Tờ Nhân Dân (Trung Quốc) ngày 11/4 dẫn các nguồn tin từ Hàn Quốc cho rằng, việc Mỹ gia tăng triển khai vũ khí ở xung quanh bán đảo Triều Tiên đã làm cho tâm trạng bất an của người Hàn Quốc nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet.
Mặc dù, trong thời gian diễn ra các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vào mùa xuân hàng năm đều xuất hiện tình trạng căng thẳng, nhưng đây là lần đầu tiên, "cuộc khủng hoảng tháng Tư" lan tràn khắp nơi như vậy.
Người Hàn Quốc đã chịu đủ quan hệ căng thẳng nam - bắc trong vài chục năm qua. Viện nghiên cứu chính sách Asan, Hàn Quốc đã tiến hành cuộc khảo sát dư luận từ tháng 9 - 12/2016, qua đó phát hiện, có 43,2% người được hỏi cho rằng tấn công Triều Tiên trong trường hợp khủng hoảng là "cần thiết", tăng 6,9% so với 3 năm trước; những người phản đối tấn công quân sự giảm 9% so với trước.
Theo tờ Thời báo New York (Mỹ), vào Chủ Nhật vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết, sắp tới Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cân nhắc đến phương án "xóa sạch mối đe dọa tên lửa Triều Tiên". Hành động của tàu sân bay Mỹ đang cảnh cáo Triều Tiên rằng: "Mặc dù hiện nayđang tập trung vào vấn đề Syria, nhưng Mỹ cũng không quên họ".
Ông Victor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Liên bang Nga ngày 9/4 cho rằng cụm tấn công tàu sân bay Mỹ quay trở lại bán đảo Triều Tiên, không loại trừ khả năng Mỹ phát động tấn công tên lửa đối với các cơ sở quân sự của Triều Tiên.
Hơn nữa, động thái này của Mỹ cũng có thể thúc giục nhà lãnh đạo Triều Tiên áp dụng hành động khinh suất. Tất cả các nước trên thế giới cần có hành động chung để gây sức ép dư luận, ngăn chặn Mỹ áp dụng hành động này - ông Victor Ozerov nói.
Giáo sư Yoichi Takahashi, Đại học Kaetsu, Nhật Bản cho rằng, theo tính toán của Hàn Quốc, nếu Mỹ tiến hành tấn công quân sự đối với Triều Tiên thì có thể khiến cho 600.000 người chết.
Sau khi Mỹ triển khai hành động quân sự "đánh đòn phủ đầu",Triều Tiên sẽ tiến hành đáp trả tương đối mạnh mẽ. "Đây là sự khác biệt căn bản giữa Triều Tiên và Syria".
Vì vậy, giáo sư Yoichi Takahashi cho rằng khả năng quân đội Mỹ tiến hành "đánh đòn phủ đầu" không lớn. Nhưng trong 30 năm qua, đây là thời điểm khả năng hành động quân sự đã đạt tới cấp độ cao nhất.
Nhà nghiên cứu Lý Minh Giang từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng nếu Mỹ tấn công Syria là "giết gà dọa khỉ" thì sẽ có tác dụng ngược đối với Triều Tiên. Một khi nổ ra chiến tranh, nếu không thể thực hiện thành công hành động "lật đổ" hoặc tiêu diệt triệt để các cơ sở hạt nhân Triều Tiên dưới núi và lòng đất thì Hàn Quốc sẽ đối mặt với hậu quả mang tính thảm họa.
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 10/4, trưởng đoàn đàm phán về vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc, ông Vũ Đại Vĩ vừa có chuyến thăm Hàn Quốc. Ông cho rằng, nếu Triều Tiên tiếp tục "khiêu khích" thì sẽ thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nhưng, ông Vũ Đại Vĩ tiếp tục phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, đồng thời phản đối áp dụng các hành động trừng phạt đơn phương khi chưa được Liên hợp quốc cho phép.
Gần đây có tin đồn cho rằng quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập kết 150.000 quân ở khu vực Đông Bắc, khu vực giáp với Triều Tiên, thế nhưng chuyên gia Hàn Quốc khẳng định cách nói này có phần thổi phồng. Tuy nhiên, việc quân đội Trung Quốc liên tiếp tiến hành diễn tập ở khu vực biên giới Trung - Triều "là sự thực".
Về thông tin Trung Quốc tăng quân ở biên giới Trung - Triều, ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã phủ nhận.
Tờ Kommersant (Nga) dẫn lời chuyên gia Sotnikov từ Trung tâm nghiên cứu Đông Phương học, Viện Khoa học Nga cho rằng, nếu nói Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành tấn công Syria đã giáng một đòn mạnh vào quan hệ Nga - Mỹ, thì tấn công quân sự đối với Triều Tiên sẽ "giáng một đòn mạnh vào quan hệ Trung - Mỹ".
Phía Trung Quốc cho biết trong cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ vừa qua ở bang Florida, Mỹ, hai bên xác nhận sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng ý duy trì trao đổi và phối hợp chặt chẽ về vấn đề bán đảo.
Trung Quốc kêu gọi thực hiện quan điểm "song hành" - tức là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và chuyển từ cơ chế đình chiến (sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1953) sang cơ chế hòa bình (thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ - Nhật, đàm phán xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài của bán đảo Triều Tiên).
Ngoài ra, Trung Quốc còn kêu gọi thực hiện kiến nghị "hai tạm dừng" - tức là Triều Tiên tạm dừng hoạt động hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ - Hàn tạm dừng tập trận quy mô lớn. Từ đó thoát khỏi "khó khăn an ninh" hiện nay, đưa các bên quay trở lại bàn đàm phán.
Hiện nay, Trung Quốc đang tập trung kêu gọi các bên thực hiện các quan điểm và kiến nghị này, tức là thực hiện "phương án Trung Quốc" để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, đối với “phương án Trung Quốc” này, hiện chưa có bên nào tuyên bố đồng ý thực hiện, vai trò của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên vẫn còn phải tiếp tục quan sát.