Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người dân tin tưởng tham gia bảo hiểm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

15 năm trước, cả nước có 39,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 46,1% dân số, thì đến nay, tỷ lệ bao phủ đã đạt trên 93% dân số - tương ứng với gần 94 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

VT_ cho kham.JPG
Chờ khám bệnh BHYT ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Tháng 7 năm nay đánh dấu 15 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và ghi nhận sự trưởng thành của công tác này. Trước 2009, việc vận động mọi người tham gia BHYT hết sức khó khăn, nên khi bị ốm đau, nhất là bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm, người dân không có tiền chi trả, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chính họ và gia đình họ, đồng thời, tác động đến an ninh xã hội.

Một phần nguyên nhân người dân không mặn mà với tham gia BHYT chính là do chất lượng khám, chữa bệnh BHYT còn yếu kém, không đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân, đặc biệt là thái độ phục vụ với bệnh nhân BHYT còn có sự phân biệt, nên người dân không có niềm tin.

Hiểu được vai trò quan trọng của BHYT trong sự phát triển của xã hội, cùng với sự vào cuộc của Đảng, nhà nước với việc chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đưa chỉ tiêu về BHYT vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để ban hành các quy định, các công cụ, quy trình kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị … để tăng thêm nguồn lực KCB phục vụ người dân.

Coi trọng phát triển chất lượng y tế

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - chính sự thay đổi về chất lượng KCB đã tạo niềm tin ở người dân với những kết quả đáng ghi nhận: Hiện nay, hầu hết người dân, các doanh nghiệp đều xác định việc tham gia BHYT vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ. Vì thế, năm 2008, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, thì nay, tỷ lệ bao phủ đã đạt 93,35% dân số - tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT.

Từ năm 2022 đến nay, bất chấp những tác động của dịch bệnh COVID-19, diện bao phủ BHYT vẫn tăng hàng năm. Hầu hết các nhóm người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội đều đã được bao phủ BHYT; được ngân sách nhà nước hoặc các nguồn lực khác hỗ trợ đóng BHYT. Hệ thống cơ sở y tế ngày càng mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết thêm: Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT, trong đó, 2.897 cơ sở KCB và gần 10.000 trạm y tế xã tham gia KCB BHYT. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm cả các cơ sở công lập và ngoài công lập đã giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

VT_BHXH.JPG
Chờ khám bệnh BHYT ở Trung tâm Y tế Long Xuyên (An Giang)

Y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) chiếm 95% số cơ sở KCB BHYT. Trong giai đoạn 2018 - 2023, số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng gần 75% trong tổng số lượt KCB BHYT với số chi KCB BHYT chiếm 34% tổng số chi KCB BHYT.

Như vậy, y tế cơ sở không chỉ là “tuyến dưới” mà đã trở thành trung tâm và giữ vai trò là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế.

Quản lý tốt nguồn quỹ

Cũng theo ông Mạnh, trong 15 năm qua, số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng từng năm. Đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, riêng năm 2023 có trên 174 triệu lượt KCB BHYT, tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Điều đáng nói là những năm gần đây, quỹ BHYT tăng trưởng bền vững qua các năm, nên đã cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường.

Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi thì 15 năm qua đã cơ bản cân đối được và có kết dư dự phòng. Năm 2023 số chi KCB BHYT từ quỹ BHYT là khoảng 123 nghìn tỷ đồng, gấp 8 lần so với năm 2009.

Ông Mạnh thông tin thêm: Trong 15 năm qua, quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT. Quỹ BHYT đã thực sự trở thành nguồn tài chính rất quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân. Mức chi trả BHYT và Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT chi trả ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân.

Luật BHYT năm 2014 đã tăng mức chi trả BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo từ 95% lên 100%, người cận nghèo từ 80% lên 95%, nhóm bảo trợ xã hội cũng được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB.

Năm 2023, mức chi KCB BHYT bình quân cho nhóm hưu trí là 6,3 triệu đồng/người, nhóm bảo trợ xã hội là 5 triệu đồng/người, trong đó, mức đóng BHYT bình quân của các nhóm đối tượng là 1,3 triệu đồng/năm.

Ước hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người KCB BHYT (tăng 6,563 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.

VT_MSM1.JPG
Khám bệnh BHYT cho người nhiễm HIV

Nhiều loại thuốc đắt tiền, thuốc điều trị đích để chữa trị bệnh ung thư được được đưa vào danh mục chi trả của BHYT. Các loại vật tư thay thế đắt tiền như khớp háng nhân tạo, stent động mạch… đã được quỹ BHYT chi trả hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo BHXH Việt Nam, nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới hàng tỷ đồng/năm. Có nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo như anh Nguyễn Quốc Trình (19 tuổi, ở Thanh Hóa) mắc căn bệnh đặc biệt hiếm Pemphigus á u, phải điều trị 7 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai và đã được quỹ BHYT chi trả gần 800 triệu đồng, giúp anh Trình trở về với cuộc sống bình thường.

Đặc biệt, quy định về thông tuyến KCB BHYT đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để KCB và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.

Chuyển đổi số để cải cách thủ tục hành chính

Công tác chuyển đổi số theo Đề án 06 của Chính phủ được BHXH Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm để cải cách thủ tục hành chính, phục vụ kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT, góp phần chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT.

Việc liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu về BHYT đã giúp đơn giản thủ tục KCB, đồng thời, người dân cũng không còn phải lo lắng việc bảo quản hay quên thẻ BHYT khi đi khám như trước với tính bảo mật, an toàn dữ liệu thông tin KCB.

Hiện, 12.851 cơ sở y tế trên toàn quốc (đạt 100%) đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục KCB, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, chống trục lợi quỹ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với cơ sở mã số BHXH, phục vụ cho mục đích chuyên môn của cơ sở y tế cũng như trong quản lý chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH; liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe,...

Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan BHXH 24/7): Bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục còn 25 thủ tục; trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, giúp người dân giao dịch với cơ quan BHXH nhanh nhất.

Để công tác BHYT không ngừng phát triển và phục vụ tốt cho người dân, ông Mạnh cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng KCB BHYT, để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ở bất cứ đâu.

Ông Mạnh cũng hy vọng ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT; áp dụng thông tuyến BHYT giữa các cơ sở KCB với bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu; có các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí KCB BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho KCB, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.