Năm 2020 mang nhiều dấu ấn đối với Đà Nẵng, trong đó, ngành y tế là một trong những đơn vị chịu tác động mạnh nhất, khi cơn đại dịch COVID-19 “càn quét” Đà Nẵng đến 2 lần. Nhân dịp đón năm mới, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng về những dấu ấn đáng nhớ của ngành trong năm qua.
Dấu ấn lịch sử của ngành y tế
- Năm 2020 có thể xem là năm đặc biệt đối với TP Đà Nẵng nói chung và ngành y tế TP nói riêng, khi địa phương hứng chịu liên tiếp 2 đợt dịch COVID-19 tấn công, trong đó đợt bùng phát thứ 2 khiến Đà Nẵng phải gồng hết sức mình để chống chọi. Bà có thể tóm lược lại dấu ấn lịch sử khó quên này?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Năm 2020 là năm đáng nhớ trong cuộc đời công tác của tôi và là dấu ấn không bao giờ quên. Có lẽ cả cuộc đời của tôi cũng không nghĩ mình sẽ gặp một biến cố như vậy. Hơn nữa, tôi còn là một trong những người trực tiếp tham gia vào việc khắc phục biến cố này.
Có thể điểm qua dấu ấn này bằng sự xuất hiện của đợt dịch lần thứ nhất vào chiều 30 Tết của năm 2020, Đà Nẵng đã đặt mình vào trạng thái sẵn sàng và rồi ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện -du khách người Anh - vào ngày 7/3, khiến cả ngành y tế phải huy động toàn lực để điều trị, xét nghiệm, cách ly.
Tiếp đến là nhân viên Điện máy Xanh mắc COVID-19 do tiếp xúc gần với du khách người Anh, khiến cả TP lo lắng khi lịch trình đi lại của bệnh nhân này tại cộng đồng. Nhưng rồi chúng ta cũng đã kiểm soát được.
Đợt bùng phát dịch lần 2 mới là dấu ấn ghi đậm trong trí nhớ của tôi. Còn nhớ chiều ngày 23/7, trong hội nghị Điển hình tiên tiến ngành y tế, chúng tôi nhận được thông tin 1 trường hợp dương tính ở Bệnh viện C. Ngay lúc đó toàn ngành y tế liên tưởng ngay đến 1 ca tại cộng đồng và tất cả khẩn trương vào cuộc.
Chỉ sau 1 ngày kể từ khi phát hiện ca mới, tình hình dịch diễn ra quá nhanh khiến cả ngành y tế khủng hoảng, bối rối. Tiếp đó, số ca bệnh mắc ngày một tăng nhanh và Bệnh viện Đà Nẵng xuất hiện ca mắc, trong khi Bệnh viện này đang có đến 4.000 người, khiến toàn ngành y tế phải căng mình lên.
Ngay lập tức những cuộc họp khẩn cấp được triệu tập, những kịch bản được đưa ra và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP mạnh dạn tham mưu cho UBND TP đưa ra các giải pháp mạnh, đó là cần sớm cách ly xã hội, sớm khoanh vùng để dập dịch.
Theo tôi, một sự việc chưa từng có trong lịch sử ngành y tế là hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn bị tê liệt. Từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hải Châu, Bệnh viện Cẩm Lệ, Bệnh viện Hoàn Mỹ,… đều bị cách ly, phong toả.
Rồi tiếp đến là Đà Nẵng cách ly toàn xã hội, cấm tụ tập, hạn chế người dân ra đường… một không khí rất căng thẳng bao trùm.
Toàn ngành y tế lúc này “căng như dây đàn”, vì phải đảm bảo 2 nhiệm vụ là phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo chăm sóc sức khoẻ người dân. Chúng tôi luôn đứng trước những quyết định khẩn cấp mang tính lịch sử, đặt cả TP trong trạng thái báo động không khác thời chiến.
Anh có thể tưởng tượng rằng, trong bối cảnh số ca bệnh mắc COVID-19 tăng liên tục, các bệnh viện lớn đều đều buộc phải cách ly có cả dân cư và gần 4.000 gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng thì bài toán chưa từng có đặt ra cho chúng tôi là làm sao giải phóng số bệnh nhân khỏi tâm dịch nhanh nhất, nhưng phải đảm bảo điều trị lẫn phòng dịch. Và để đưa ra quyết định sơ tán tán và cách ly an toàn toàn bộ số người này trong thời gian ngắn cũng là một dấu ấn rất khó quên.
Một dấu ấn nữa đó là năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 của Đà Nẵng, từ xét nghiệm chỉ 700 mẫu/ngày đã được nâng lên 13.000 mẫu/ngày chỉ sau thời gian ngắn, khiến ai cũng ngỡ ngàng khi chúng ta đã có thể làm được.
Quang cảnh khu vực cụm các Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng trong thời điểm phong toả dịch COVID-19 |
- Có thể nói đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Bà có thể chia sẻ những việc mà ngành y tế Đà Nẵng đã làm được và chưa làm được trong năm đại dịch vừa qua?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Có thể nói việc làm được của Đà Nẵng đó là công tác chuẩn bị phòng chống dịch và công tác khoanh vùng dịch, xác định đối tượng nhiễm SARS-CoV-2. Anh có thể tưởng tượng rằng với năng lực ban đầu chỉ có 3 đơn vị với năng lực xét nghiệm 700 mẫu/ngày, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Đà Nẵng đã có đến 9 đơn vị có thể thực hiện xét nghiệm SARV-CoV-2 với năng lực lên đến 13.000 mẫu/ngày. Đó là một sự nỗ lực phi thường và gần như không tưởng.
Khi đó, CDC Đà Nẵng không phải là Trung tâm kiểm soát bệnh tật mà là một nhà máy thực thụ, họ đã làm việc 24/24h liên tục và ròng rã với tốc độ xét nghiệm tối đa để làm sao khoanh vùng, khống chế và ngăn chặn dịch lây lan nhanh nhất.
Đó là thành công của tổng hoà tất cả các biện pháp phòng chống dịch, từ xét nghiệm để sớm phát hiện cho đến hạn chế tập trung, phát thẻ đi chợ… và xác định khoanh vùng các điểm nóng có nguy cơ biến thành ổ dịch.
Một thành công nữa đó là Đà Nẵng quyết định thực hiện xét nghiệm theo hộ gia đình và xét nghiệm mẫu gộp trong cộng đồng để sớm khoanh vùng dập dịch và tiết kiệm lượng lớn kinh phí xét nghiệm.
Một thành công nữa cũng cần kể đến đó là tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và thần tốc của cả bộ máy chính trị TP trong việc chung tay dập dịch. Đà Nẵng đã ghi dấu ấn khi xây dựng được 2 bệnh viện dã chiến đó là Bệnh viện dã chiến Hoà Vang và Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn để thực hiện nhiệm vụ chuyên trách điều trị bệnh cho bệnh nhân mắc COVID-19 và điều phối điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Đà Nẵng góp phần vào thành công chung trong công tác phòng chống dịch.
Tuy vậy vẫn có những điều chưa làm được ở giai đoạn đầu phòng chống dịch còn bị động, lúng túng do dịch ập đến nhanh và tốc độ lây lan diễn ra phức tạp khiến chúng ta không lường trước được. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày, bằng sự chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng từ các cấp đã đưa công tác phòng chống dịch đã đi vào nề nếp và đem lại những kết quả đáng ghi nhận.
Bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng (bên phải) kiểm tra công tác chuẩn bị tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn |
- Để ứng phó với dịch COVID-19, ngành y tế Đà Nẵng đã phải huy động những nguồn lực nào? Những con số ước tính giá trị mà ngành y tế đã phải sử dụng để kiểm soát cơn đại dịch?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Hiện tại chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính chi phí riêng của ngành y tế đã lên trên 250 tỷ đồng. Đó là chi phí xét nghiệm đối với 327.000 mẫu xét nghiệm, chi phí cách ly đối với gần 12.000 người, chi phí công cụ, dụng cụ y tế,…
Đó chỉ mới là ước tính về mặt chi phí, còn để ứng phó với dịch, bên cạnh các lực lượng ngoài ngành như: công an, quân đội,… thì ngành y tế đã huy động toàn lực với 6.000 cán bộ ngành y tế trực thuộc, cùng khoảng 2.000 người thuộc các lực lượng y tế ngoài ngành và tư nhân.
Ngoài ra, phải kể đến các lực lượng chuyên gia y tế đến từ trung ương, cán bộ y tế đến từ các tỉnh bạn, lực lượng sinh viên của các trường đại học trên địa bàn hỗ trợ Đà Nẵng lên đến 1.300 người.
Một nguồn lực rất lớn, vô hình nhưng rất quan trọng đó là sự tương thân tương ái của các lực lượng y tế các địa phương, tinh thần đoàn kết của ngành y tế Đà Nẵng nói riêng và của cả hệ thống y tế cả nước nói chung đã đồng lòng, tình nguyện đến với Đà Nẵng để dập dịch. Cái giá trị ấy khó đo đếm được.
Ký ức không bao giờ quên!
- Là tư lệnh ngành, đứng tiên phong trong công tác phòng chống dịch, bà có thể cho biết cá nhân bà cũng như ngành y tế TP đã phải đối mặt với những áp lực gì trong thời điểm đó? Nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 2 và Đà Nẵng là tâm điểm?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Thật sự là rất áp lực và áp lực đó đã có ngay từ những buổi đầu phát hiện dịch bệnh của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 1 khi ngành y tế đặt mình trong trạng thái kiểm soát dịch bệnh ở cấp độ cao nhất.
Tuy nhiên, tại đợt bùng phát lần 2 thì áp lực càng đè nặng hơn. Thật sự là tôi rất căng thẳng và lo lắng. Áp lực không chỉ ở nghề nghiệp mà còn ở các quan hệ ngoại giao với các nước khi tự Đà Nẵng đặt mình trong tình trạng khẩn cấp.
Chuyến bay của đoàn khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng là một ví dụ. Đoàn khách này từ quốc gia có dịch đến Việt Nam trong bối cảnh chưa có chỉ đạo của Trung ương về cách ly người đến từ Hàn Quốc, nhưng vì an toàn của người dân TP, Đà Nẵng đã ra những quyết định quyết liệt mà trong đó ngành y tế là tham mưu nên chúng tôi đối mặt với áp lực rất lớn.
Tôi còn nhớ đêm đó tôi thức trắng để suy nghĩ làm sao để có thể đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo điều phối số lượng khách tránh gây phản ứng. Và như anh đã biết, buộc chúng tôi phải có quyết định hoãn binh và đến ngày hôm sau chúng ta cũng đã có phương án xử trí phù hợp, dù rằng trước đó có những phản ứng dữ dội từ phía đoàn khách.
Một áp lực nữa đó là Đà Nẵng luôn thường trực nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì Đà Nẵng là đầu mối giao thông, cửa khẩu với lưu lượng người đến rất lớn nên chỉ cần một trường hợp mắc bệnh lọt vào cộng đồng là tình hình sẽ trở nên phức tạp. Chính vì vậy, với vai trò của mình, không chỉ cá nhân tôi mà cả ngành y tế TP luôn trong trạng thái căng thằng cao độ.
Áp lực về năng lực điều trị của bệnh viện dã chiến hạn chế, bệnh nhân dương tính thì ngày một tăng, trong khi các bệnh viện lớn lẫn y bác sĩ thì đều bị cách ly khiến chúng tôi rất lo lắng.
Với vai trò là người đứng đầu ngành y tế địa phương, việc phải chứng kiến anh em cán bộ y tế làm việc hàng ngày, oằn mình trực chiến liên tục 15-16 tiếng đồng hồ để cứu bệnh nhân khiến tôi cảm nhận trách nhiệm của mình rất lớn, buộc tự mình phải làm sao không được để anh em thiếu phương tiện bảo hộ hay sức khoẻ ảnh hưởng đến tinh thần chống dịch chung.
Áp lực dư luận xã hội cũng đè nặng rất lớn mỗi khi TP có thêm ca mắc mới với lịch trình di chuyển phức tạp, hay trong những tình huống phát sinh, buộc chúng tôi phải tham mưu áp dụng thêm các biện pháp phòng dịch khiến người dân bức xúc.
Thậm chí áp lực cả trong công tác quản lý, những ồn ào xoay quanh các vụ việc mua sắm trang thiết bị y tế ở một số địa phương trong khi bối cảnh khẩn cấp, ưu tiên kiểm soát chống dịch cũng đè lên vai của người lãnh đạo rất nhiều.
Thật sự khó diễn tả được hết các áp lực dước góc độ cá nhân và ngành khi đang đứng trước một trận chiến diễn biến phức tạp, bất ngờ và không thể biết được hồi kết.
Nhân viên y tế Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng kiệt sức khi căng mình chống dịch COVID-19 |
- Trong chuỗi hành trình căng mình ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn, điều gì gây xúc động và ấn tượng nhất đối với bà?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Nếu nói điều gây xúc động đối với bản thân tôi thì có rất nhiều, có thể ở rất nhiều khía cạnh, góc độ. Những hình ảnh khiến tôi xúc động đó là các bác sĩ căng mình chống dịch, hình ảnh các bác sĩ bị cách ly dài ngày với con nhỏ, những nhân viên y tế trung tâm CDC Đà Nẵng miệt mài trong phòng xét nghiệm quên cả nghỉ ngơi, hay những chiếc khẩu trang và kính bảo hộ khiến gương mặt các bác sĩ bầm tím, hình ảnh cán bộ chiến sĩ các lực lượng đứng gác các chốt phong toả xuyên đêm…
Nhưng hình ảnh khiến tôi xúc động và ấn tượng nhất là hình ảnh anh em cán bộ Trung tâm Cấp cứu phải làm việc liên tục 15-16 tiếng đồng hồ/ngày để ứng cứu bệnh nhân, rồi ngất xỉu nằm dài ra đất trong bộ đồ bảo hộ, khiến tôi không thể cầm được nước mắt.
Thật sự những hình ảnh đó đã ám ảnh và gây xúc động mạnh đối với tôi.
Chính vì vậy, quan điểm của tôi là không được để cán bộ y tế bị suy kiệt sức khoẻ, không để anh em thiếu phương tiện phòng chống dịch,… nhất là không được giảm lửa chống dịch!
Cũng phải nói, qua đợt dịch này, điều nữa khiến tôi rất hạnh phúc đó là sự đoàn kết đồng lòng của anh em ngành y tế, của tất cả các cơ sở, cấp ngành, chỉ cần sở y tế kêu gọi là tất cả tham gia huấn luyện và đi vào ngay tuyến đầu chống dịch. Đó là những cảm xúc khiến tôi không bao giờ quên.
- Với những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là khi mà chủng biến thể mới đã xuất hiện, trong thời gian tới, ngành y tế Đà Nẵng sẽ làm gì để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Dưới góc độ phòng chống dịch, ngành y tế chúng tôi có 2 nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP về các phương án y tế. Nhiệm vụ thứ hai là tổ chức triển khai chăm sóc sức khoẻ người dân.
Đối với vai trò tham mưu thì Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP triển khai công tác phòng, chống dịch ở cộng đồng, chuẩn bị cho Tết nguyên đán và lễ hội năm mới với nguy cơ tiềm ẩn dịch rất lớn. Đặc biệt là trong khi diễn biến dịch ở các nước lân cận đang rất phức tạp thì bên cạnh việc tuân thủ các chỉ đạo của trung ương, Sở Y tế cũng đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo TP ban hành các quy định y tế nhằm ngăn chặn tình trạng dịch bệnh xâm nhập qua con đường nhập cảnh từ các cửa khẩu.
Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo để có những văn bản quy định, chỉ đạo các ngành phối hợp phòng chống dịch tại các khu cách ly, tại các khu lưu trú, các nhà máy, trường học, từ các lễ hội và những nơi tập trung đông người…
Với vai trò ngành chuyên môn thì bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ người dân, ngành y tế còn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch trực tiếp trong quá trình khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể là liên tục giám sát việc thực hiện quy trình kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại các phòng khám…
Bên cạnh đó, do diễn biến của dịch không biết khi nào mới chấm dứt nên Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, đảm bảo nguồn lực nhân viên y tế, cơ số thuốc, thiết bị y tế để ứng phó với những tình huống có thể xảy ra.
Nói chung là chúng tôi luôn đặt mình trong trạng thái thường trực để ứng phó với dịch bệnh.
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (Đà Nẵng) được Đà Nẵng thi công thần tốc để phục vụ phòng chống dịch COVID-19, nhưng may mắn không phải sử dụng |
- Sau những gì đã và đang diễn ra, bà có lời khuyên gì đối với cộng động và người dân?
Bà Ngô Thị Kim Yến: Hiện nay tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới và trong khu vực có diễn biến rất phức tạp, nên nguy cơ dịch câm nhập vào Việt Nam là rất cao. Chính vì vậy, biện pháp ngăn ngừa và phát hiện là cực kỳ quan trọng.
TP đã tuyên truyền ý thức phòng bệnh, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, cần cảnh giác phát hiện và báo cáo đến cơ quan chức năng những trường hợp nhập cảnh trái phép, những người có dấu hiệu nhập cảnh bất thường ở địa phương để sớm phát hiện nguy cơ nguồn lây.
Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ quy định “5K” của Bộ Y tế trong phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, thực hiện sát khuẩn,… để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và cộng đồng.
Xin cảm ơn bà đã trao đổi!