Nga “bật đèn xanh” cho Thổ phá trận Mỹ tại Syria?
VietTimes -- Sau khi Moscow bật đèn xanh cho Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào đội quân người Kurd - cộng sự của Mỹ tại phía Bắc Syria. Chiến lược của Mỹ tại đây đang bị xáo trộn bởi chính đồng minh NATO của họ, al Monitor nhận định.
Erdogan: "Chúng tôi không quan tâm họ nói gì"
Cuối cùng, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thực hiện lời đe dọa sẽ tấn công những khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát tại Syria. Thời điểm diễn ra những cuộc tấn công (Thổ Nhĩ Kỳ gọi là Chiến dịch nhành ô liu) là lúc Nga "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ và phát ngôn viên quân sự của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu thông báo sẽ xây dựng một lực lượng an ninh biên giới 30.000 quân với thành phần chủ yếu là những tay súng kỳ cựu trong lực lượng SDF. Nga sẽ ủng hộ những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích tăng thêm vai trò của lực lượng quân đội chính phủ Syria tại phía Bắc. Trước đó vào tháng 8.2017 đã có một bài báo nhan đề "Mối bận tâm của Thổ Nhĩ Kỳ với việc đẩy lui những người Kurd đang kiểm soát khu vực Bắc Syria sẽ mở ra cánh cửa hòa giải với Damascus".
Hệ quả cho quyết định của ông Erdogan là những từ ngữ được lựa chọn thận trọng của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược mới của chính quyền tổng thống Trump tại Syria vào ngày 17.11.2017: "Quan ngại về đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ của chúng ta". Ông Tillerson và cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có những thanh minh nhanh chóng về lực lượng an ninh biên giới. Ngay say đó, ngày 18.11, ông cũng có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Ankara luôn coi YPG là một tổ chức khủng bố.
Mối quan hệ Mỹ-Thổ đang xấu đi trông thấy khi ông Erdogan trả lời với Mỹ "đồng minh NATO" rằng: "Chúng tôi không quan tâm họ nói gì. Họ sẽ thấy mình sai lầm thế nào khi đặt niềm tin vào một tổ chức khủng bố". Ankara luôn coi Những đơn vị bảo vệ nhân dân YPG lực lượng nòng cốt trong SDF là một nhánh của Đảng lao động người Kurd mà cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều coi là một tổ chức khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Mỹ đã từ bỏ cam kết ngăn chặn sự khuyếch trương của YPG tại phía bắc Syria dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Fehim Tastekin giải thích tuyên bố về việc thành lập lực lượng an ninh biên giới theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ "có ý nghĩa là quan hệ đối tác giữa Mỹ và YPG sẽ không kết thúc như Ankara hy vọng dù IS đã bị tiêu diệt". Trong cuộc điện đàm gần nhất với ông Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã được thuyết phục rằng sự trợ giúp của Mỹ với YPG sẽ chấm dứt.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ông Trump đã nói với ông Erdogan "Tôi đã ra lệnh. Sẽ không có thêm vũ khí được chuyển tới". Theo cuộc điện đàm, ông Trump đã thông báo với ông Erdogan "dừng hỗ trợ quân sự với các đối tác của chúng ta tại Syria". Mỹ sau đó trong những cuộc đối thoại cá nhân với YPG đã đảm bảo họ sẽ không rút quân cho tới khi có một giải pháp chính trị và BSF - Lực lượng an ninh biên giới do Mỹ chống lưng được lập ra.
Ngoại trưởng Mỹ ông Rex Tillerson đã có những lời giải thích muộn màng với Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Erdogan quyết tâm tấn công lực lượng người Kurd tại bắc Syria.
Điều đáng nói nhất là quyết định của ông Erdogan không phải do hành động của Washington mà là Moscow. Bài phát biểu về chính sách của ông Tillerson có vể đã quá muộn để thay đổi sự nghiêm trọng giữa mối quan hệ Mỹ-Thổ trong vấn đề về SDF. Mục tiêu của Mỹ tại Syria bao gồm ổn định các thị xã đã được giải phóng khỏi IS, sắp xếp cho các đoàn người tị nạn trở về và ngăn chặn Iran sẽ bị tổn hại hoặc rất phức tạp nếu thiếu đi sự phối hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Thực tế với Ankara là thời điểm dành cho các diễn văn và đối thoại đã qua từ lâu. Vì vậy, trong khi ông Tillerson đưa lời kêu gọi tới ông Cavusoglu tại Vancouver thì cuộc họp tại Moscow giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tướng Hulusi Akar cùng người đứng đầu tổ chức tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan mới thực sự có ý nghĩa. Ngay sau đó, Nga đã nhanh chóng rút quân khỏi những vùng mà quân đội Thổ nhắm tới. Bộ Ngoại giao Nga có tuyên bố bày tỏ mối "quan ngại" về tình hình tại Syria và kêu gọi các bên "kiềm chế". Cùng lúc, những nhà ngoại giao Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỹ đang chuẩn bị cho Cuộc đối thoại toàn dân Syria tại Sochi vào ngày 30.1 tới.
Phân tích của cựu cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Metin Gurcan dựa trên động cơ và những hậu quả có thể xảy đến với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ: "Nếu Ankara tìm kiếm sự đồng thuận của Moscow, họ sẽ có nó vì Nga đang rất cần một chiến thắng quân sự vì lý do chính trị nội địa... Trong trường hợp đó, Moscow sẽ để cho Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện những chiến dịch ngắn với mục tiêu hạn chế. Moscow cũng có thể đòi Thổ Nhĩ Kỳ trao quyền quản lý tỉnh Afrin lại cho chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad sau khi giữ quân Thổ Nhĩ Kỳ tại đây trong một thời gian ngắn".
Bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sau đó có thể Moscow sẽ đòi Ankara trao lại quyền kiểm soát tỉnh Afrin lại cho quân đội chính phủ Syria.
Trong khi quan hệ Mỹ - Thổ đang rơi tự do thì sự hợp tác giữa Nga - Thổ tại Syria cũng có những xích mích, bao gồm cả sự thất vọng của Kremlin vì Ankara không thực thi nghĩa vụ của mình tại tỉnh Idlib. Gurcan đã kết luận: "Năm 2017, Moscow đã tặng cho Ankara cơ hội để quét sạch vùng này: đẩy những thành phần cực đoan ra khỏi trung tâm thành phố Idlib. Nhưng Ankara đã đáp lại muộn màng và tình trạng của vùng này đang không như người Nga mong đợi. Vì vậy, có thể do thất vọng vì Thổ Nhĩ Kỳ nên Nga đã bật đèn xanh cho quân đội chính phủ Syria tấn công vào phía bắc tỉnh Idlib. Nói theo cách khác, Nga tin rằng Ankara lảng tránh việc thực thi những lời hứa với Moscow: họ sẽ tổ chức lại những người Sunni đối lập tại bờ tây sông Euphrates để họ trở thành một chủ thể phù hợp và chia rẽ các nhóm người Sunni được vũ trang khỏi các nhóm hồi giáo cực đoan chi nhánh của liên minh khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Một chiến dịch tại Afrin có thể gây nguy hiểm cho những sắp xếp mong manh mà Nga đã rất cố gắng đạt được tại bờ Tây sông Euphrates.
Trong cùng bài báo vào tháng 8 viết "Nếu không có sự dỡ bỏ lệnh cấm vận (từ Mỹ), ông Putin sẽ có rất ít hứng thú để gánh vác công việc của ông Trump với cái giá là sự ràng buộc với khu vực này. Nga có thể sẽ đảm trách vai trò thụ động bên ngoài và giữ vai trò ủng hộ bên trong để cho phép các phe phái trong khu vực khởi xướng việc chống lại những người Kurd tại Syria hay các nhóm khác. Nga có thể coi đó là cách chiến thắng. Mỹ phải rất cẩn thận khi chơi lá bài Nga với nhận thức đúng đắn là Tehran, Ankara và Damascus đều có tiếng nói riêng của mình".
Syria phản ứng
Những quan chức của Liên Hợp Quốc đang cảnh báo về những cuộc tấn công của chính phủ Syria tại Đông Ghouta và Idlib - những đại điểm được coi là "khu vực giảm leo thang" theo tiến trình của cuộc họp Astana do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì.
Theo trung tâm thông tin của Liên Hợp Quốc, kể từ giữa tháng 11.2017 có khoảng 393.000 người tại đông Ghouta bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích, pháo kích và bom trong những cuộc triệt hạ khủng bố của quân đội chính phủ Syria và các đồng minh. Những cuộc pháo kích của các nhóm đối lập tại đông Ghouta vào những khu vực dân cư tại Damascus đang làm tình hình thêm nghiêm trọng. Tại phía nam Idlib và phía bắc vùng nông thôn Hama, các cuộc chiến giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập (kiểm soát phần lớn tỉnh Idlib) đã leo thang kể từ tháng 12.2017 khiến cho 200.000 thường dân phải di tản và rất nhiều người bị thiệt mạng.
Mỹ có ý đồ thành lập lực lượng an ninh biên giới lên tới 30.000 người và nòng cốt là lực lượng YPG.
Ahmed al-Ahmad - điều hợp viên truyền thông của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã kể với phóng viên Khaled al-Khateb: "Làn sóng di tản bắt đầu từ đầu tháng 12.2017 và có thêm nhiều tai nạn xảy ra kể từ ngày đầu của năm 2018. Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ đã lập 2 trại để cung cấp nơi cư trú cho những người di tản: Trại You are not alone (Bạn không cô đơn) có thể cung cấp nơi ở cho 5.000 người, trại còn lại có sức chứa khoảng 20.000 người. Hai trại đều nằm gần Bab al-Hawa ở phía bắc tỉnh Idlib...
Chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng nhiều trại tị nạn gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ tại phía bắc tỉnh Idlib để cung cấp chỗ ở cho rất nhiều người di tản. Theo ước tính của Trăng lưỡi liềm đỏ có khoảng 300.000 người phải di tản mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em".
Khateb thông tin thêm: "Hội đồng địa phương tại thành phố Akhtarin ở phía bắc ngoại ô Aleppo thông báo ngày 2.1, họ sẽ tịch thu tài sản của những người, những gia đình tham gia IS hoặc chiến đấu cho quân chính phủ Syria. Quyết định ngay lập tức được thi hành. Số tiền có được sẽ được dùng để giúp đỡ những trẻ mồ côi do chiến tranh cùng những người bảo trợ của trẻ...
Quyết định này không được các vùng khác noi theo vì nó không phù hợp với luật Hồi giáo. Đây là một trường hợp đáng lưu ý vì rất nhiều người từ các thành phố và thị xã trong vùng của chiến dịch lá chắn Euphrates chiến đấu cùng IS hoặc quân chính phủ vẫn chưa quay trở về và có thể sẽ không bao giờ quay về, hầu hết những người này sẽ bị dao động".