Mỹ động thủ với Triều Tiên, Trung Quốc có “kháng Mỹ viện Triều” lần hai?

VietTimes -- Theo một số nguồn tin cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, hai bên đã đạt được 6 đồng thuận, trong đó bao gồm việc nếu Mỹ phát động tấn công quân sự đối với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không tiến hành "kháng Mỹ viện Triều" lần thứ hai.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Business Insider
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Business Insider

Các trang tin tiếng Trung ở Mỹ gồm NTDTV và Đa Chiều ngày 9 và 10/4 cho hay, tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc ở bang Florida, Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã nêu vấn đề tìm cách để ngăn chặn "mối đe dọa" hạt nhân Triều Tiên, coi đây là một trong những vấn đề trọng điểm.
Trong cuộc gặp này, hai bên đã được đồng thuận: Sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm con đường hòa bình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ngay sau cuộc gặp, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ bất ngờ đổi hướng, không đến Australia nữa mà trực chỉ hướng bắc để đến bán đảo Triều Tiên, phát đi tín hiệu Mỹ muốn "động thủ" đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul.
Đối với vấn đề này, trả lời phỏng vấn trên chương trình Face The Nation của hãng CBS Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biết rõ và đồng ý rằng tình hình bán đảo Triều Tiên đã trở nên trầm trọng hơn và đã đạt đến mức phải triển khai hành động… Ông Tập Cận Bình ý thức được vấn đề Triều Tiên đã đe dọa lợi ích tự thân của Trung Quốc".
Ông Rex Tillerson còn cho biết, Trung Quốc hoàn toàn không tin tưởng trong điều kiện hiện nay, tiến hành thảo luận với Bình Nhưỡng là thích hợp. Ngoại trưởng Mỹ cho hay, Washington vẫn đặt hy vọng vào hợp tác Trung - Mỹ để làm thay đổi tư duy của tầng lớp lãnh đạo Triều Tiên.
Phát biểu trên của Ngoại trưởng Mỹ được cho là hành động của Mỹ ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đã nhận được sự đồng ý của ông Tập Cận Bình.

Từ ngày 6 - 7/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hội đàm ở bang Florida, Mỹ (ảnh tư liệu)
Từ ngày 6 - 7/4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành hội đàm ở bang Florida, Mỹ (ảnh tư liệu)

Đối với vấn đề này, ngày 10/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Mỹ, hai bên xác nhận sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tái khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện toàn diện nghị quyết liên quan đến Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng ý duy trì trao đổi và phối hợp chặt chẽ trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc tái khẳng định kiên trì phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, kiên trì bảo vệ hòa bình, ổn định bán đảo, kiên trì thông qua đối thoại, đàm phán để giải quyết vấn đề, tiếp tục đưa ra đề nghị “hai bước song hành” và “hai tạm dừng”.
Trước đó, khi trả lời phóng viên tờ Thời báo Tài chính (Anh), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Bắc Kinh có khả năng ngăn cản hành động đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng. "Nếu Trung Quốc không đồng ý hỗ trợ giải quyết vấn đề Triều Tiên, tôi cho anh biết là chúng tôi sẽ hành động".
Ông Donald Trump hoàn toàn không nói cụ thể Mỹ sẽ triển khai hành động như thế nào đối với Triều Tiên, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này có thể bao gồm phát động tấn công quân sự đánh đòn phủ đầu đối với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần phê phán cách làm của Trung Quốc đối với Triều Tiên không có hiệu quả. Tháng 3/2017, ông nói với hãng tin Reuters (Anh) rằng, ông không thích sự tiếp xúc liên tiếp giữa Bắc Kinh và Triều Tiên.

Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Trước đó, có tin cho hay Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây đến thăm Trung Quốc, hai bên đã đạt được 6 đồng thuận, trong đó bao gồm: nếu Mỹ phát động tấn công quân sự đối với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ không tiến hành "kháng Mỹ viện Triều" lần thứ hai.
Tuy nhiên sắp tới, Mỹ sẽ áp dụng hành động nào đối với chính quyền Triều Tiên là điều cần phải tiếp tục theo dõi.