Nhật sắm tên lửa "khủng" đối phó Trung Quốc, Triều Tiên

VietTimes -- Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác định mua sắm 2 loại tên lửa hành trình tàng hình trong ngân sách quốc phòng năm 2018, những loại vũ khí có khả năng tấn công căn cứ của đối phương từ cự ly xa.
Hình ảnh tưởng tượng về máy bay chiến đấu tàng hình F-35 phóng tên lửa chống hạm tàng hình JSM. Ảnh: Cankao.
Hình ảnh tưởng tượng về máy bay chiến đấu tàng hình F-35 phóng tên lửa chống hạm tàng hình JSM. Ảnh: Cankao.

Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản gần đây cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác định trong ngân sách quốc phòng năm 2018 sẽ dành kinh phí để nhập khẩu 2 loại tên lửa hành trình tàng hình có thể phóng từ máy bay chiến đấu tiến hành tấn công các mục tiêu mặt đất và tàu chiến trên biển, trong đó bao gồm "tên lửa tấn công liên hợp" (JSM) do Na Uy nghiên cứu phát triển và "tên lửa không đối đất ngoài khu vực phòng thủ liên hợp kiểu tăng tầm" AGM-158 (JASSM-ER) do Mỹ nghiên cứu phát triển.

Mục đích nhập khẩu 2 loại tên lửa này mà Nhật Bản tuyên bố là "khi cần thiết, có thể sử dụng để tấn công những tàu chiến quân địch xâm phạm và các đảo nhỏ xa xôi bị chiếm đóng", mang tính chất phòng vệ đảo.

Tuy nhiên, về tính năng, hai loại tên lửa mà Nhật Bản muốn nhập khẩu này đều có khả năng tấn công tầm xa đối với các căn cứ của quân đội đối phương.

Tên lửa hành trình tàng hình JSM hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu phát triển. Sau khi nhập khẩu, JSM sẽ chủ yếu được Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35J (phiên bản xuất khẩu cho Nhật Bản của máy bay F-35A Mỹ). Tên lửa JSM có khả năng tấn công không đối đất và không đối hạm.

Phi đội máy bay chiến đấu F-35J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sẽ được triển khai ở căn cứ Misawa vào cuối năm 2017. Nếu máy bay F-35J lắp tên lửa JSM thì sẽ tăng mạnh khả năng phòng vệ đảo nhỏ xa xôi của Nhật Bản, đồng thời nâng cao khả năng ngăn chặn đối với Trung Quốc, quốc gia không ngừng mở rộng hoạt động trên biển trong những năm gần đây.

"Tên lửa tấn công liên hợp" (JSM) thực chất là phiên bản phóng từ trên không được cải tiến từ tên lửa chống hạm tàng hình NSM (tên lửa tấn công hải quân). Công tác nghiên cứu loại tên lửa phóng từ trên không này được bắt đầu từ năm 2007.

Hình ảnh tuyên truyền về tên lửa hành trình tấn công ngoài khu vực phòng thủ JASSM. Ảnh: Cankao.
Hình ảnh tuyên truyền về tên lửa hành trình tấn công ngoài khu vực phòng thủ JASSM. Ảnh: Cankao.

Tên lửa NSM phiên bản hải quân đã trang bị cho hải quân Na Uy từ năm 2012, nó có các ưu điểm như tính năng tàng hình mạnh, độ chính xác cao, tầm bắn xa, sử dụng động cơ phản lực TRI 40, tầm bắn lớn nhất trên 185 km, áp dụng phương thức dẫn đường phức hợp là "quán tính + phối hợp địa hình + dẫn đường vệ tinh GPS + hình ảnh hồng ngoại đoạn cuối". Có thể mang theo đầu đạn mô-đun 125 kg, một quả có thể bắn chìm tàu chiến lớp 2.000 tấn.

Dựa trên những ưu điểm này, ngay từ trong giai đoạn nghiên cứu phát triển, tên lửa NSM phiên bản không quân đã sớm được Công ty Lockheed Martin Mỹ chú ý. Họ còn phát hiện ngoại hình nhỏ gọn của NSM có thể đưa vào khoang đạn bên trong của máy bay chiến đấu tàng hình F-35A.

Khi thực hiện nhiệm vụ chống hạm, một chiếc máy bay chiến đấu F-35A có thể mang theo 2 quả tên lửa NSM, khi cần còn có thể lắp 4 quả tên lửa loại này ở dưới cánh máy bay.

Công ty Lockheed Martin Mỹ đã lập tức ký kết hợp đồng với Tập đoàn Kongsberg Na Uy, yêu cầu Kongsberg dựa trên nền tảng tên lửa NSM, nghiên cứu phát triển ra tên lửa chống hạm chuyên dùng cho máy bay F-35.

Độ dài và trọng lượng thân đạn của tên lửa JSM sau cải tiến đều tăng lên, tính năng tổng hợp được cải thiện khá lớn, tầm bắn tăng đến trên 280 km, đã đổi sang lắp đầu đạn nặng 230 kg, đã tăng khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.

Tháng 11/2015, tại thao trường bắn tên lửa Utah của Mỹ, một chiếc máy bay chiến đấu F-16 của quân đội Mỹ đã hoàn thành bắn thử tên lửa JSM lần đầu tiên, kết quả đạt được thành công.

Nhìn vào tính năng tổng hợp, tên lửa JSM có thể giúp cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tạo ra mối đe dọa lớn cho tàu chiến hải quân địch. Theo tài liệu do Tập đoàn Kongsberg công bố, tên lửa JSM sẽ có "khả năng tác chiến ban đầu" vào năm 2021, khi đó sẽ được sử dụng cho máy bay F-35.

Ngày 29/11/2016, Mỹ bàn giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cho Nhật Bản tại căn cứ không quân Luke, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: Flightglobal.
Ngày 29/11/2016, Mỹ bàn giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cho Nhật Bản tại căn cứ không quân Luke, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: Flightglobal.

Theo báo chí Nhật Bản, Nhật Bản sẽ mua 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35J, cho dù Nhật Bản có kế hoạch mua tên lửa vào năm 2018 thì  Nhật Bản cũng phải đợi đến sau năm 2025 mới có thể trang bị tên lửa JSM cho các máy bay F-35J.

"Tên lửa không đối đất ngoài khu vực phòng thủ liên hợp kiểu tăng tầm" (gọi tắt là JASSM-ER hay AGM-158B) là một loại tên lửa hành trình tàng hình khác được Nhật Bản lựa chọn lần này, được Công ty Lockheed Martin Mỹ cải tiến từ tên lửa hành trình tàng hình tấn công ngoài khu vực phòng thủ JASSM, đã biên chế cho quân đội Mỹ vào năm 2014.

Mặc dù sự thay đổi của ngoại hình không lớn, nhưng do đã đổi sang sử dụng động cơ mới, tầm bắn của nó là trên 1.000 km, gấp 2,5 lần so với phiên bản cơ bản, có thể tấn công các mục tiêu có giá trị cao ở khu vực chiều sâu nước đối phương, là một trong những tên lửa hành trình có tầm bắn xa nhất trên thế giới hiện nay.

Ngoài ra, JASSM-ER còn bảo lưu ưu thế tấn công chính xác cao và ngoại hình tàng hình của phiên bản cơ bản (dữ liệu RCS còn chưa được công khai, bên ngoài dự đoán chỉ 0,1 - 0,01 m2, radar dò tìm tương đối khó khăn), áp dụng phương thức dẫn đường phức hợp (dẫn đường vệ tinh GPS + dẫn đường quán tính đoạn giữa, dẫn đường đoạn cuối bằng hình ảnh hồng ngoại", khả năng chống nhiễu khá mạnh (đặc biệt đã nhấn mạnh có thể bắn trúng mục tiêu trong môi trường gây nhiễu GPS mạnh), đầu đạn nặng 454 tấn, đủ để phá hủy những công sự tăng cường thông thường, đồng thời còn có thể lắp đầu đạn chùm.

Tháng 5/2015, không quân Mỹ chỉ định sẽ lắp đầu đạn gây nhiễu CHAMP mới nhất cho JASSM-ER, có thể trực tiếp sử dụng sóng vi ba năng lượng cao để phá hủy thiết bị điện tử quân địch trên diện tích lớn, chứ sẽ không sát thương binh sĩ quân địch.

Ngày 29/11/2016, Mỹ bàn giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cho Nhật Bản tại căn cứ không quân Luke, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: Flightglobal.
Ngày 29/11/2016, Mỹ bàn giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cho Nhật Bản tại căn cứ không quân Luke, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: Flightglobal.

Chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, mức độ đe dọa của JASSM-ER lớn hơn nhiều tên lửa NSM. Theo báo chí Nhật Bản, JASSM-ER trong tương lai sẽ chủ yếu trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nặng F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không (thực tế là do kích cỡ của JASSM-ER quá lớn, không thể cho vào khoang đạn của máy bay F-35J). Ngân sách thường niên năm 2018 sẽ chủ yếu bao gồm chi phí khảo sát cải tạo thân máy bay F-15J, còn việc trang bị tên lửa phải đợi đến sau năm tài khóa 2019.

Nói chung, Nhật Bản mặc dù quyết định mua sắm 2 loại tên lửa hàng trình tàng hình nói trên, nhưng từ mua sắm đến trang bị vẫn còn phải chờ thời gian rất dài. Khi trang bị những tên lửa này, khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, trên biển ngoài khu vực phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Ngoài hai kết hợp "F-35J + tên lửa JSM" và "F-15J + JASSM-ER", Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản gần đây còn hoàn thành thử nghiệm treo vũ khí hạng nặng trên máy bay chiến đấu F-2B.

Theo đó, trong tình hình treo 6 quả tên lửa không đối không, F-2B được treo thêm 2 quả tên lửa chống hạm cận âm ASM-2 và 2 thùng dầu phụ 2.270 lít. Điều này cho thấy, Nhật Bản đang tiến hành chuẩn bị cho tác chiến trên biển tầm xa, trong tương lai có thể sẽ còn đổi sang trang bị tên lửa chống hạm siêu âm ASM-3 với tầm bắn trên 150 km.

Đến lúc đó, 3 loại máy bay chiến đấu chủ lực của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đều sẽ có khả năng mang theo vũ khí mang tính tấn công, sẽ hoàn thành sự chuyển đổi sang "tấn công hoàn toàn", từ đó thay đổi triệt để chính sách "chuyên phòng vệ" được Nhật Bản áp dụng kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay. Điều này chắc chắn sẽ gây cảnh giác cao cho các nước châu Á khác (như Trung Quốc) – tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc nhấn mạnh.

Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.