Người dân Trung Quốc sẽ làm gì với 827 tỉ USD dành dụm trong đại dịch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu người tiêu dùng Trung Quốc có lao vào cuộc mua sắm 'trả thù' hay quyết định giữ tiền để đề phòng bất trắc sau 3 năm phong tỏa.

Việc Trung Quốc từ bỏ zero-Covid là diễn biến có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới các thị trường toàn cầu trong năm 2023.

Để vực dậy nền kinh tế, giới chức Trung Quốc được cho là đang tìm cách thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Đây cũng là 'chìa khóa' tăng trưởng mà các nhà đầu tư vào quốc gia tỷ dân đang cân nhắc.

Shuli Ren – chuyên gia phân tích đầu tư tài chính - vừa đã có bài viết đăng tải trên Bloomberg, phân tích về nội dung này. VietTimes xin gửi quý độc giả nội dung chuyển ngữ của bài viết.

Buộc phải ở nhà do chính sách zero-Covid chặt chẽ, người tiêu dùng Trung Quốc đã tiết kiệm được 1/3 thu nhập trong năm 2022. Họ gửi tổng cộng là 17,8 nghìn tỉ NDT (2,6 nghìn tỉ USD) vào tài khoản ngân hàng.

Đó là một con số khổng lồ ngay với cả một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Trước đại dịch, các hộ gia đình chỉ tiết kiệm khoảng 17% thu nhập của họ.

Giờ đây, khi các hạn chế do COVID được nới lỏng, liệu tình trạng mua sắm “trả thù” có xảy ra để bù cho khoảng thời gian phong tỏa (?).

Trong vòng 3 năm qua, lượng tiền tiết kiệm dôi thừa ở Trung Quốc đã lên tới 5,6 nghìn tỉ NDT (827 tỉ USD), theo ước tính của JPMorgan Chase & Co.

Đây chắc chắn là điều mà các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang chờ đợi. Đến nay, họ vẫn đang nhìn vào dữ liệu về di chuyển, ví dụ như lưu lượng sử dụng tàu điện ngầm và giao thông trên các tuyến đường, và nhận thấy rằng số ca nhiễm COVID đang tăng nhanh chóng bên cạnh đà phục hồi.

Thêm vào đó, giới đầu tư cũng cảm thấy an tâm hơn khi chứng kiến nhiều chính sách mới cho thấy tín hiệu Bắc Kinh nới lỏng các quy định, và tăng cường mối quan hệ nồng ấm với phương Tây. Bởi vậy, các nhà đầu tư bắt đầu nhìn vào những cổ phiếu bị lãng quên.

Để xu hướng tích cực này tiếp diễn, một nhà đầu tư không chỉ dựa vào hy vọng và những tín hiệu từ chính sách.

Các nhà đầu tư cần phải trông thấy lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn, và cảm thấy an tâm rằng người tiêu dùng Trung Quốc không bị ảnh hưởng tâm lý do chính sách zero-COVID, hay một nền kinh tế yếu ớt nhất trong nhiều thập kỷ.

Một tín hiệu đáng mừng xuất hiện cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đã bắt đầu xu hướng tăng. Số lượng người xin thị thực để du lịch tới khu vực Đông Nam Á tăng đột biến. Du khách Trung Quốc dường như không thể chờ đợi thêm – họ tập trung rất đông tại khu nghỉ dưỡng thành phố Tam Á.

Giới đầu tư cũng có thể hy vọng về nhu cầu hàng xa xỉ tăng. Tháng trước tại Thượng Hải, rất nhiều người trẻ tuổi đã xếp hàng trước các cửa hiệu của Chanel và Cartier vào dịp Giáng sinh, với mong muốn mua những món quà cho người thân. Nếu như hiện tượng mua hàng “trả thù” từng diễn ra ở Mỹ, thì nó cũng có thể diễn ra ở Trung Quốc.

Người dân xếp hàng mua quà xa xỉ dịp Giáng sinh ở Thượng Hải (Ảnh: Bloomberg)

Người dân xếp hàng mua quà xa xỉ dịp Giáng sinh ở Thượng Hải (Ảnh: Bloomberg)

Liệu người tiêu dùng Trung Quốc có đổ tiền vào bất động sản một lần nữa? Niềm tin của người tiêu dùng có thể sẽ trở lại, bởi chính quyền Bắc Kinh đã công bố nhiều gói kích thích tài chính khổng lồ nhằm hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản nặng nợ.

Mọi khía cạnh của lĩnh vực bất động sản, từ doanh số cho tới khởi động dự án mới, đều chịu áp lực.

Bởi vậy, nếu các hộ gia đình bắt đầu phản ứng tích cực với biện pháp cắt giảm lãi suất vay thế chấp mới nhất, nền kinh tế Trung Quốc có thể lấy lại đà tăng trưởng 5%.

Tuy nhiên, lượng tiền tiết kiệm khổng lồ mà người dân Trung Quốc tích lũy được dưới thời COVID có thể sẽ được tiêu một cách thận trọng.

Do niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục, họ cũng có thể sẽ tiết kiệm tiền để đề phòng trường hợp khó khăn.

Theo kết quả thăm dò mới nhất mà ngân hàng trung ương nước này thực hiện, hơn 60% người gửi tiền ngân hàng sinh sống tại đô thị muốn có tài khoản tiết kiệm không rủi ro, trong khi chỉ 15,5% muốn đầu tư.

Sau 3 năm đóng cửa biên giới, Trung Quốc giờ là điều bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Không chỉ vì tốc độ và quy mô của những thay đổi chính sách đột ngột của Bắc Kinh, mà ngay cả tâm lý của người tiêu dùng cũng khó đoán.

Liệu sẽ có hiện tượng mua sắm “trả thù”? Và nếu không, họ lựa chọn tiết kiệm 827 tỉ USD là do không có chỗ chi tiêu, hay bởi họ lo sợ về tương lai? Chúng ta sẽ sớm biết câu trả lời./.

Theo Bloomberg