và phức tạp, ảnh hưởng tới sinh mệnh, sinh kế của hàng triệu người cũng như sức sống của cả nền kinh tế. Bởi vậy, đòi hỏi phải có chuyên môn, nhất là chuyên môn về dịch tễ, y tế.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần lập các đội đặc nhiệm tinh nhuệ gồm những chuyên gia, nhà chuyên môn tài năng. Chẳng hạn, Đội đặc nhiệm xây dựng Bộ quy tắc chung về "sống chung với Covid-19"; Đội đặc nhiệm vaccine; Đội đặc nhiệm cải thiện năng lực điều trị của hệ thống y tế; Đội đặc nhiệm cải thiện năng lực giám sát dịch; Đội đặc nhiệm phục hồi kinh tế, v.v.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa là Bộ Chỉ huy tối cao đồng thời là đầu mối liên lạc, thiết kế khung khổ và giải quyết các vấn đề liên quan tới việc sống chung với Covid-19. Cần gấp rút xây dựng Bộ quy tắc chung về "sống chung với Covid-19" với vai trò là bộ khung chuẩn để các chính quyền địa phương tham chiếu trong xây dựng các quy định cụ thể về việc sống chung với Covid-19. Các doanh nghiệp, người dân tham chiếu để chủ động xây dựng phương án đáp ứng hoạt động có điều kiện trong môi trường bình thường mới.

Các chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà chuyên môn xây dựng phương án sống chung với Covid-19, lập kế hoạch cụ thể để "sống chung với Covid-19", chủ động củng cố và cải thiện năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, bố trí ngân sách và nhân lực phù hợp cho việc sống chung với Covid-19.

Tự giác giãn cách cá nhân là cứu cánh

Cùng với gia tăng độ phủ vaccine, cần củng cố và cải thiện năng lực điều trị của hệ thống y tế bởi lẽ khi sống chung với Covid-19 số người mắc sẽ tăng lên, chuẩn bị chu đáo để hệ thống y tế không bị quá tải, đổ vỡ. Một mặt, lập chuyên khoa Covid ở các bệnh viện lớn, xây dựng phương án công - tư kết hợp để tăng cường năng lực điều trị của hệ thống y tế. Mặt khác, để giảm tải cho hệ thống y tế cần triệt để sử dụng Mô hình tháp điều trị, phân loại bệnh nhân theo các cấp độ: Không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, bệnh nặng, đặc biệt chú ý đến bệnh nhân nặng. Với F0 không nặng thì điều trị tại nhà khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định. Sử dụng thuốc kháng virus cho các bệnh nhân F0 ngay từ những ngày đầu của bệnh dù chưa có triệu chứng hay chỉ có những triệu chứng nhẹ.

Đặc biệt, cần chủ động về nguồn thuốc điều trị và thiết bị y tế, nhất là máy thở, oxy y tế, v.v. Để tránh lây nhiễm trong việc xét nghiệm tập trung, nên phát miễn phí kit test nhanh kháng nguyên cho các hộ gia đình để người dân tự xét nghiệm đồng thời bố trí các địa điểm xét nghiệm RT- PCR ở những nơi thuận tiện để người dân dễ dàng tiếp cận.

Cải thiện năng lực giám sát dịch, thiết kế hệ thống theo dõi dịch bệnh trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch, cần có sự thống nhất trong sử dụng app nếu các địa phương có app riêng thì cần kết nối vào kho dữ liệu quốc gia và phải đạt một số tính năng bắt buộc.

Thay ngay cán bộ yếu kém, trì trệ, không làm tròn vai, không thuộc bài trong bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, hướng tới xây dựng một đội ngũ kỹ trị chuyên nghiệp, tài năng với tinh thần đổi mới sáng tạo đáp ứng tốt đòi hỏi của việc sống chung với Covid-19.

Hơn tất cả, sự nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống dịch, tự rèn luyện sức khỏe, tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn, thực hiện tốt việc giãn cách cá nhân theo 5K để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Khi nhận thấy có triệu chứng nhiễm bệnh hay tiếp xúc gần với F0 thì biết tự xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính thì đến cơ sở xét nghiệm PCR, nếu chẳng may bản thân hay gia đình bị nhiễm bệnh thì tự giác cách ly và tự điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ với sự hỗ trợ, tư vấn trực tuyến của bác sĩ.

Tóm lại, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, cần mở từng bước, chắc chắn với cách tiếp cận lựa chọn và tập trung, có việc trước việc sau theo lộ trình, căn cứ vào tình hình thực tế có sự điều chỉnh thích hợp. Chúng ta sống chung chứ không sống liều với Covid-19, có những thứ có thể liều được nhưng không thể “liều” với sinh mệnh của người dân. Sống “liều” với biến thể Delta thì sớm “tan vỡ”, nhanh chóng phong tỏa trở lại, khi đó sự việc càng tồi tệ hơn, cái giá phải trả là mạng sống của rất nhiều người, là sự quá tải, đổ vỡ của hệ thống y tế, sự sụp đổ của nền kinh tế v.v.

Để sống chung với Covid-19, cùng với việc gia tăng độ phủ vaccine, củng cố và cải thiện năng lực điều trị của hệ thống y tế thì sự nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là việc thực hiện nghiêm ngặt giãn cách cá nhân. Vẫn biết rằng chẳng thoải mái chút nào khi phải giãn cách cá nhân nhưng đó là giải pháp để chúng ta sống chung với Covid-19 mà không phải giãn cách xã hội trở lại.