
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông sẽ chờ nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tại Ankara vào thứ Năm (15/5) để tiến hành đàm phán.
Hiện Tổng thống Nga Putin vẫn chưa xác nhận liệu ông có tham dự cuộc gặp này hay không. Đây là cuộc gặp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực thúc đẩy như một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 3 năm.
Phát biểu trước báo giới tại Kiev, ông Zelensky cho biết ông sẽ có mặt tại Ankara vào ngày thứ Năm để tiến hành đàm phán. Ông cũng sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, và cả hai sẽ cùng chờ đợi sự xuất hiện của ông Putin.
“Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đạt được một lệnh ngừng bắn, bởi chính với ông ấy (Putin) tôi phải đàm phán, vì chỉ ông ta mới có quyền quyết định điều đó”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cảnh báo rằng nếu Tổng thống Nga không xuất hiện, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ cần thực hiện đúng cam kết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Moscow.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 với lời hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến, Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép lớn lên cả hai phía để ngồi vào bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio được cho là sẽ tham dự cuộc gặp giữa Ukraine và Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, và theo Tổng thống Trump, cuộc gặp này “có thể mang lại kết quả tích cực”.
Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu đã đưa ra cảnh báo về những biện pháp trừng phạt quy mô lớn – với điều kiện phải có sự hậu thuẫn từ phía Mỹ – nếu Tổng thống Nga không đồng ý với một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trong những ngày tới.
Tuy nhiên, cam kết đó dường như không làm thay đổi lập trường của ông Putin, người thay vào đó đã kêu gọi tiến hành đàm phán trực tiếp với Ukraine vào ngày 15/5 tại Istanbul.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz hôm thứ Ba đã nhắc lại lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt, khẳng định: “Nếu trong tuần này không có tiến triển thực sự nào, chúng tôi sẽ phối hợp hành động ở cấp độ châu Âu để siết chặt đáng kể các lệnh trừng phạt”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố ủng hộ việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga trong những ngày tới nếu Moscow không đồng ý ngừng bắn, với các mục tiêu tiềm năng bao gồm lĩnh vực tài chính và dầu khí.
EU đã áp đặt 16 gói trừng phạt lên Nga
Tuy vậy, các nhà ngoại giao cảnh báo rằng sau 16 gói trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kể từ khi chiến tranh nổ ra, việc đạt được sự đồng thuận tuyệt đối giữa 27 nước thành viên EU để tiếp tục các biện pháp lớn là ngày càng khó khăn.
Hungary – quốc gia có quan hệ gần gũi với Nga – nhiều lần tìm cách ngăn chặn hoặc làm suy yếu các gói trừng phạt mới. Một số nhà ngoại giao cho rằng chỉ có sức ép trực tiếp từ chính quyền Trump mới có thể khiến Budapest thay đổi lập trường, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra.
Một số quan chức EU đã đề xuất hồi sinh các biện pháp kinh tế mạnh tay, chẳng hạn như hạ trần giá dầu Nga xuống dưới mức 60 USD/thùng – mức từng được Nhóm G7 thông qua. Tuy nhiên, biện pháp này cần sự ủng hộ từ Washington, và trong suốt hai năm qua, cam kết "xem xét định kỳ" của G7 vẫn chưa dẫn đến bất kỳ điều chỉnh nào.
Cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm, kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2/2022.
Các nhà phân tích quân sự cho biết cả hai bên đang chuẩn bị cho một chiến dịch mùa Xuân–Hè, trong bối cảnh cuộc chiến tiêu hao kéo dài đã khiến hàng chục nghìn binh sĩ thiệt mạng ở cả hai phía trên chiến tuyến dài khoảng 1.000 km.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington hôm thứ Hai nhận định rằng Nga đang “nhanh chóng bổ sung lực lượng tuyến đầu bằng các tân binh mới nhằm duy trì thế chủ động trên chiến trường”.

Nga công bố các chủ đề cho các cuộc đàm phán với Ukraine ở Istanbul
