Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Chính quyền xem xét nới lỏng "3 lằn ranh đỏ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc đang có kế hoạch nới lỏng hạn chế vay vốn của các doanh nghiệp, dần đảo ngược chính sách “3 lằn ranh đỏ” đã khiến thị trường bất động sản lao đao.
Khủng hoảng bất động sản gây ra quan ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu (Ảnh: Bloomberg)
Khủng hoảng bất động sản gây ra quan ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu (Ảnh: Bloomberg)

Chính quyền Bắc Kinh có thể cho phép một số công ty bất động sản có thêm đòn bẩy bằng cách nới lỏng các hạn chế cho vay vốn, và kéo dài thời gian đáo hạn mà chính sách này đặt ra thêm ít nhất là 6 tháng kể từ hạn gốc là ngày 30/6.

Đây có thể là động thái xoay trục chính sách bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, thêm vào một loạt các biện pháp mà chính quyền đưa ra trong tháng 11 nhằm củng cố lĩnh vực chiếm tới 1/4 nền kinh tế đất nước. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, chính phủ nước này đã nới lỏng các quy định đối với nhiều lĩnh vực, từ sản xuất chip, nhập khẩu than cho tới hoạt động kinh doanh trên nền tảng internet… cho thấy quyết tâm của họ trong việc tái tập trung cho tăng trưởng kinh tế.

“Đây là một tín hiệu từ cơ quan quản lý cấp cao nhất nhằm phục hồi niềm tin của thị trường vào lĩnh vực bất động sản và tạo nên chu kỳ phản hồi tích cực giữa người mua nhà, nhà phát triển bất động sản và thị trường,” Zerila Zeng, chuyên gia phân tích tín dụng đến từ Creditsights Singapore LLC, nhận định.

Giá nhà ở tại Trung Quốc liên tục giảm (Ảnh: Bloomberg)

Giá nhà ở tại Trung Quốc liên tục giảm (Ảnh: Bloomberg)

Sau khi có thông tin này, đồng NDT của Trung Quốc đã tăng 0,4%. Chỉ số gồm các cổ phiếu bất động sản đã tăng gần 1,5%. Giá trái phiếu lãi suất cao bằng đồng USD của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc cũng đã tăng lên mức đỉnh hồi tháng 1/2022.

Cái gọi là “3 lằn ranh đỏ” được áp dụng từ năm 2020 nhằm siết chặt quản lý đối với lĩnh vực bất động sản, giảm nguy cơ trong khu vực tài chính và giúp cho giá nhà ở trở nên phải chăng hơn, với mục tiêu là đạt được sự thịnh vượng chung.

Những biện pháp này, áp đặt những quy định khắt khe về nợ và dòng tiền đối với các công ty địa ốc, đã bóp nghẹt thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản sử dụng đòn bẩy cao nhất, góp phần gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ và ngừng thi công công trình nhà ở, làm dấy lên tình trạng người mua nhà không trả tiền nợ thế chấp ngân hàng.

Do phần lớn thị trường tín dụng bị đóng cửa, rất nhiều nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc đã vỡ nợ đối với hơn 140 trái phiếu trong năm 2022, theo dữ liệu của Bloomberg. Tính chung, các doanh nghiệp này đã lỡ hạn trả nợ khoản tiền 50 tỉ USD đối với trái phiếu trong và ngoài nước.

China Evergrande Group, từng là nhà phát triển địa ốc lớn nhất, đã vỡ nợ vào tháng 12/2021 sau khi lỡ hạn thanh toán nợ trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp khác cũng bị kéo theo, bao gồm Kaisa Group Holdings Ltd. Và Sunac China Holdings Ltd. Các vụ vỡ nợ đã nghiền nát thị trường trái phiếu từng được xem là năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới.

Nỗi lo sợ về tầm ảnh hưởng của các vụ vỡ nợ cũng làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và tác động tới những nhà đầu tư toàn cầu, những người kỳ vọng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ra tay giải cứu các tập đoàn bất động sản khổng lồ. Cuộc khủng hoảng này khiến người mua nhà hoảng sợ, giảm doanh số bán nhà xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ, trong khi giá nhà giảm liên tiếp trong 15 tháng.

Sau gần 2 năm trải qua nỗi đau trên thị trường nhà ở, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thay đổi quan điểm. Theo đề xuất mới, Trung Quốc sẽ nới lỏng những hạn chế đối với các doanh nghiệp bất động sản dựa trên số lằn ranh mà họ không vi phạm. Các doanh nghiệp không vi phạm lằn ranh nào sẽ không còn bị áp trần cho vay và có thể sử dụng thư bảo lãnh từ ngân hàng để trả tiền đặt cọc mua đất.

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang trong thời gian thảo luận và có thể được thay đổi trong tương lai.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang lấy lại sức bật (Ảnh: Bloomberg)

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang lấy lại sức bật (Ảnh: Bloomberg)

Hiện có hơn 30 doanh nghiệp có đủ khả năng đáp ứng được điều kiện chưa vi phạm lằn ranh nào, tính đến tháng 6 năm ngoái, bao gồm China Vanke Co. và Longfor Group Holdings Ltd., dựa trên tính toán của Bloomberg.

Trước đó, người đứng đầu một tổ chức phân tích hàng đầu của Trung Quốc đã đánh tín hiệu rằng Bắc Kinh cần phải xem xét lại cái mà ông gọi là “3 lằn ranh đỏ” sai lầm.

“Sử dụng những chính sách hà khắc như vậy đối với một lĩnh vực là hoàn toàn sai lầm,” Yao Yang, Hiệu trưởng trường Phát triển Quốc gia tại ĐH Bắc Kinh, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi thấy nhiều công ty hoạt động khá ổn, nhưng do “3 lằn ranh” mà trở thành có vấn đề.”

Sự đảo chiều chính sách diễn ra sau khi có hàng loạt chỉ đạo nhằm vực dậy lĩnh vực nhà ở, nơi chứa tới 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc.

Một kế hoạch 16 điểm cũng được công bố trong tháng 11 năm ngoái nhằm hóa giải cơn bĩ cực của các nhà phát triển bất động sản.

Hiện nay, giới chức Trung Quốc cũng đưa ra thêm tín hiệu hỗ trợ. Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Nhà ở Trung Quốc Ni Hong đã cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực “tiếp cận toàn diện” để giải quyết nguy cơ “đứt dây chuyền vốn” của các doanh nghiệp bất động sản, và đưa ngành công nghiệp này đi theo “con đường phát triển chất lượng cao” trong năm 2023./.

Theo Bloomberg