"Tối hậu thư" Tổng thống Putin gửi NATO có thể dẫn tới chiến tranh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong tuần trước, Điện Kremlin đã đưa ra bản dự thảo hiệp ước 8 điểm gồm những yêu sách về an ninh đối với NATO và Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: National Interest)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: National Interest)

Đề xuất này, được gửi cho giới chức NATO và Mỹ trong tuần trước, kêu gọi nhiều sự nhượng bộ và đảm bảo về an ninh từ cái mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov từng gọi là “toàn thể phương Tây”.

Văn bản này đưa ra 2 thỏa thuận pháp lý riêng biệt; một là giữa Mỹ và Nga, và hai là giữa NATO và Nga. Thỏa thuận với Washington yêu cầu Mỹ ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của NATO, và từ chối kết nạp bất kỳ nước nào từng thuộc Liên Xô trước đây. Thỏa thuận với NATO cũng mang nội dung tương tự nhưng về câu chữ có khác biệt: “Các bên tham gia là các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn sự mở rộng sâu hơn của NATO, bao gồm cả Ukraine và các nước khác.”

Cả hai phiên bản thỏa thuận này đều cấm việc triển khai bất kỳ loại vũ khí nước ngoài nào và sự thiết lập các căn cứ quân sự nước ngoài, dù là phương Tây hay Nga, ở Ukraine và các nước từng thuộc Liên Xô. “Quan điểm của chúng tôi là, chúng ta cần phải loại bỏ tất cả những thứ này và trở lại vị trí của năm 1997” – ông Ryabkov nói về việc NATO điều thêm quân lực, vi phạm Đạo luật Sáng lập về Quan hệ, Sự hợp tác và An ninh chung đã được NATO và Nga ký hồi tháng 5/1997 – “Thế là đã quá đủ”. Thỏa thuận dự thảo với NATO cũng kêu gọi tất cả các bên ký kết thỏa thuận đảm bảo không coi nhau như “đối thủ”.

Phía Nga cũng nêu rõ rằng Điện Kremlin bác bỏ mọi kiểu tiếp cận dần dần hay cách giải quyết từng phần. “Cả hai đều không phải một thực đơn để mà lựa chọn, chúng củng cố lẫn nhau và cần được đánh giá chung với nhau. Nhiều khía cạnh của tình hình đáng báo động ở châu Âu, châu Âu-Đại Tây Dương, và Á-Âu đều được đề cập đến trong đó”, ông Ryabkov nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng khối đồng minh này đã nhận được dự thảo thỏa thuận, thêm rằng mọi cuộc đối thoại với Moscow “đều sẽ cần phải giải quyết được những mối quan ngại của NATO về những hành động của Nga, dựa trên những nguyên tắc và văn bản cốt lõi của an ninh châu Âu, và diễn ra dưới sự tham vấn của các đối tác châu Âu của NATO, như Ukraine.”

Ông Stoltenberg trước đó đã bác bỏ đề nghị của phía Nga là rút lại tuyên bố mà NATO đưa ra năm 2008 rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành một thành viên của khối này; cả NATO và EU đều đã đánh tín hiệu rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự cấm đoán nào về pháp lý với việc Ukraine tìm cách gia nhập NATO.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với tờ Washington Post rằng những yêu sách mà Điện Kremlin đưa ra là “không thể chấp nhận” và Moscow “biết rõ điều đó”.

Michael Kofman – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, nhà nghiên cứu thuộc Viện Kennan ở Washington DC – nhận định về đề xuất của Nga trên Twitter: “Moscow không chỉ đang đòi hỏi thứ mà họ không thể có được, mà còn theo cái cách mà họ biết chắc là sẽ không thành. Các cuộc đàm phán nghiêm túc thường được thực hiện sau cánh cửa đóng kín”. Nhận định này cũng thể hiện một mối quan ngại ở phương Tây rằng Điện Kremlin biết rõ là phương Tây sẽ khước từ đề xuất của họ, nhưng sự khước từ đó sẽ được sử dụng như tiền đề để Moscow đưa ra thêm những hành động quân sự trong tương lai.

Những đề xuất này được công bố sau khi phương Tây cáo buộc Nga tụ quân ở sát biên giới với Ukraine. Nhiều chuyên gia quân sự và giới chức chính quyền Mỹ trước đó đánh giá rằng, Moscow có thể dần dần đặt nền tảng cho một chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

“Chúng ta không biết liệu Tổng thống Putin có đưa ra quyết định đánh Ukraine hay không” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói hồi đầu tháng – “Chúng ta chỉ biết rằng ông ta đang đặt sẵn lực lượng vào vị trí để hành động một khi ra quyết định. Bởi vậy, bất chấp sự mơ hồ về ý định, và thời điểm hành động của Nga, chúng ta cần phải chuẩn bị cho mọi tình huống, cùng lúc tìm hiểu xem Nga có thay đổi hay không.”

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ nghiên cứu đề xuất của Nga “cùng với các đối tác và đồng minh châu Âu”. Bà nói thêm rằng Mỹ sẽ không thỏa thuận “những nguyên tắc quan trọng vốn là nền tảng của an ninh châu Âu, trong đó tất cả các nước đều có quyền quyết định tương lai của họ và chính sách ngoại giao không chịu ảnh hưởng từ sự can thiệp bên ngoài.”

Trong tuần này, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ đưa ra bình luận về đề xuất của Nga.

Theo National Interest