'Nhiệm vụ bất khả thi' cho các ngân hàng trung ương năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới – và ngân hàng trung ương của họ - đối diện với nhiệm vụ hết sức khó khăn trong năm 2023: kiềm chế lạm phát bằng lãi suất cao mà không gây suy thoái.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Anh và nhiều ngân hàng trung ương khác có thể sẽ trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận chính trị. Hệ quả của nó được cho là sẽ thách thức sự độc lập của ngân hàng trung ương và khả năng hành động quyết liệt của họ để kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng trung ương nhiều nước chật vật chống lạm phát giữa các trở ngại về chính trị (Ảnh: FT)

Ngân hàng trung ương nhiều nước chật vật chống lạm phát giữa các trở ngại về chính trị (Ảnh: FT)

Thách thức về lạm phát

Lạm phát cao có lẽ là thách thức lớn nhất mà nền kinh tế thế giới phải đón nhận trong năm 2023.

Lạm phát đã tăng chóng mặt và giờ đã tiệm cận với mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, tác động tiêu cực tới tiêu chuẩn sống ở nhiều quốc gia.

Điều này đặc biệt ảnh hưởng tới những người nghèo nhất. Họ phải gánh chịu ảnh hưởng của lạm phát cao nhiều hơn so với phần còn lại khi phải chi nhiều tiền hơn trong thu nhập của mình để mua thực phẩm và năng lượng.

Lạm phát tăng đột biến sau 2 thập kỷ ở mức thấp và ổn định khiến các ngân hàng trung ương bất ngờ. Họ phản ứng bằng cách nâng lãi suất quyết liệt trong nửa sau năm 2022, trong đó Fed dẫn đầu. Fed đã nâng lãi suất thêm 4,25% trong vòng 6 tháng, trong khi Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng tiếp bước.

Chiến lược của họ dường như mang lại hiệu quả. Lạm phát ở Mỹ đã chậm lại, trong khi ở Anh và Eurozone, dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh – mặc dù vẫn ở mức rất cao, khoảng 10% - và có thể bắt đầu xu hướng giảm.

Nhưng các đợt nâng lãi suất – được dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2023, mặc dù đã giảm nhịp độ - có thể tiếp tục làm lu mờ viễn cảnh đà tăng trưởng kinh tế vốn đã ảm đạm ở nhiều nước phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo rằng trong năm 2023, cả Mỹ và eurozone sẽ tăng trưởng chỉ 0,5%, dưới mức trung bình trong lịch sử, trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức, sẽ thu hẹp khoảng 0,3%. Ở Anh, ngân hàng trung ương nước này dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục thu hẹp cho đến giữa năm 2024.

Tài khóa và lạm phát

Một trong những vấn đề chính trị có thể làm ảnh hưởng tới những kế hoạch của ngân hàng trung ương là chi tiêu chính phủ.

Vấn đề chính trị gây ra tác động theo nhiều cách khác nhau. Ở Mỹ, chi tiêu chính phủ đã tăng lên đáng kể, đáng chú ý nhất là dự luật cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỉ USD được ký thành luật vào cuối năm 2021 và gói ngân sách 1,7 nghìn tỉ USD được thông qua trong tháng 12.

Kiểu chính sách tài khóa mở rộng này – có thể kéo dài trong nhiều năm – sẽ làm ảnh hưởng tới nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Khi các ngân hàng trung ương tìm cách giảm lạm phát bằng cách giảm cầu, việc chính phủ tăng chi tiêu chỉ gây ra tác dụng ngược. Điều này buộc Fed và các ngân hàng trung ương phải tiếp tục nâng lãi suất cao hơn so với dự kiến.

Ở châu Âu và Anh, chính phủ các nước đã buộc phải chi hàng tỉ USD để trợ giá năng lượng cho người dân và doanh nghiệp, trong khi đà tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm giảm nguồn thu từ thuế của họ, dẫn tới thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, ở Anh, chính phủ của đảng Bảo thủ đã ưu tiên cuộc chiến chống lạm phát, tuyên bố sẽ cắt giảm trợ giá năng lượng cho người tiêu dùng, tăng thuế và giảm chi tiêu công nếu như họ giành chiến thắng trong đợt tổng tuyển cử tới, dự kiến diễn ra vào năm 2024. Mặc dù đây là nỗ lực nhằm giảm lạm phát, nhưng chúng lại không được ủng hộ xét về mặt chính trị.

Hiện giờ, Ngân hàng Anh vẫn đang cân nhắc về việc liệu có nên tiếp tục nâng lãi suất, và nếu có thì nâng với nhịp độ nào.

Lạm phát dần trở thành một vấn đề chính trị khi người lao động đình công đòi lương cao hơn (Ảnh: AP)

Lạm phát dần trở thành một vấn đề chính trị khi người lao động đình công đòi lương cao hơn (Ảnh: AP)

Dấu hỏi về sự độc lập của ngân hàng trung ương

Ngoài ra, còn có một vấn đề chính trị khác được xem là nghiêm trọng hơn đối với các ngân hàng trung ương, khiến cho nhiệm vụ của họ trở nên khó khăn hơn.

Trong suốt 20 năm qua, sự độc lập của các ngân hàng trung ương trước sự can thiệp của chính phủ, cùng với mức lạm phát mục tiêu ở khoảng 2% đã giúp họ củng cố uy tín trong các cuộc chiến chống lạm phát – vốn ở mức thấp lịch sử trong phần lớn của thế kỷ 20.

Nhưng giờ, cả uy tín lẫn sự độc lập của họ có thể bị đe dọa.

Giới chức ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở châu Âu, nhận thức rõ về nỗi quan ngại của cộng đồng về việc lãi suất cao có thể hạn chế đà tăng trưởng, một phần là bởi nền kinh tế của nước họ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ cuộc chiến ở Ukraine nếu so với Mỹ. Trong khi đó, người tiêu dùng chịu tác động bởi các khoản thanh toán nợ thế chấp cao hơn.

Cùng lúc, nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc thuyết phục người lao động không đòi hỏi mức lương cao hơn (để bù đắp cho lạm phát) – điều sẽ giúp họ giảm bớt sự cần thiết phải nâng lãi suất – đã phản tác dụng, đặc biệt là ở Anh, nơi mà làn sóng đình công vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Căng thẳng chính trị dài kỳ liên quan tới vai trò của ECB càng trở nên trầm trọng hơn khi ở một số nước thuộc eurozone chính phủ cánh hữu lên nắm quyền.

Theo truyền thống, dưới tầm ảnh hưởng của ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), ECB có nỗi lo về lạm phát lớn hơn so với các ngân hàng trung ương khác. Do sức ép chính trị nên ECB phải hành động chậm hơn so với các ngân hàng trung ương khác trong việc gỡ bỏ chính sách lãi suất thấp.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Chủ tịch Fed Jerome Powell ra sức chống lại mọi nỗ lực cản trở ông tập trung vào kiềm chế lạm phát, sức ép chính trị có thể tăng lên cả ở phía cánh hữu và cánh tả, đặc biệt là nếu ông Donald Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Cuối cùng, điều này có thể dẫn tới việc Quốc hội hoặc một chính quyền mới cố gắng thay đổi hướng tiếp cận của Fed, thậm chí quyền điều hành và trách nhiệm của nó.

Giá năng lượng và thực phẩm phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương (Ảnh: FT)

Giá năng lượng và thực phẩm phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương (Ảnh: FT)

Vùng vô định

Nhưng tất cả những thách thức trên có thể được hóa giải nếu như những dự báo của ngân hàng trung ương về lạm phát giảm mạnh vào cuối năm 2023 trở thành sự thực.

Tuy nhiên, những dự báo này chỉ dựa trên niềm tin rằng giá năng lượng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp dưới đỉnh hoặc giảm sâu hơn trong năm tới.

Như trong năm 2022, khi các ngân hàng trung ương không thể đón đầu sớm mối đe dọa về lạm phát, những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của họ cũng như những diễn biến chính trị có thể đập tan hy vọng của họ.

Điều tương tự có thể xảy ra trong năm 2023, ví dụ như căng thẳng leo thang trong cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá năng lượng cao hơn, thêm nhiều gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, hay người lao động đòi mức lương cao hơn.

Trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sống đang trở thành tâm điểm ở nhiều nước phát triển, lãi suất giờ không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà đã trở thành một vấn đề chính trị.

Cả chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đều bước vào một vùng vô định trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Nếu những dự báo mà họ đưa ra được chứng minh là quá lạc quan, cái giá về kinh tế và chính trị phải trả sẽ là rất cao.

Tất cả điều này cho thấy viễn cảnh về lạm phát rất khó đoán. Và nỗi lo về sự trở lại của lạm phát đình trệ (stagflation) kiểu những năm 1970 – lạm phát cao và đà tăng trưởng kinh tế trì trệ - có thể trở thành thực tế./.

Theo The conversation