Nga: Mỹ và NATO chưa có câu trả lời chính thức về đề xuất an ninh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga vẫn đang chờ đợi câu trả lời của Washington về đề xuất an ninh mà Moscow gửi hồi tuần trước; Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/12 cho hay.
Moscow cho hay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức của Mỹ và NATO (Ảnh: RT)
Moscow cho hay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức của Mỹ và NATO (Ảnh: RT)

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên trong hôm đầu tuần này rằng chính quyền Mỹ vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức về đề xuất an ninh mà Nga gửi, trong đó bao gồm 2 phiên bản, một gửi Mỹ và một gửi NATO.

“Chưa, họ vẫn chưa trả lời, chúng tôi vẫn đang chờ đợi” – ông Ryabkov nói khi được hỏi về những đề xuất – “Hiện tại,chúng tôi chỉ trông thấy đủ kiểu tuyên bố công khai, phần lớn không phải do người Mỹ đưa ra. Điều quan trọng nhất là điều mà Washington cần phải nói.”

Ông Ryabkov nói rằng, ông kỳ vọng người Mỹ sẽ tỏ ra hợp tác và cởi mở với đối thoại, nhưng thêm rằng Mỹ cũng có thể rút khỏi các vòng đàm phán mà Moscow cho là cấp thiết. “Tôi nghĩ rằng họ sẽ cố gắng kéo dài tiến trình, trong khi chúng tôi cần thực hiện ngay lập tức, bởi tình hình rất cấp bách và có xu hướng trở nên khó khăn hơn”, ông giải thích.

Nhà ngoại giao này thêm rằng, Điện Kremlin vẫn chưa quyết định về việc có nên rút khỏi một bản ghi nhớ về tên lửa tầm ngắn ở châu Âu hay không, trong trường hợp Mỹ và NATO không chấp nhận đề xuất. “Họ kết nối với nhau”, ông giải thích. “Chúng tôi chưa quyết định được có rút khỏi biên bản ghi nhớ đó hay không.”

Thứ Sáu tuần trước, giới chức Nga công khai 2 phiên bản đề xuất an ninh, một bản gửi cho Washington và bản còn lại gửi cho NATO. Moscow nói rằng những đề xuất này được đưa ra nhằm tăng cường an ninh của tất cả các bên liên quan. Những đề xuất này yêu cầu NATO đóng quân hay triển khai vũ khí ở những nước châu Âu không phải là thành viên của khối này trong năm 1997.

Nga cũng đề nghị có được sự đảm bảo rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía các nước từng là thuộc Liên Xô, trong đó có Ukraine, nước đang có tham vọng gia nhập khối đồng minh này. Đề xuất được đưa ra trong lúc căng thẳng gia tăng ở khu vực biên giới Nga-Ukraine, trong đó Kiev và Washington cáo buộc Nga có ý định tấn công Ukraine – điều mà Moscow cực lực bác bỏ.