Tên lửa chống hạm tầm xa
Khi nói đến các loại tên lửa chống hạm thì Mỹ luôn đứng sau Nga. Liên bang Xô viết trước đây và nước Nga hiện nay đã phát triển tên lửa chống hạm từ những năm 1950. Nga và Trung Quốc đã đưa nhiều mẫu vào sử dụng, cùng với các loại vũ khí siêu thanh. Trong khi đó, Mỹ vẫn sử dụng Harpoon, loại tên lửa tầm ngắn lâu đời có từ những năm 1970.
Vậy nhưng giờ đây, tên lửa chống hạm tầm xa mới (LRASM) sẽ giúp Mỹ cân bằng thế trận với Nga. LRASM, được phóng đi từ tàu chiến và máy bay chiến đấu, có tầm bắn hơn 321 km, vượt xa con số 113 km của tên lửa Harpoon, mang đầu đạn hạt nhân nặng 453 kg, và được thiết kế để có thể tàng hình trước radar đối phương.
Năm 2017, tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ Lockheed Martin đã nhận được một hợp đồng trị giá 86,5 triệu USD để chế tạo 23 tên lửa chống hạm tầm xa đầu tiên nhằm trang bị cho các máy bay ném bom B-1 và chiến đấu cơ F-18. Trong khi sức mạnh tấn công của Hải quân Mỹ từ lâu đã có xu hướng dựa vào không lực, LRASM sẽ góp phần đáng kể khôi phục ảnh hưởng của các tàu chiến mặt nước trong biên chế hải quân.
Phương tiện không người lái kiểu bầy đàn
Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi tiếp theo có thể là các nhóm gồm cả trăm hoặc đông hơn các phương tiện không người lái trên bộ hoặc trên không, được triển khai trong một cuộc tấn công chớp nhoáng bằng máy móc nhằm bao phủ chiến trường và tiêu diệt kẻ thù.
Trong năm 2017, cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA) đã đưa ra một thử thách cho công chúng với chương trình phát triển chiến thuật tấn công bầy đàn (OFFSET): cơ quan này muốn tìm ra chiến thuật cho phép bầy đàn các phương tiện không người lái có thể chiến đấu trong khu vực thành thị. Và không đơn thuần chỉ là một chiến thuật nào đó: DARPA muốn các phương tiện không người lái có khả năng điều chỉnh chiến thuật của chúng ngay giữa trận chiến.
Ý tưởng của Lầu Năm Góc hiện đã phát triển vượt ra ngoài phạm vi công nghệ, sang giai đoạn tìm cách ứng dụng công nghệ vào chiến trường thực tế, điều này cho thấy các phương tiện không người lái kiểu bầy đàn đã hoàn thiện về mặt khái niệm.
Tên lửa siêu thanh Zircon
Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon trong năm 2017. Nga cho biết Zircon có tốc độ khoảng 7.400 km/h, quá nhanh đến mức hệ thống vũ khí phòng không hiện có trên các tàu chiến không thể bắn hạ. Viễn cảnh này đã khiến Anh phải lo ngại rằng các tàu sân bay mới và đắt tiền của mình sẽ trở thành mục tiêu dễ xơi cho các tên lửa Zircon.
Xe tăng Abrams M1A2 SEP V3
Sau khi có nhiều ý kiến lo ngại rằng xe tăng của phương Tây đã trở nên lỗi thời so với chiếc siêu tăng T-14 Armata mới của Nga, việc xe tăng chủ lực của Mỹ và rộng hơn là cả phương Tây cuối cùng cũng nhận được gói nâng cấp lớn là điều hết sức có ý nghĩa.
Abrams M1A2 đang được nâng cấp lên thành M1A2 SEP V3 sở hữu lớp giáp, bộ cảm biến và điện tử tiên tiến. Phiên bản SEP V4 sắp tới sẽ được trang bị các loại đạn cải tiến cho pháo 120mm của M-1 và một máy đo khoảng cách bằng laser tối tân.
Các loại tàu chiến mới của Nga
Việc Nga đang chế tạo nhiều loại tàu chiến mới, bao gồm tàu khu trục nhỏ và tàu hộ vệ, không phải là điều bất ngờ. Vấn đề đáng lo ngại là những chiến hạm tương đối nhỏ này sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon, vũ khí đem đến sức mạnh đáng gờm cho ngay cả các tàu chiến cỡ nhỏ. Tất nhiên, với tất cả các loại vũ khí, đặc biệt là của Nga, kỳ vọng và năng lực chiến đấu thực tiễn có thể khác nhau.
Tuy nhiên, nếu Nga thành công trong việc phát triển một loại tên lửa siêu thanh mà có thể trang bị cho các chiến hạm cỡ nhỏ khả năng phá hủy nhanh, thì đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng đối với hải quân các nước, đặc biệt với nước nào có hải quân phụ thuộc vào các chiến hạm cỡ lớn và đắt tiền như tàu sân bay.